Sự kiện hot
11 năm trước

Bán nhà xây… bảo tàng tranh tư nhân!

Dantin - Hơn 1600m2 sàn của khu biệt thự 3 tầng dùng để trưng bày tranh, thư pháp và nhiều hiện vật đồ gốm là toàn cảnh khu bảo tàng tranh gia đình của nữ hoạ sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ ở thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.

Dantin - Hơn 1600m2 sàn của khu biệt thự 3 tầng dùng để trưng bày tranh, thư pháp và nhiều hiện vật đồ gốm là toàn cảnh khu bảo tàng tranh gia đình của nữ hoạ sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ ở thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.

Nhưng ít ai đến đây biết được để có bảo tàng ấy, nữ hoạ sĩ đã phải bán đi nhiều thứ, kể cả căn nhà nhỏ mà cả gia đình mình đang sống ở phố Bà Triệu ( Hà Nội).

“Tôi chỉ là người yêu tranh”

Khác với nhiều hoạ sĩ khác, Phan Thị Ngọc Mỹ khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật và sưu tập tranh của mình bằng một mở cửa hàng mua bán tranh ở phố Bà Triệu từ những năm 80. Một lần, có người đem đến bán cho bà một bức tranh “phố cổ” với những nét rêu phong với giá 300.000 đồng, bà chợt nhận ra đó là tranh “phố Phái”. “Gặng hỏi mãi, người bán cũng thú thật: Bức tranh được hoạ sĩ Bùi Xuân Phái tặng bố mình nhưng bí tiền quá nên đem bán. Nghe đến đó mà mình thấy xót xa cho những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Là hoạ sĩ, lại sẵn lòng yêu tranh nên “công cuộc” sưu tầm tranh của tôi bắt đầu”, bà Mỹ kể lại.

Và từ đó, cứ mỗi lần nghe ai đó nói ở đâu có tranh là tìm đến hỏi mua. Không có tiền để mua tranh bà bán dần đồ đạc trong nhà. Có lúc là chiếc xe Cup 50, có lúc là chiếc tủ lạnh đã cũ của Nga- tài sản lớn nhất trong nhà, để có tiền mua những tranh phố của Bùi Xuân Phái do một người quen bán lại. Nữ hoạ sĩ nhớ lại: “Nhiều lúc tài sản trong nhà chẳng còn gì đáng tiền ngoài tranh …”

Một góc bảo tàng tranh xứ Đoài.

Đặc biệt trong quá trình sưu tầm, hoạ sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ lưu giữ được bộ 39 bức tranh của hoạ sĩ Lê Huy Hoà- một thành viên của “bộ tứ hội hoạ kháng chiến”: Nhân-Hoà- Hậu- Kiệm. Nhắc đến tranh của cố họa sĩ Lê Huy Hoà, bà bùi ngùi nhớ lại: “Những ngày cuối đời, hoạ sĩ Lê Huy Hoà ốm nặng, cuộc sống hết sức khó khăn. Không đành lòng nhìn người ta mua những bức tranh của ông với giá…“coi rẻ nghệ thuật” nên ông vẽ bức nào tôi mua luôn bức ấy. Đó không phải là chuyện mua bán, tôi muốn gìn giữ những gì đồng nghiệp đã dày công sáng tạo ra”.

 Gần 30 năm,vừa đi, vừa vẽ, vừa sưu tầm, tìm tòi và lưu giữ, “tài sản nghệ thuật” của nữ hoạ sĩ lên tới hơn 700 bức hoạ, gần 1.000 bức thư pháp. thì căn nhà tập thể 20m2 đã cao ngất lên đền trần nhà. Bàn đi tính lại bà đành quyết định liều: “Bán căn nhà đi để về quê mình mở một bảo tàng tranh để gìn giữ những sáng tạo nghệ thuật”. Không ngờ cái quyết định ấy lại được chồng bà ủng hộ, vậy là bảo tàng tranh tư nhân đầu tiên tại xứ Đoài ra đời.

Ghé thăm bảo tàng, người ta có thể tìm thấy nét mộc mạc, cổ xưa của phố phường Hà Nội qua nhiều bức hoạ của Bùi Xuân Phái, hay những nét tả thực về cuộc sống chiến đấu của người vệ quốc quân qua tranh của Lê Huy Hoà và rất nhiều bức hoạ khác gắn với những tên tuổi của làng hội hoạ Việt Nam qua nhiều thời kì. Tại bảo tàng, nữ hoạ sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ chỉ dành một góc khiêm tốn trưng bày trên dưới một 100 bức tranh mình vẽ. Có trong tay cả một “gia tài tranh” nhưng hạo sĩ Mỹ bảo: “Trước sau thì tôi cũng chỉ là người yêu tranh”.

Bảo tàng tranh tư nhân đầu tiên

Trong một lần gặp gỡ các hoạ sĩ tại bảo tàng tranh, hoạ sĩ Văn An tâm đắc: “Điều bất ngờ là bảo tàng gìn giữ những gia sản nghệ thuật lớn lao và cách chơi tranh có hệ thống gắn với những giai đoạn phát triển của hội hoạ Việt Nam - chính điều này cũng tạo nên nét đặc trưng của bảo tàng tranh tư nhân Phan Thị Ngọc Mỹ. Nó thể hiện ý thức của người chơi tranh trong việc lưu giữ những bức hoạ quý của nhiều bậc thầy hội hoạ Việt Nam một thời”.

Sự am hiểu giá trị hội hoạ một cách tinh tường đã giúp bà sưu tập và lưu giữ được những bức hoạ của nhiều thế hệ hoạ sĩ Việt Nam được đào tạo từ những cái nôi của hội hoạ nước nhà: trường Mỹ thuật Đông Dương, trường mỹ thuật kháng chiến Việt Bắc, trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam, Cao đẳng mỹ thuật Gia Định rồi Học viện mỹ thuật La Mã. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều dòng tranh với nhiều chất liệu khác nhau: Sơn dầu, bột màu, lụa, giấy gió,sơn mài, khắc gỗ…

Sự đa dạng về trường phái và chất liệu tranh là điều hấp dẫn với nhiều người mê tranh khi được tận mắt nhìn lại những bức hoạ gắn với nhiều thời kì phát triển hội hoạ Việt Nam: Mỹ thuật Đông Dương với những bức hoạ của Nguyễn Gia Trí, Bùi Văn Sìn, Tô Ngọc Vân. Mỹ thuật kháng chiến với những bức vẽ của Lưu Công Nhân, Lê Huy Hoà, Trần Lưu Hậu. Mỹ thuật đương đại với bộ sưu tập tranh của Vĩnh Phối, Nguyễn Thụ và Sĩ Tốt…

Với một hệ thống tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật, Cục di sản văn hoá Bộ Văn hóa Thể thao &Du lịch đã công nhận đây là bảo tàng tranh tư nhân đầu tiên ở nông thôn nước ta.

Hoàng Tuấn

Từ khóa: