Sự kiện hot
6 năm trước

Bản tin Tiêu dùng ngày 21/8: 33 triệu đồng/bông hoa Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn tranh nhau mua; Giá vàng SJC tăng đồng loạt

Giá vàng SJC tăng đồng loạt trong khi giá heo giảm; Cả chồng tiền mới mua nổi cuộn giấy vệ sinh ở Venezuela; Giá rau xanh tăng gấp đôi, đồ khô “cháy hàng”; Mù mờ nguồn gốc thịt ngoại...là những tin tiêu dùng đáng chú ý hôm nay.

Giá vàng SJC hôm nay đồng loạt tăng

Theo một số nguồn tin, giá vàng SJC hôm nay (21/8) đồng loạt tăng 20.000 – 70.000 đồng/lượng tại tất cả hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 8h30.

Cụ thể, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn và hệ thống cửa hàng PNJ cùng tăng giá vàng SJC 20.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Giá vàng SJC niêm yết tại Tập đoàn Doji tăng lần lượt 50.000 đồng/lượng mua vào và 30.000 đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, Tập đoàn Phú Quý tăng giá vàng SJC 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

Hiện, giá trần mua vào và giá trần bán ra của vàng miếng SJC là 36,67 triệu đồng/lượng và 36,82 triệu đồng/lượng.

Với vàng nữ trang SJC, giá vàng 24K tăng 70.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Tương tự, giá vàng 18K và 14K tăng lần lượt 52.000 đồng/lượng và 41.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

Giá heo hơi hôm nay (21/8): Giảm trên diện rộng tại hai miền Bắc - Trung

Theo ghi nhận của Vietnambiz, giá heo hơi tại miền Bắc đồng loạt giảm tới 2.000 đồng/kg tại các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc; với Phú Thọ và Lào Cai xuống 50.000 đồng/kg, còn Tuyên Quang và Vĩnh Phúc xuống 51.000 đồng/kg. Tại Bắc Giang có nơi báo giá heo còn 50.000 đồng/kg.

Tại Hải Dương, Ninh Bình, giá heo hơi giảm ít hơn, khoảng 1.000 đồng/kg, xuống 52.000 đồng/kg. Trong khi giá heo hơi cao nhất tại Hưng Yên tiếp tục giảm thêm 500 đồng ngày thứ hai liên tiếp xuống 52.000 đồng/kg.

Với sự sụt giảm trong ngày hôm nay, giá heo hơi tại khu vực đang được thu mua trong mức 50.000 - 54.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên đang dao động trong khoảng 46.000 - 54.000 đồng/kg.

Còn tại miền Nam giao dịch ở mức giá tương đối đồng đều giữa các địa phương, đạt 47.000 - 52.000 đồng/kg.

Cả chồng tiền mới mua nổi cuộn giấy vệ sinh ở Venezuela

Giá cả tăng vọt khiến người dân Venezuela thường xuyên phải mang theo hàng chồng tiền để mua nhu yếu phẩm. 

Theo VnExpress đưa tin, cuối tuần trước, Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro công bố hàng loạt chính sách kinh tế mới.

Bắt đầu từ (20/8), họ sẽ xóa 5 số 0 trên đồng bolivar hiện tại. Lương tối thiểu tháng cũng đã được nâng lần thứ 5 trong năm.

Giá cả sẽ được neo vào đồng petro - tiền ảo do nước này phát hành, đồng nghĩa với việc hạ giá đồng bolivar tới 96%.

Thuế thu nhập doanh nghiệp và giá xăng (vốn được trợ cấp mạnh tay) cũng sẽ được nâng lên trong vài tuần tới.

33 triệu đồng/bông hoa Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn tranh nhau mua

Thị trường hiện nay có 3 loại hoa sen núi tuyết: Sen tuyết mọc tự nhiên ở Tân Cương, Tây Tạng (Trung Quốc); loại trồng ở vùng Bhutan thuộc dãy Himalaya; một loại dân tự trồng. được biết đến có rất nhiều công dụng như tăng cường sinh lực, chống ung thư, mệt mỏi, chống lão hoá, làm đẹp

Theo Dân trí tìm hiểu, đắt đỏ nhất là loại mọc tự nhiên có giá khoảng 33 triệu đồng/bông, mỗi bông nặng khoảng 30-40 gram.

Việc khai thác tuyết liên phải trong vùng quy hoạch, do cơ quan quản lý thực vật hoang dã cấp phép nên để tiêu thụ giá sẽ rất cao.

Tuy nhiên, một vài người đã từng mua và sử dụng loại hoa sen tuyết này để pha trà uống nhằm chữa bệnh cho biết, chúng cũng không giúp bệnh tình thuyên giảm.

Hơn nữa, việc bỏ ra vài chục triệu đồng chỉ để mua về pha trà uống cũng rất lãng phí.

Na bở thành hàng “hot”, giá cao vẫn “cháy hàng”

Trong thời gian dài, người dùng mặc định na dai là loại ngon nhất, hơn hẳn so với na bở. Thế nhưng gần đây, na bở đang "hot" trở lại trên thị trường.

Khảo sát của phóng viên Dân trí cho biết, hiện trên thị trường, na bở có giá thấp nhất từ 80.000 – 90.000 đồng/kg.

Cá biệt loại quả to, ngon, đặc sản vùng núi Hà Giang, Lạng Sơn có giá lên đến 130.000 đồng/kg.

Lý giải về việc na bở trở nên “hiếm có khó tìm”, một tiểu thương cho biết, chủ yếu do các chủ vườn trồng na không trồng loại quả này nữa. Thứ nữa là quả na bở không được chuộng phổ biến, có chăng chỉ một nhóm người.

Thứ ba là vận chuyển tốn công và khó hơn na dai, do na bở chín sẽ trở nên bở nhũn, khó đi đường ô tô dài ngày, thêm nữa lại khó bảo quản lâu nên chúng tôi không muốn nhập bán.

Giá rau xanh tăng gấp đôi, đồ khô “cháy hàng”

Theo một vài nguồn tin, nếu tại các siêu thị, giá rau xanh được giữ ở mức bình ổn thì tại chợ truyền thống, nhiều loại rau xanh đã tăng gấp đôi do nhu cầu tăng cao và tác động của mưa bão.

Một thương nhân bán tại chợ cho biết, các loại rau củ như súp lơ, cà rốt, su su,… đều tăng giá gấp rưỡi đến gấp đôi ngày thường, lượng khách mua hàng cũng tăng cao nên bán đắt hàng.

Tuy nhiên, dù đông khách nhưng giá các mặt hàng đồ khô về cơ bản cũng không tăng. So với những ngày trước đó thì đa phần khách hàng mua với số lượng lớn các mặt hàng như miến, trứng, tôm khô, cá khô và các loại gia vị.

Giá thịt gà, lợn nhập khẩu rẻ hơn so với giá trong nước?

VTV cho biết, Tổng cục Hải quan, đơn vị thông quan cho các lô hàng nhập khẩu, cho biết đã có không ít các trường hợp kê khai chưa đúng giá nhập khẩu, đặc biệt với mặt hàng thịt gà.

Theo ghi nhận, một lô hàng nhập khẩu đùi gà, DN khai giá 0,63 USD. Tuy nhiên, khi cơ quan đối chiếu, so sánh, kê khai lại, giá tính thuế phải là 1,22 USD, cao gần gấp đôi so với giá DN kê khai.

Theo cơ quan Hải quan, đã có hàng chục lô hàng bị yêu cầu điều chỉnh giá từ đầu năm tới nay.

Giá thịt lợn cũng được cơ quan Hải quan lý giải tương tự.

Mù mờ nguồn gốc thịt ngoại

Giữa lúc các nhà cung cấp thịt heo, gà trong nước phải đáp ứng quy định về truy xuất nguồn gốc điện tử, minh bạch thông tin về trại nuôi, nơi giết mổ, hạn sử dụng thì thông tin về thịt nhập khẩu bán lẻ rất sơ sài. Ngay tại TP HCM, nhiều siêu thị đang kinh doanh sản phẩm thịt nhập khẩu theo dạng rã đông hoặc pha lóc đóng gói lại cũng không có thông tin chi tiết về nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng nắm rõ, thông tin từ Báo Người động cho biết

Cũng theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các nước nhập về Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguồn thịt nhập khẩu đều từ các nước có nền chăn nuôi phát triển như: Mỹ, Ấn Độ, Úc, Ba Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… Nhà máy sản xuất thịt của các nước cũng phải được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thẩm định, đánh giá từng cơ sở. Nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

Giám sát chặt chất lượng nguyên liệu bánh Trung thu không để bánh kém chất lượng “tuồn” ra thị trường

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, để chuẩn bị cho mùa trung thu sắp cận kề, các cơ quan chức năng của thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ tiến hành các đợt kiểm tra chất lượng bánh kẹo, bánh trung thu tại các làng nghề truyền thống

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh phụ gia thực phẩm, các nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu cũng nằm trong diện kiểm tra lần này. Nội dung kiểm tra chủ yếu là nguồn gốc, xuất xứ của phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu để tránh trường hợp bánh hết hạn sử dụng, bánh kém chất lượng “tuồn” ra thị trường.

Siết chặt kiểm tra thực phẩm giảm cân có chứa chất Sibutramine.

Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vừa có Công văn số 4289/ATTP-SP gửi các cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm do Bộ Y tế chỉ định áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe có công dụng giảm cân, chỉ tiêu kiểm tra là chất Sibutramine.

Được biết, trước đó Sibutramine là hoạt chất đã bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấm sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL ngày 14/4/2011 do có tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, thông qua chương trình giám sát chủ động, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số sản phẩm giảm cân có chứa Sibutramine, các sản phẩm này đã bị thu hồi và xử lý theo quy định.  

Bộ y tế yêu cầu xác minh, làm rõ 'đường dây sản xuất thuốc ho bẩn’ tại TP Hồ Chí Minh

Theo Tieudung.vn, sau vụ việc VTV phát phóng sự "Phát hiện đường dây sản xuất thuốc ho bẩn”, trên nhãn sản phẩm có ghi các thông tin: "Viên Gelatin Eucaliptol"; đơn vị sản xuất: Công ty TNHH Hotel Students ở số 46A Thạnh Lộc 26, quận 12, TP Hồ Chí Minh; "sản phẩm không phải là thuốc"...

Cục Quản lý Dược đã đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh các nội dung phản ánh nêu trên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có). Đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý Dược trước ngày 27/8.

Bao cao su kém chất lượng - ẩn họa khó lường

Gần đây xuất hiện thông tin sản xuất bao cao su kém chất lượng tại TPHCM đã khiến người dân không khỏi lo lắng.

Theo thông tin từ Báo Người Tiêu dùng, mới đây báo chí đưa tin rầm rộ lực lượng chức năng TP HCM đã triệt phá một cơ sở sản xuất bao cao su kém chất lượng chỉ với công nghệ cực kỳ đơn giản, quy trình sản xuất hoàn toàn bằng tay, đặc biệt keo dán những bao cao su là loại keo để dán lốp ô tô, xe máy; nguyên liệu gia công, sản xuất bao cao su và chất bôi trơn không có nguồn gốc rõ ràng khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang và lo sợ.

Tương tự, không chỉ có Việt Nam, trước đó, Công an Thượng Hải cũng đã triệt phá thành công đường dây sản xuất bao cao su nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới là “Durex” và “Jissbon” với quy mô lớn do một người đàn ông mang họ Lý cầm đầu. Số bao cao su nhái này được phân phối ở Thượng Hải, Hà Nam, An Huy, Triết Giang, Hồ Bắc, Quảng Đông, Giang Tô, Thiểm Tây. 

Mai Quỳnh

Theo Báo ĐSTD

Từ khóa: