Sự kiện hot
11 năm trước

Bỏ tiền triệu để mua sữa như bột mì

Theo đúng tiêu chuẩn, sản phẩm sữa bột phải đạt hàm lượng đạm từ 34% trở lên.

Theo đúng tiêu chuẩn, sản phẩm sữa bột phải đạt hàm lượng đạm từ 34% trở lên. Tuy nhiên, với các sản phẩm “sữa bột” Danlait, khách hàng phải bỏ ra cả nửa triệu đồng mà chỉ nhận được những hộp sữa với chất lượng chỉ ngang với… bột mì và mập mờ về nguồn gốc xuất xứ.

Ông Nguyễn Văn Vang, Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, với hàm lượng đạm có trong sữa Danlait chỉ 11-20% thì chỉ nhỉnh hơn bột ngô (9-11%) và ngang với bột mì (10-14%). Tuy nhiên, cái giá mà người tiêu dùng phải bỏ ra để mua loại bột mì này là quá đắt mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nếu sử dụng lâu dài.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định rằng, tất cả các sản phấm sữa bột có hàm lượng đạm dưới 34% chỉ được gọi là thực phẩm bổ sung. Thế nhưng, trong Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cấp cho Danlait do ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm ký lại ghi “Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait” mà theo một chuyên gia cấp phép thì đáng ra phải ghi rõ ràng là “Thực phẩm bổ sung nhãn hiệu Danlait”. Việc mập mờ về nhãn mác sản phẩm đã tạo cơ hội cho nhà nhập khẩu lợi dụng để quảng bá cho những sản phẩm không phải sữa nhưng lại bán với giá cao cắt cổ.

Còn ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận “là thực phẩm bổ sung” cho các sản phẩm sữa có hàm lượng đạm thấp chính là đang hợp pháp hóa cho những sản phẩm kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Tại nhiều quốc gia, một số loại sữa chất lượng thấp chỉ dùng được dùng cho chăn nuôi.

Trong khi đó, phía Công ty FIT (Cộng hòa Pháp) khẳng định các sản phẩm của mình đều được đóng hộp hoàn toàn tại Pháp, còn nhãn hiệu Danlait là do Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu hàng về và tự đặt tên cho sản phẩm của hãng, đồng thời, cũng chỉ cung cấp mặt hàng này tại thị trường Việt Nam. Còn tại các thị trường khác, sản phẩm của FIT có tên nhãn hiệu hoàn tòan khác.

Sự cố về chất lượng sữa Danlait khiến cho nhiều bà mẹ lo lắng về hàm lượng dinh dưỡng trong các hộp sữa, đặc biệt chất lượng các hàng nhập khẩu và hàng xách tay. Bởi ngay cả hàng nhập khẩu chính ngạch cũng đang bị quản lý một cách lỏng lẻo, tạo nhiều kẽ hở.

Nguyên nhân khiến thị trường sữa xách tay và sữa nhập trở nên bát nháo một phần do tâm lý của người tiêu dùng. Hầu hết các ông bố, bà mẹ đều tin rằng, sữa ngoại có chất lượng tốt hơn sữa sản xuất trong nước và sẵn sàng mua với giá cao. Trong khi đó, việc thị trường thật giả ra sao lại bị quản lý lỏng lẻo, đã tạo điều kiện cho những sản phẩm kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường, thậm chí còn được quảng cáo là hàng xách tay “xịn”, hàng nhập khẩu chính ngạch.

Một số sản phẩm sữa được quảng cáo là hàng xách tay được bán với giá cao chót vót như sữa Meiji số 0 (Nhật) bán với giá 610.000 – 660.000 đồng/hộp 800gr, sữa Pediasure xách tay từ Úc nắp tím cho trẻ từ 0-1 tuổi có nơi bán 790.000 đồng/hộp 900gr, sữa dê Vitacare của Nga hộp 400gr bán giá 590.000 đồng…Tuy nhiên, theo các đầu mối nhận đặt hàng sữa từ nước ngoài chuyển về thì giá bán lẻ của những sản phẩm  này tại thị trường nước ngoài chỉ tương đương với hàng nhập khẩu chính ngạch tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chẳng ai dám đảm bảo rằng những sản phẩm này đã đạt tiêu chuẩn về chất lượng bởi không có bất cứ một sự kiểm duyệt nào.

Với tâm lý từ thời bao cấp, cứ cái gì của ngoại cũng tốt hơn đồ nội, các ông bố, bà mẹ đã không ngần ngại bỏ tiền triệu ra để mua một hộp sữa cho con. Tuy nhiên, liệu những gì họ nhận được liệu có đáng đồng tiền bát gạo hay lại rước hại cho con em mình. Có lẽ sau sự cố này, khách hàng mới hiểu vì sao nhiều trẻ ăn “sữa bột” Danlait đã sụt cân vì không đủ dinh dưỡng, hay uống sữa ngoại nhập thiếu I - ốt dễ dẫn đến bướu cổ.

Có thể nói, không riêng gì sữa mà nhiều mặt hàng khác trên thị trường cũng đều đang bị thả nổi giá cả và chất lượng. Các cơ quan quản lý không phải là không biết cách kiểm soát chất lượng và định giá sản phẩm, chẳng qua họ có muốn làm hay không mà thôi, hoặc chỉ tỏ ra là có “nỗ lực” nếu có vụ việc nào đó bị phanh phui. Và cứ thế, cứ thế…chất lượng và giá cả của các mặt hàng ngoại nhập, trong đó có sữa sẽ vẫn “được” thả nổi và người tiêu dùng Việt “bắt buộc” phải thông thái để lựa chọn sản phẩm…đỡ kém nhất.

theo Sống mới

Từ khóa: