Sự kiện hot
10 năm trước

Bình Dương giảm nỗi lo về rác

Bình Dương là địa phương có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, đồng thời có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khiến lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh rất lớn, lên đến 1.050 tấn/ngày. Nhờ sự nghiêm túc trong hoạt động xử lý rác thải rắn, nên chất thải rắn sinh hoạt được các xí nghiệp công trình công cộng huyện, thị xã thu gom đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương để xử lý một cách có hiệu quả.


Hệ thống xử lý mùi nước thải ở khu liên hợp.

Phân loại rác trước khi xử lý

Hiện Bình Dương có Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương (đặt tại P.Chánh Phú Hòa, TX Bến Cát), mỗi ngày tiếp nhận khoảng 890 tấn rác thải rắn. Trong đó, khối lượng rác xử lý theo công nghệ làm phân compost là 420 tấn, khối lượng rác chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 480 tấn, khối lượng nước rỉ rác và nước thải sinh hoạt hàng ngày được thu gom và xử lý tại các nhà máy của Khu liên hợp là 960 m3/ngày.

Khu liên hợp có diện tích 75ha, dự kiến đến năm 2030 mở rộng 25ha, đảm nhiệm nhiệm vụ thu gom rác thải của TP Thủ Dầu Một, 4 TX: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên và 4 huyện: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên, với tổng diện tích khoảng 1.430,06km2.

Rác thải rắn sau khi được vận chuyển đến Khu liên hợp sẽ được đưa đến khu vực tiếp nhận, rồi chuyển lên băng chuyền và được phân loại bằng tay. Tiếp đó, rác được chuyển vào phễu nạp nguyên liệu đưa sang máy xé bao nilon kết hợp với sàng thùng quay để tách nilon và xé nhỏ các thành phần rác hữu cơ, rồi đi qua bộ phận tách từ để loại bỏ sắt thép trước khi đưa đến hố ủ lên men rác.

Rác hữu cơ sau khi được phân loại sẽ được đưa tới hệ thống ủ phân rác. Tại đây, các thành phần hữu cơ trong rác đô thị và cặn bùn hầm cầu, cống rãnh trải qua quá trình phân huỷ sinh học hiếu khí qua 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu ủ lên men 20 - 25 ngày, độ ẩm được kiểm soát, giai đoạn 2 là ủ, sử dụng máy đảo trộn khoảng 20 - 28 ngày. Sau ủ, sản phẩm cuối cùng thu được là chất mùn thường gọi là phân ủ (compost), được sàng để phân loại theo kích thước, mùn tách thành 3 loại.

Chi phí xử lý thực tế của Khu liên hợp là 512 nghìn đ/tấn (gồm cả chi phí xử lý nước rác - là 65 nghìn đ/m3), chi phí xử lý được địa phương chi trả (gồm cả xử lý nước rác): Theo công nghệ làm phân compost là 331 nghìn đ/tấn, bằng chôn lấp hợp vệ sinh là 210 nghìn đ/tấn.

Điểm sáng để nhân rộng

Hiện nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương đang triển khai dự án đầu tư công nghệ đốt 100 tấn/ngày, chi phí thiết bị 19,9 tỷ đồng. Đây là công nghệ tiên tiến và đã được nghiên cứu cải tiến ở khâu tiếp nhận chất thải rắn phù hợp và khoa học, khả năng vận hành mang tính chuyên nghiệp cao, một số dây chuyền gần như tự động hóa. Bên cạnh đó, công nghệ này còn có khả năng nội địa hóa: Khu liên hợp có xưởng cơ khí để sửa chữa, chế tạo được một số thiết bị. Khả năng nội địa hóa sẽ giúp giảm chi phí đầu tư hơn 50%.

Đánh giá về dự án này, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: "Đây là một trong số ít các dự án được đầu tư bài bản, chuẩn mực nhất trong các dự án xử lý rác thải tại Việt Nam, chuẩn mực về công nghệ, chuẩn mực cả trong công tác quản lý điều hành. Cục Hạ tầng kỹ thuật đã đề nghị Khu liên hợp lập Dự án mẫu tương ứng với 3 loại công suất xử lý từ 150 tấn/ngày, từ 300 tấn/ngày và từ 500 tấn/ngày, kèm theo các cơ chế chính sách, điều kiện cần và đủ cho Cty trong quá trình thực hiện đầu tư...".

Ông Tuấn còn cho biết thêm, sự thành công nhất của Khu liên hợp đó là mức độ vệ sinh công nghiệp ở đây rất sạch sẽ, khách đến tham quan cơ sở không cần sử dụng khẩu trang do không cảm thấy khó chịu về mùi hôi của rác, đi bộ trong cơ sở xử lý không cần dùng ủng…

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổng hợp kỹ lưỡng mô hình công nghệ xử lý rác thải rắn này cùng một vài mô hình khác để có thể nhân rộng cho các địa phương có điều kiện tương tự.

Trần Triều Dương
theo Xây dựng

Từ khóa: