Ngày 9/12, tại Hà Nội, hơn 60 học viên là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và một số cơ quan báo chí khu vực lân cận Hà Nội đã tham gia Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” và chương trình công tác năm 2022.
Dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024" là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.
Tại buổi tập huấn, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đã có những tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nền tảng công nghệ đã sản sinh ra nhiều kênh mới, làm thay đổi phương thức, thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng.
Các mạng xã hội, các kênh thông tin mới cũng có sự chi phối nhất định với báo chí và làm thay đổi căn bản cách thức sản xuất và tiếp cận nội dung của các tòa soạn, tác động đến hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; cũng như phương thức quản lý, điều hành của các cơ quan báo chí trên cả nước.
Theo phó Cục trưởng, để gia tăng tốc độ sản xuất tin, bài, thu hút độc giả và giữ vững vị thế cũng như vai trò tiên phong trong công tác truyền thông, các tờ báo tất yếu phải ứng dụng công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ và quản lý nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của công chúng, tận dụng những ưu điểm của chính các nền tảng công nghệ mới để từng bước chuyển mình, vận động phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.
Cũng trong khóa tập huấn, các học viên đã được Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus thuộc Thông tấn xã Việt Nam, một chuyên gia có kinh nghiệm phong phú trong các lĩnh vực báo chí và truyền thông, kỹ năng báo chí trao đổi, chia sẻ, thảo luận và cùng giải đáp những thắc mắc về Kỹ năng ứng dụng công nghệ số vào sản xuất tin, bài trên báo chí.
Trong hành trình Chuyển đổi số cho báo chí thì thay đổi về cách kể chuyện theo hướng đa phương tiện (multimedia storytelling) cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Cuốn Sáng tạo báo chí 2022-2023 do Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức Thế giới (WAN-IFRA) cũng cho rằng “Nghệ thuật kể chuyện đa phương tiện đang ở trong giai đoạn vàng son, khi mà các tòa soạn tìm thấy những cách thức táo bạo để kể những câu chuyện, dựa cả trên số liệu, tương tác trên mọi nền tảng.”
Xu hướng báo chí trực quan rõ ràng đã đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho độc giả. Điều đó được thể hiện qua các giải thưởng báo chí quốc tế được trao gần đây, nở rộ từ sau đại dịch. Trong đó, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam cũng đã cập nhật nhanh chóng xu hướng này và đạt được những thành công đáng kể.
Nhờ các công cụ hỗ trợ hiện đại, việc sáng tạo các tác phẩm báo chí mới đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Việc sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện giờ là sự giao thoa giữa sáng tạo nội dung với thiết kế đồ hoạ, phù hợp với xu thế trở lại của phong cách Magazine trên nền tảng số.
Dự án phát triển báo chí Việt Nam Từ năm 2020 đến 2022, đã tổ chức thành công hơn 20 hoạt động, bao gồm: tổ chức các khóa tập huấn, các diễn đàn, hội thảo về công nghệ, báo chí; xuất bản 6 cuốn sách về nghiệp vụ báo chí,… và tiếp cận được với gần hơn 10.000 lượt các nhà quản lý báo chí, các cán bộ quản lý thông tin và truyền thông, các phóng viên, biên tập viên trên cả nước, qua đó góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ quản lý báo chí, cán bộ quản lý thông tin và truyền thông, phóng viên, biên tập viên báo chí trong cả nước. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động của mình, dự án cũng giúp các đối tượng tham gia chương trình được kết nối, giao lưu với nhau để trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm trong việc quản lý và tác nghiệp thực tiễn.
Tiến Hoàng/KTDU