Sự kiện hot
10 năm trước

Bàng hoàng vì chất lượng nước sạch ở Hà Nội

Sau hàng loạt sự cố về chất lượng nước sạch tại các chung cư, khu đô thị (KĐT) gây bức xúc trong dư luận, Bộ Y tế - nơi quản lý nhà nước về kiểm tra, giám sát chất lượng nước cấp dùng cho ăn uống, sinh hoạt đã vào cuộc xét nghiệm chất lượng nước của 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước tại Hà Nội. Kết quả đưa ra thật sự khiến người dân bàng hoàng.


Trung tâm y tế dự phòng kiểm tra chất lượng nước tại chung cư Nam Đô, 609 Trương Định.

5 chỉ tiêu không đạt chất lượng

Đã gần một tháng trôi qua sau khi Bộ Y tế ban hành kết quả kiểm tra xét nghiệm nước tại hầu hết các nhà máy cấp nước trên địa bàn Thủ đô, người dân không khỏi bất ngờ bởi ngày ngày họ phải sử dụng nguồn nước sạch không đảm bảo chất lượng. Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2014 Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nước tại 16 nhà máy nước và bảy trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội. Tổng số mẫu lấy làm xét nghiệm là 196 mẫu, trong đó có 30 mẫu lấy tại các nhà máy, trạm cấp nước và 166 mẫu lấy tại các hộ gia đình. Cụ thể, trạm cấp nước KĐT Nam Đô, nước cấp sau đồng hồ tại một số hộ gia đình 6 quận nội thành: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân.

Bất ngờ hơn, sau khi có kết quả phân tích thì có năm chỉ tiêu không đạt gồm clo dư, amoni, permanganate, mangan tổng số và asen. Trong đó, có 6 mẫu nước có hàm lượng NH4+, 12 mẫu có hàm lượng permanganate và một mẫu có hàm lượng mangan cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 có hàm lượng asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép gấp bốn lần. Trong khi đó, kết quả các mẫu nước tại các cơ sở cấp nước tập trung cho các chỉ tiêu như màu sắc, mùi vị, độ đục đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Hàm lượng các thành phần vô cơ, hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất khử trùng, kim loại nặng đều nằm trong giới hạn cho phép. Không phát hiện các chỉ tiêu vi sinh vật như coliform, E. coli.

Cũng trong đợt kiểm tra này, thì chất lượng nước tại hộ gia đình và KĐT cho thấy hàm lượng clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Trong đó, KĐT Nam Đô có 6 chỉ tiêu không đạt gồm: cloform, cloform chịu nhiệt, amoni, nitrit, clo dư, permanganate. Tại các bể mái có sự tồn tại của vi sinh vật (cloform, cloform chịu nhiệt) ở mức độ thấp (dưới 50 CFU/100mL). Có năm mẫu nước không đạt chỉ tiêu nitrit (bao gồm mẫu nước bể mái và bốn mẫu hộ gia đình).

Làm rõ trách nhiệm các bên liên quan

Sau đợt rà soát vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các Cty cấp nước của Hà Nội phải tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các nhà máy, trạm cấp nước; kiểm tra chất lượng và vệ sinh toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước và bể chứa nước cấp trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý, khắc phục ngay hiện tượng rò rỉ, thẩm thấu tại các bể chứa và hệ thống đường ống phân phối; chủ động và thường xuyên rà soát kiểm tra và khắc phục các sự cố, đảm bảo cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn thành phố.


Ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, các đơn vị cấp nước phải thường xuyên kiểm tra và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nước của đơn vị đó.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: “Bộ Y tế cũng như UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối phối hợp với Sở Y tế thường xuyên kiểm tra chất lượng nước và thông báo kết quả để người dân biết. Khắc phục, bảo đảm chất lượng nước tại khu vực Mỹ Đình II, mà còn phải chấn chỉnh chất lượng nước ở KĐT Nam Đô và các nhà máy, trạm cấp nước không đạt một số chỉ tiêu đã được chỉ ra. Việc quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể giữa các bên liên quan từ đơn vị cung cấp, đơn vị sử dụng phải được làm rõ”.

“Các đơn vị cấp nước phải thường xuyên kiểm tra và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nước của đơn vị đó. Hằng tuần, các nhà máy nước phải tự lấy mẫu để kiểm tra. Các Cty cấp nước của Hà Nội phải thường xuyên giám sát chất lượng nước tại các nhà máy, trạm cấp nước, kiểm tra chất lượng và vệ sinh toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước, bể chứa trên địa bàn. Để kịp thời phát hiện và xử lý hiện tượng rò rỉ, thẩm thấu tại các bể chứa và hệ thống đường ống phân phối, bảo đảm cấp nước sạch cho nhân dân”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết.

Thêm một khu chung cư phải dùng nước “bẩn”

Đằng sau những lá đơn kêu cứu gửi đi các cơ quan chức năng để tìm lại quyền lợi cho chính bản thân gia đình mình. Người dân tại những khu chung cư, khu đô thị đã phải sử dụng nước sinh hoạt “bẩn” trong một thời gian dài. Nếu không bằng sự quyết tâm, đấu tranh một cách quyết liệt của cư dân thì không biết đến bao giờ sự thật về nước sinh hoạt tại các khu chung cư như Nam Đô, hay Mỹ Đình II mới được phanh phui.

Nghi ngờ về chất lượng nước sinh hoạt đang sử dụng, ngày 14/7/2014 người dân chung cư 15T1 số 18 Tam Trinh thuộc dự án đầu tư xây dựng văn phòng, dịch vụ công cộng, nhà ở và trường học (Cty Vinaconex 3 làm chủ đầu tư) đã lấy 1 mẫu nước đang sử dụng ăn uống, sinh hoạt mang đi kiểm nghiệm tại Phòng phân tích ứng dụng- Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại 18 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội). Theo kết quả phân tích 13 chỉ tiêu trên 1 mẫu nước được Viện Hóa học xác nhận cho thấy hàm lượng asen - độc tố gây ung thư là 0,022/mg/l, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng asen được phép là 0,01 mg/l. Như vậy, kết quả phân tích trên cho thấy nước người dân chung cư 15T1 đang ăn uống, sinh hoạt có hàm lượng asen vượt tiêu chuẩn cho phép.

Ông Vũ Tiến Sửu - người dân sống ở tòa nhà 15T1 Tam Trinh cho biết: “Kết quả mẫu phân tích nước bị nhiễm Asen vượt quá mức cho phép quy định từ 0,01 thành 0,022 là nguy hiểm cho dân cư phải sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày”.

Đề nghị Bộ Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội vào cuộc kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt tại khu chung cư 15T1 tại số 18 Tam Trinh, yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng khắc phục tình trạng trên.

Hiệp Bắc
theo Xây dựng

Từ khóa: