Sự kiện hot
12 năm trước

“Cả làng” cùng soi thịt cũ !

Ngày 10-8, quyền Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm đã trả lời báo chí xung quanh tính khả thi của Thông tư 33 - quy định điều kiện vệ sinh,

Ngày 10-8, quyền Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm đã trả lời báo chí xung quanh tính khả thi của Thông tư 33 - quy định điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm.

* Phóng viên:Điểm đáng chú ý của Thông tư 33 là quy định thịt và phụ phẩm tươi sống bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ xem ra khó khả thi, thưa ông?

- Ông Hoàng Văn Năm: Trên thực tế, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thường bắt đầu hoạt động từ khoảng 3 giờ - 4 giờ sáng, vì thế thịt sau khi giết mổ sẽ thường bán hết trong buổi sáng, trước 12 giờ (không quá 8 giờ - PV). Tuy nhiên, riêng một số cơ sở giết mổ ở các tỉnh lân cận cung cấp cho địa bàn TPHCM bắt đầu hoạt động từ khoảng 1 giờ - 2 giờ sáng. Song số thịt này đưa về TPHCM đều phải vận chuyển bằng xe lạnh (?).

* Thông tư đưa ra hàng loạt quy định siết chặt hoạt động kinh doanh thịt và phụ phẩm, trong khi các cửa hàng, các tư thương bán mặt hàng này len lỏi khắp ngõ xóm, vậy lực lượng nào sẽ giám sát thực hiện?

- Thông tư ban hành để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm, do vậy việc thực hiện và giám sát thực hiện là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Để triển khai thực hiện cần có sự chỉ đạo kiên quyết của chính quyền các cấp, sự phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành liên quan, ban quản lý chợ, các đoàn thể tạo thuận lợi cho cơ quan thú y thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.


Tiểu thương lo lắng về quy định bán thịt chỉ trong 8 giờ. Ảnh: Hồng Thúy

Bên cạnh đó, chi cục thú y các tỉnh, TP tham mưu cho chính quyền các cấp về việc triển khai thực hiện đồng thời hướng dẫn các cơ sở giết mổ, bảo quản, kinh doanh về các yêu cầu vệ sinh thú y và thực hành vệ sinh để cung cấp sản phẩm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

* Có nhiều chuyên gia và từ các địa phương cho rằng thông tư này được ban hành vào cuối tháng 7 và có hiệu lực từ ngày 3-9 xem ra không đủ thời gian để các cơ quan chức năng chuẩn bị?

- Theo quy định về việc ban hành văn bản pháp luật, các thông tư có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Thông tư này đã được xây dựng từ tháng 6-2011 và Cục Thú y đã 2 lần tổ chức hội thảo ở 2 miền và 3 đợt lấy ý kiến của chuyên gia cùng các tổ chức liên quan cũng như 63 chi cục thú y các tỉnh, TP, đã được đăng tải trên website của Cục Thú y để lấy ý kiến rộng rãi. Không thể nói các chi cục thú y không nắm rõ được các nội dung cơ bản của thông tư.

Song Cục Thú y vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến của những người chịu tác động trực tiếp của Thông tư 33 (người kinh doanh, người tiêu dùng) và chi cục thú y các tỉnh, TP trong việc triển khai thực hiện thông tư để kịp thời tổng hợp báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét, điều chỉnh trước khi thông tư có hiệu lực thi hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng phải bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Lo ngại nhà hàng, bếp cơm tập thể...

Bày tỏ sự ủng hộ với Bộ NN-PTNT về Thông tư 33, nguyên viện trưởng Viện Chăn nuôi, GS-TS Nguyễn Đăng Vang, cho rằng thịt trong điều kiện bình thường nếu quá 8 giờ hình thức sẽ không còn tươi ngon và rất khó thuyết phục người tiêu dùng kỹ tính.

“Tuy nhiên, thịt và phụ phẩm đưa vào các nhà hàng, bếp ăn tập thể hay thức ăn chín bán ngoài chợ, cửa hàng thì đúng là rất khó nhận biết bởi đã được chế biến”.

Theo ông Vang, để nâng chất lượng mâm cơm mà thịt và phụ phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu thì cần có chiến lược tổng thể từ chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ đến chế biến và khâu nào cũng cần kiểm soát chặt chẽ.

Không thể thực hiện

Trao đổi về tính khả thi của Thông tư 33, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát quy định thịt, phụ phẩm tươi sống và bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ, GS Võ Tòng Xuân thẳng thắn: “Quy định này là không thể thực hiện một cách triệt để trong cuộc sống.

Hàng thịt được bày bán khắp thôn, xóm, len lỏi trong từng ngõ ngách, không có cách gì kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

Bản thân người dân, nhất là người nghèo đôi khi cũng chấp nhận mua thịt bán vào cuối ngày vì giá rẻ”.

Theo ông Võ Tòng Xuân, để nâng cao chất lượng mâm cơm, ý thức của người bán hàng, sự “khó tính” của người tiêu dùng là thứ yếu mà vai trò chính vẫn là cơ quan quản lý Nhà nước. “Nâng cao ý thức người tiêu dùng phải đồng thời với việc từng bước hiện đại hóa hệ thống cung cấp, phổ cập hệ thống siêu thị và cửa hàng đạt chuẩn” - ông Xuân nhìn nhận.

theo NLĐ


Từ khóa: