Sự kiện hot
12 năm trước

Bi hài từ sự bùng nổ nghề mới thời khủng hoảng

Xã hội phát triển đồng nghĩa với những nhu cầu của người dân được “nâng lên một “tầm cao mới”. Đó là đất sống cho những dịch vụ “phục vụ tận răng” được dịp bùng nổ.

Xã hội phát triển đồng nghĩa với những nhu cầu của người dân được “nâng lên một “tầm cao mới”. Đó là đất sống cho những dịch vụ “phục vụ tận răng” được dịp bùng nổ.

Bán hàng qua mạng và giao hàng tận nhà, gia sư yoga hay nghề giúp việc “ẩn mình” là một vài ví dụ cho những nghề thuộc lĩnh vực này.

Phục vụ tận răng đến “thượng vàng hạ cám”

Chị Vũ Hồng Anh (Trung Kính, Hà Nội) cho biết, chị rất thích thú với loại hình mua bán qua mạng. “Tôi có thể mua sữa tắm cho con, quần áo cho ông xã và máy mát xa cho mẹ mà vẫn không cần bước chân ra khỏi nhà. Giá cả phải chăng mà tiện lợi đủ đường. Có hình thức mua hàng theo nhóm thì vừa tiện vừa rẻ, nhiều khi mình không có nhu cầu nhưng thấy rẻ quá nên cứ “đâm đầu” vào mua. Ông xã mình đang sợ mình “nghiện”, chị Hồng Anh chia sẻ.


Thuê thầy gia sư cũng có thể khiến chồng chị Thu hiểu lầm. Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thùy Linh, chủ một cửa hàng online trên Enbac cho biết: “Khách hàng chỉ cần ngồi “lướt web” là có thể “lượn” hết từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, so sánh giá cả giữa các shop với nhau, tha hồ lựa chọn. Khi mua xong chỉ cần trả thêm vài chục nghìn tiền chuyển đồ là 1-2 ngày sau “hàng đã về”. Chính vì những ưu thế vượt bậc như thế mà ngày càng có nhiều shop bán hàng online thi nhau làm mưa làm gió trên mạng”.

Theo chị Linh, cũng như những “dạng” kinh doanh khác, kinh doanh online vẫn khó tránh khỏi những “chiêu” cạnh tranh không lành mạnh. “Hiện tượng bán phá giá hay vào “cửa hàng” của “đối thủ” để chọc phá bằng những lời bình chê bai hàng kém chất lượng, thậm chí chửi tục rồi lôi kéo khách về gian hàng của mình. Nhẹ nhàng hơn thì vào shop của người khác để “quăng” hàng chục quảng cáo cho shop của mình. Những “chiêu trò” này rất ảnh hưởng đến uy tín của cửa hàng, nhất là những cửa hàng mới”, chị Linh cho biết.

Kinh doanh online giờ không chỉ phục vụ những món “nguội” như quần áo, đồ gia dụng mà còn có sẵn cả những món đồ “nóng” (theo nghĩa đen) như bánh cuốn, xôi gà, tôm chiên… Họ sẽ chế biến sẵn và giao đến khi món đồ còn nóng hổi.

“Mấy cô bạn đồng nghiệp của tôi rất hào hứng với dịch vụ này, nhất là khi nhà có cỗ bàn, tiện vô cùng. Đằng nào mình cũng phải chi tiền đi chợ, chi thêm một chút nữa đỡ phải mất công làm, như thế chẳng phải sướng hơn sao”, chị Hồng Anh nói. Thậm chí, có nhiều dịch vụ tiện lợi đến nỗi, khách hàng chỉ cần nhấc điện thoại gọi là có sẵn mâm cơm đủ món, ăn xong lại “alô” cho nhân viên bê về, khách chỉ việc thưởng thức mà không phải động tay làm bất cứ việc gì.

Kiểu kinh doanh này có chút gì đó giống với hình thức giúp việc “ẩn mình”. Đó là những người giúp việc làm hết những công việc nhà nhưng không được phép “xuất đầu lộ diện”. Sáng, lúc chủ nhà đi làm thì người giúp việc đến, chiều chủ nhà về thì người giúp việc cũng phải “rút lui”. Họ là những người giúp việc theo giờ, hay nói cách khác, là những “osin làm hành chính”.

Về xu hướng này, chị Thu Trang, quản lý một công ty cung cấp giúp việc chuyên nghiệp cho biết, sự chuyển dịch trong nhu cầu thuê giúp việc tại Hà Nội rất rõ rệt. Trước đây, hầu hết khách hàng của chị thuê giúp việc riêng nhưng hiện nay, 50% khách hàng chuyển sang "hỏi thăm" dịch vụ giúp việc theo giờ. Những người đăng kí làm giúp việc tại các trung tâm cũng muốn được làm theo giờ hơn là gắn bó với chủ 24/24h. 

Lợi thì có lợi nhưng...

Chị Nguyễn Thu Thủy (Ngọc Khánh, Hà Nội) kể nhiều khi thuê giúp việc mà như mua cục tức vào người, thà làm cố cho xong lại hơn. Chị Thủy kể, chị thuê một cô bé đến giúp việc mỗi ngày ba tiếng đồng hồ, mỗi giờ 100.000 đồng. Thấy cô giúp việc nhanh nhẹn, trong vòng ba tiếng mà “xoay như chong chóng”, chị Thủy rất hài lòng. Không “nhốt” giúp việc như một số gia đình khác, chị Thuỷ tin tưởng giao hẳn chìa khoá cửa ra vào cho cô này. Nhưng dần dần, thấy có dấu hiệu “bôi việc câu giờ”, chị Thủy kiểm tra đột xuất thì thấy cô này đang ngồi thảnh thơi xem TV (!).

Chị Thủy định lập kế hoạch giám sát, nhưng xem ra kế hoạch này không khả quan lắm vì chuyện đi theo trông chừng khiến chị bận bịu hơn trước. Một ngày đi làm về, chị “tá hỏa” phát hiện một số đồ nữ trang “không cánh mà bay”. Cô giúp việc sau đó cũng “bặt vô âm tín”, nghĩ giá trị mấy món đồ cũng chỉ vài triệu, chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Chị Hồng Anh chia sẻ câu chuyện của cô bạn đồng nghiệp. Số là nhà cô có cỗ, theo “ý chỉ” của mẹ chồng, cô dâu cả sẽ “đứng bếp” buổi tiệc ngày hôm đó. Vốn không giỏi bếp núc, cô nghĩ ra cách “gọi” cỗ, cô khá yên tâm vì mối này đã được vài người quen xác nhận. Chắc mẩm có thể ghi điểm trong mắt mẹ chồng, cô đã tính toán kĩ lưỡng, hẹn mối giao hàng trước giờ ăn 2 tiếng, vừa kịp thời gian bày biện món ăn. Khổ một nỗi, “trời không chiều lòng người”, quá giờ giao hàng 1 tiếng mà vẫn không thấy đồ ăn đâu, gọi cho “nhà hàng” thì được biết nhân viên giao hàng đã xuất phát từ lâu.

Đến giờ ăn, cả nhà ngồi quây quần... chờ mà thức ăn vẫn chưa đến. Đúng lúc đó thì anh nhân viên giao hàng xuất hiện, luống cuống xin lỗi vì vừa bị ngã xe nên đồ ăn đã bị đổ hết trên đường. Cô bạn đồng nghiệp của chị Hồng Anh được một phen tẽn tò, không biết giấu mặt vào đâu. Cũng may anh chồng nhanh trí mời cả nhà ra nhà hàng ăn chữa cháy.

Cũng như kinh doanh online, bộ môn yoga du nhập vào Việt Nam gần chục năm nay. Nhưng nghề “gia sư” yoga thì mới “thịnh” từ đầu năm nay. Đáp ứng nhu cầu của các cô các chị ngại học chung vì nhiều lý do, các giáo viên và các trung tâm yoga đua nhau “đáp ứng nhu cầu tập luyện chính đáng” này. Theo lời quảng cáo: “Với phương thức dạy kèm tại nhà riêng, giáo viên sẽ hiểu rõ hơn tình trạng của bạn và hướng dẫn những bài tập phù hợp mang lại hiệu quả cao hơn”, nhiều người đổ xô đăng kí học tại nhà để mong có “dáng vẻ cân đối, trẻ trung, tinh thần sảng khoái, vui vẻ...”. Lợi ích chưa thấy đâu mà sau vài buổi học riêng với “thầy”, gia đình chị Phạm Hoài Thu (Tô Ngọc Vân, Hà Nội) đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Sau mấy lần thấy thầy “cầm tay, nắm chân” chị Thu để chỉnh động tác, cô giúp việc đi “mách chuyện” với chồng chị. Chị Thu rơi vào hoàn cảnh “tình ngay lý gian” vì hôm đó mấy cô bạn cùng học đều nghỉ. Trách chồng “tin người ngoài hơn tin vợ”, chị giận dỗi bỏ về nhà ngoại. Sau một tuần “ở nhà ngẫm nghĩ”, chị Thu nhận thấy “anh nhà” nói cũng có lý nhưng lại không muốn “là người mở lời”. Cũng may chị Thu có người chị gái tâm lý, đứng ra làm “trung gian hòa giải” nên tình hình mới được “lắng dịu”. Anh chồng vui vẻ đón chị về nhà kèm theo điều kiện “không gia sư” bất kì một môn nào nữa.  

 Ăn quả đắng vì ảo giác “lung linh”

Trường hợp của chị Hồng Anh lại mang một nỗi tấm tức khác. Sau một lần mua sắm “thả ga” trên mạng, chị Hồng Anh “tấm tức” vì “ảnh thì rõ lung linh mà hàng thì xấu hoắc”. Liên hệ với chủ cửa hàng, chị được biết hàng mua rồi “cấm đổi trả lại”. “Cũng một phần lỗi ở mình, vì lười không đến xem hàng tận nơi mà chỉ chọn mua qua ảnh nên không thể “sờ tận tay” để biết chất lượng hàng hóa. Lần sau thì bận mấy mình cũng phải “ngó qua” trước khi mua, chỉ mua qua mạng với những cửa hàng uy tín thôi chứ không “bạ đâu cũng mua” nữa”, chị Hồng Anh tấm tức.

Thanh Xuân
theo Người Đưa Tin

Từ khóa: