Sự kiện hot
12 năm trước

Bệnh vô cảm của ngành y tế

Ông giám đốc sở y tế nào cũng nói “sẽ xử lý triệt để và nghiêm minh nếu xác định lỗi thuộc về bác sĩ”. Thế nhưng, rất nhiều tháng trôi qua, nguyên nhân dẫn đến tử vong sản phụ vẫn rất tù mù...

Ông giám đốc sở y tế nào cũng nói “sẽ xử lý triệt để và nghiêm minh nếu xác định lỗi thuộc về bác sĩ”. Thế nhưng, rất nhiều tháng trôi qua, nguyên nhân dẫn đến tử vong sản phụ vẫn rất tù mù...

Theo thống kê của Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, tỷ lệ sản phụ và thai nhi tử vong ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới với 69 ca/100.000 trẻ. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, đã có gần 20 trẻ em cùng sản phụ bị chết trong lúc sinh nở.

Hầu như cứ vài ngày lại nghe tin có trường hợp sản phụ và thai nhi tử vong. Người nhà của nạn nhân, lành tính thì viết đơn khiếu nại lên bệnh viện, còn không thì đập phá, thậm chí rượt đuổi nhân viên y tế vì quá bức xúc trước cái chết của người thân mà không được giải thích cặn kẽ.

Điểm chung dễ thấy của các trường hợp tử vong thai nhi và sản phụ trong thời gian qua là các bác sĩ đều ghi “sức khỏe sản phụ tốt”, hoặc “bình thường” khi họ được khám thai lúc nhập viện. Còn mẫu số chung sau khi chết là “chưa rõ nguyên nhân”.

Ông giám đốc sở y tế nào cũng nói “sẽ xử lý triệt để và nghiêm minh nếu xác định lỗi thuộc về bác sĩ”. Thế nhưng, rất nhiều tháng trôi qua, nguyên nhân dẫn đến tử vong sản phụ vẫn rất tù mù. Không một ai đứng ra chịu trách nhiệm về những cái chết oan đó. Một vài nơi, nguyên nhân dẫn đến tử vong của sản phụ được đưa ra là do có bệnh tiền sử tim mạch hoặc tắc động mạch phế quản hay hen suyễn mãn tính…

Có thể kết luận về căn bệnh dẫn đến tử vong trên đây không sai nhưng có một thứ bệnh mà ngành y tế hay giấu giếm nhưng ai cũng biết, đó là bệnh vô cảm của thầy thuốc đối với bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo, ở những vùng quê hẻo lánh.

Chúng ta thông cảm với thầy thuốc rằng, cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế còn thiếu thốn, bệnh nhân quá tải, ai cũng muốn được “ưu tiên” chữa bệnh trước… khiến không ít thầy thuốc căng thẳng và bức xúc. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho những lý do khách quan đó để gỡ tội cho bệnh vô cảm.

Hơn ai hết, các thầy thuốc đều hiểu điều này: Bệnh nhân không chỉ bớt bệnh bằng thuốc điều trị, mà có thể họ bớt đi phần nào những cơn đau từ thái độ ân cần và hết lòng vì người bệnh của những người thầy thuốc nữa. Điều dễ bắt gặp hiện nay là, lúc ở bệnh viện có thể số thầy thuốc ấy vô cảm với bệnh nhân, nhưng khi về phòng khám ở nhà riêng thì cách ứng xử lại khác hoàn toàn.

Y học hiện đại có thể chữa nhiều căn bệnh nan y. Tuy nhiên, bệnh vô cảm của thầy thuốc là căn bệnh không dễ chữa nếu chúng ta không thay đổi một cách triệt để những lề thói đã nhiễm vào máu của ngành y lâu nay.

Hà Nhiên
theo Dân Việt

Từ khóa: