Sự kiện hot
10 năm trước

Bức xúc vì chiếc đầm giá cao, chất lượng… “bèo” !!!

Dantin - Chỉ mới mặc lần đầu và mắc mưa, thế mà chiếc áo đầm mang thương hiệu Chloé - một hãng thời trang nổi tiếng của Pháp - trị giá gần 30 triệu đồng đã dúm dó lại với những sợi vải co rút không thể mặc được nữa, khiến khách hàng cực kỳ bức xúc.


Tuần qua, tiếp xúc với phóng viên Báo Đời Sống và Tiêu Dùng, chị Vũ Thanh Nga (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng mình đã mua phải áo đầm “dỏm” và muốn đưa vụ việc của chị ra công luận để cảnh báo người tiêu dùng.

Không giấu được nỗi bực dọc và thất vọng, chị Nga cho biết vào khoảng tháng 4 vừa qua, chị và người thân đến mua sắm tại cửa hàng thời trang Chloé, tầng trệt khách sạn Bến Thành (Rex), quận 1, TP.HCM. Sau đó, người thân đã chọn mua cho chị một áo đầm hiệu Chloé màu đen với giá hơn 28 triệu đồng (bao gồm VAT).

Tuy nhiên, tưởng rằng giá bán cao như thế thì chất lượng sản phẩm phải bảo đảm, nào ngờ khi chị Nga mới mặc chiếc áo đầm này lần đầu tiên thì gặp lúc trời mưa và chiếc áo đã “biến dạng”.

Giải quyết nước đôi, thiệt thòi cho khách


Cửa hàng Chloé tại tầng trệt khách sạn Rex, quận 1, TP.HCM - nơi chị Nga và người thân đã mua phải chiếc áo đầm kém chất lượng.

Tại tòa soạn, cầm chiếc đầm hàng hiệu trên tay đang trong tình trạng vải co rút, chị Nga lắc đầu nói: “Không thể chấp nhận được. Sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng nhưng chất lượng thua… hàng vỉa hè. Chúng tôi đã yêu cầu cửa hàng xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng”.

Các thông tin thể hiện trên sản phẩm cho thấy chiếc áo đầm thương hiệu của Pháp, mà chị Nga đã mua, có xuất xứ “made in Slovakia”.

“Tôi và người thân đã luôn ủng hộ thương hiệu nổi tiếng như Chloé và đã bỏ hàng nghìn USD ra để mua áo, nhưng đến hôm nay phải gánh chịu tình cảnh này, quả là quá thiệt thòi cho chúng tôi”, chị Nga ngán ngẩm.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Hoài Anh - Giám đốc Công ty TNHH Kết nối toàn cầu (Global Link), đại diện cửa hàng Chloé nói trên - cho rằng, chiếc áo đầm khách hàng đã mua đã có cảnh báo cách sử dụng. Theo đó, phải áp dụng phương pháp giặt khô (dry cleaning) đối với sản phẩm này, không được giặt nước theo cách thông thường. Do sản phẩm không chịu được nước, nên khi mắc mưa, sẽ có hiện tượng co rút vải.

“Ngoài cảnh báo do hãng may dính trên áo, khi bán bất kỳ sản phẩm nào, cửa hàng cũng gửi kèm 1 bản hướng dẫn sử dụng được soạn và in trên giấy A4 cho khách hàng”, bà Hoài Anh nói.


Áo hiệu Chloé trị giá hơn 28 triệu đồng nhăn nhúm vì mắc… mưa. Ảnh chụp thân trước chiếc áo. Ảnh: Nam Anh

Cũng theo bà Hoài Anh, cửa hàng không loại trừ khả năng ngoài sự cố ướt do nước mưa, khách hàng có thể đã ngâm áo đầm vào chậu nước (?).

Khi được hỏi về cách giải quyết sự cố này, bà Hoài Anh yêu cầu khách hàng mang áo đầm đến cửa hàng. Sau đó, công ty sẽ giúp khách hàng soạn một bức thư gửi cho hãng Chloé để yêu cầu đổi sản phẩm khác. Nếu hãng đồng ý, cửa hàng sẽ giải quyết ngay cho khách. Ngược lại, cửa hàng cũng không thể làm được gì hơn. Tuy nhiên, bà Hoài Anh cho biết thêm, trong trường hợp này, khả năng đổi sản phẩm khác là rất thấp.

Với cách trả lời khách hàng như thế, chị Nga chỉ còn biết kêu trời. “Thử hỏi ai đã bỏ hàng chục triệu ra mua sản phẩm mà mặc mới được một lần đã hỏng như tôi thì làm sao chấp nhận được cách giải quyết này? Hơn hết, với cách trả lời kiểu “vòng vo” của đại diện thương hiệu Chloé, chắc hẳn rất nhiều người tiêu dùng khác “cạch mặt” luôn với thương hiệu này”, chị thốt lên.

Khách hàng có thể kiện ra tòa

Về góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thị Thanh Huyền - Giám đốc Công ty Luật An Thanh - cho biết, theo quy định của Bộ Luật Dân sự, trong thời gian bảo hành, bên bán phải thực hiện trách nhiệm bảo hành cho khách hàng. Có 3 cấp độ xử lý bảo hành nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng gồm bồi thường thiệt hại, đổi sản phẩm hoặc thỏa thuận giữa 2 bên để giảm giá.

Theo luật sư, trong trường hợp bà Nga không đồng ý cách giải quyết của bên bán sản phẩm, bà có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án có thẩm quyền để được giải quyết thỏa đáng. Ngoài ra, theo quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, việc chiếc đầm bị co rút đã thể hiện chất lượng kém, nên cửa hàng cần có thái độ thiện chí với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng có thể can thiệp nếu có yêu cầu từ bà Nga. “Cách giải quyết vấn đề của những đơn vị này luôn dưới góc độ một tổ chức xã hội như hòa giải, thỏa thuận, tư vấn đưa ra các giải pháp mà các không có quyền hạn để thực thi. Muốn thực hiện một biện pháp nào đó, phải thông qua cơ quan nhà nước ở đây là tòa án”, Luật sư Huyền tư vấn.

Nam Anh

Từ khóa: