Sự kiện hot
10 năm trước

Bao giờ người dân phía tây Thủ đô mới được “đối xử” công bằng?

Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính được hơn 5 năm, song tới nay, giá vé xe buýt tại một số huyện phía tây thành phố vẫn cao gấp 3 lần giá vé tại địa bàn Hà Nội (cũ). Đợt tăng giá vé từ ngày 1/5 vừa rồi càng khiến người dân đi xe buýt giá cao bức xúc… Đến bao giờ người dân phía tây Thủ đô mới được “đối xử” công bằng?


Giá vé xe buýt khu vực phía tây có giá vé cao gấp 3 lần địa bàn Hà Nội cũ.

Giá vé xe buýt khu vực phía tây gấp 3 lần địa bàn Hà Nội (cũ)

Mấy năm qua, tuần nào bà Nguyễn Thị Lan (xã Võng Xuyên, Phúc Thọ) cũng đôi lần đi tuyến xe buýt số 77 (Yên Nghĩa - Sơn Tây) xuống thăm con gái. Bà than thở: “Giờ là dân ngoại thành Hà Nội mà phải đi xe buýt giá cao ngất ngưởng. Hiện mỗi lượt đi tôi phải trả cho nhà xe 25.000 đồng. Không những phải trả giá cao mà nhiều hôm còn bị lỡ xe vì nhà xe “cắt bớt” chuyến do vắng khách”.

Sau 5 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng, các tuyến xe buýt từ Hà Nội (cũ) về Hà Tây (cũ) vẫn chưa được thụ hưởng chính sách trợ giá xe buýt. Cụ thể, đối với các tuyến trợ giá, nếu quãng đường dưới 30km giá vé là 7.000 đồng, trên 30km là 8.000 đồng.

Trong khi đó, cùng chiều dài tuyến đường thì các tuyến xe buýt chưa trợ giá lại có mức phí cao gấp 3 lần. Ngoài ra, những tuyến không được trợ giá cũng không được mua vé tháng khiến chi phí cho việc đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt với những người thường xuyên đi lại bằng xe buýt không trợ giá.

Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết, do các doanh nghiệp vận tải thực hiện theo luật doanh nghiệp, không thuộc mạng lưới vận tải công cộng. Do vậy giá vé các tuyến buýt này sẽ do doanh nghiệp quyết định trên cơ sở đảm bảo các chi phí hoạt động.

Khối doanh nghiệp này sẽ tự chịu trách nhiệm về lỗ, lãi. Riêng đối với các tuyến do thành phố trợ giá thì đang thực hiện theo đúng quy định của thành phố. Hiện mức giá này đang được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Mới trợ giá các tuyến nội đô

Theo UBND thành phố Hà Nội, địa bàn thành phố hiện có 70 tuyến xe buýt, vận hành tập trung trên các tuyến đường trục chính, trung tâm thành phố, quốc lộ, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, bến xe, nhà ga, sân bay…

Sau khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng, các tuyến xe buýt cũng đã được mở rộng phạm vi phục vụ như QL32: Tuyến 20A (Cầu Giấy – Phùng), tuyến 20B (Cầu Giấy - Tam Hiệp), tuyến 20V (Cầu Giấy-Võng Xuyên); QL6: tuyến 57 (Mỹ Đình II - Khu công nghiệp An Khánh), tuyến 37 (Bến xe Giáp Bát - Chúc Sơn)...

Dù biết rằng nguyện vọng của nhân dân được đi lại bằng xe buýt có trợ giá tại thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa… là chính đáng nhưng một lý do khiến thành phố còn phải “từ từ” trong xem xét đáp ứng là vì việc trợ giá xe buýt tại những khu vực trên để thực hiện mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, ngân sách thành phố chi trợ giá xe buýt “chưa thể đáp ứng đủ nguồn kinh phí trợ giá để thực hiện mở mới tất cả các tuyến buýt theo nhu cầu của nhân dân”.

Sẽ rà soát… trợ giá dần

Thành phố Hà Nội đang tiến hành điều chỉnh, kéo dài các tuyến xe buýt liền kề do TCty Vận tải Hà Nội thực hiện để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân tại thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, trong đó rà soát lại 12 tuyến buýt không trợ giá đang hoạt động trên các tuyến này, từng bước thực hiện trợ giá theo nguyên tắc đấu thầu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của Sở GTVT phương án mở rộng phục vụ xe buýt có trợ giá thành phố Hà Nội.

Theo đó, tại Công văn số 3515/UBND-QHXDGT ban hành ngày 19/5/2014, Phó Chủ tịch giao Sở GTVT có trách nhiệm tổ chức tuyến xe buýt số 20 (Cầu Giấy - Sơn Tây) đảm bảo thuận tiện cho nhân dân đi lại, nâng cao chất lượng dịch vụ và phương tiện, lịch trình và tần suất tuyến đảm bảo hợp lý, ổn định hiệu quả.

Bên cạnh đó, Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính để thực hiện thí điểm đặt hàng năm 2014 đối với tuyến buýt 74 (Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh) từ ngày 1/6/2014 đến hết năm 2014, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm.

Tuyến này được chọn để thí điểm đặt hàng có trợ giá nhằm mục đích mở ra một hướng mới kết nối từ thị xã Sơn Tây, Bệnh viện 105... về trung tâm thành phố thông qua QL21B và đại lộ Thăng Long - trục đường có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị và các trường đại học, cao đẳng như: Đại học Việt Hưng, Trường Sỹ quan Lục quân, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học FPT, Khu đô thị An Khánh... Việc thí điểm này cũng sẽ giúp giảm thiểu lưu lượng giao thông trên QL32...

Mặt khác, để tiếp tục nâng cao chất lượng xe buýt phục vụ nhân dân tại khu vực các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ... thực hiện an sinh xã hội; giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông nhằm hạn chế ùn tắc và giảm tai nạn giao thông, thành phố giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát toàn bộ 12 tuyến xe buýt đang thực hiện theo hình thức không trợ giá để sắp xếp lịch trình, mạng lưới tuyến xe buýt đảm bảo không trùng lắp, từng bước thực hiện cơ chế trợ giá theo quy định đầu thầu...

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng vừa giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàng Mai, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan xem xét, báo cáo UBND thành phố về quy hoạch khu đất dự án xây dựng khu phục vụ xe buýt Giáp Bát phù hợp với Quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Phó Chủ tịch cũng kiểm điểm TCty Vận tải Hà Nội kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai dự án xây dựng khu phục vụ xe buýt Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Phó Chủ tịch yêu cầu, sau khi được UBND thành phố chấp thuận về quy hoạch khu đất, TCty Vận tải Hà Nội phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trên, tuân thủ đúng các quy định hiện hành về đầu tư.

Trường Sa
theo Xây Dựng

Từ khóa: