Sự kiện hot
13 năm trước

Các biện pháp ngừng khủng hoảng nhân đạo ở Syria

Những ngày qua, thủ đô Damas của Syria chứng kiến những hoạt động ngoại giao "tấp nập" khi nhiều nước đang nỗ lực thuyết phục chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad

Những ngày qua, thủ đô Damas của Syria chứng kiến những hoạt động ngoại giao "tấp nập" khi nhiều nước đang nỗ lực thuyết phục chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad kiềm chế sử dụng quân đội chống lại những người biểu tình, tiến hành đối thoại rộng rãi với lực lượng chống chính phủ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ cải cách nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn, khôi phục bình yên cho quốc gia ở Trung Đông này.

Khu lều trại của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ ở Yayladagi,
Hatay, cách biên giới Syria 2km

Ngày 9/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu đã hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Bashar al-Assad trong cuộc hội đàm kéo dài 6 tiếng, thảo luận chi tiết và toàn diện về các biện pháp chấm dứt tình trạng khủng hoảng nhân đạo tại Syria.

Ngoại trưởng Davutoglu trình bày quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cần chấm dứt việc đối đầu giữa quân đội Syria với người dân nước này; đồng thời nhấn mạnh sự ổn định của Syria là yếu tố cơ bản cho ổn định khu vực. Ông bày tỏ hy vọng sau khi hoàn thành tiến trình cải cách dưới sự lãnh đạo của Tổng thống al-Assad, Syria có thể trở thành hình mẫu cho thế giới Arập.

Về phần mình, Tổng thống al-Assad cáo buộc các nhóm khủng bố đứng sau tình trạng bất ổn tại Syria hiện nay, đồng thời khẳng định quân đội nước này sẽ "không khoan nhượng" với các nhóm khủng bố. Bên cạnh đó, Tổng thống al-Assad cũng khẳng định Damas kiên quyết tiến hành quá trình cải cách, một trong những yêu cầu chủ yếu của những người biểu tình.

Cũng liên quan tới các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết tình trạng bất ổn ở Syria, một nhóm gồm đặc phái viên của ba nước Brazil Ấn Độ và Nam Phi sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tại thủ đô Damas trong ngày 10/8.

Theo Bộ Ngoại giao Brazil, mục đích của nhóm ngoại giao này là thúc đẩy thực hiện các cuộc đối thoại mở giữa chính quyền và người biểu tình tại Syria, ngăn chặn các hành động bạo lực và tôn trọng nhân quyền. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nam Phi nhấn mạnh chuyến thăm làm việc này là để nắm rõ tình hình Syria, đồng thời nhằm chuyển một thông điệp tới chính phủ nước này rằng họ cần mở ra một "sân" cho các cuộc đối thoại chính trị.

Cùng ngày, trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Walid Muallem, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực và tiến hành cải cách chính trị tận gốc, đồng thời hy vọng sớm có các "cuộc đối thoại rộng rãi" tại Syria để tìm ra lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ngoại trưởng Lavrov cũng tái khẳng định quan điểm của Nga phản đối sự can thiệp bên ngoài nhằm vào Syria.

Chính phủ Ai Cập ngày 9/8 cũng lên tiếng kêu gọi tiến hành đối thoại sâu rộng trong toàn bộ xã hội Syria. Hãng tin chính thức MENA dẫn lời Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed Amr bày tỏ lo ngại về tình hình tại Syria, cho rằng nước này đang trong tình trạng "cưỡi trên lưng hổ" và kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực.

Cùng với việc phản đối sự can thiệp nước ngoài vào Syria, Ngoại trưởng Ai Cập cũng kêu gọi chính quyền của Tổng thống al-Assad tiến hành cải cách ở cấp độ quốc gia, đồng thời nhấn mạnh cải cách sẽ không có ý nghĩa nếu máu vẫn đổ. Tuyên bố trên được đưa ra ngay trước khi Ngoại trưởng Am tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về tình hình khu vực và Syria.

Trong khi đó, một quan chức cao cấp của Quốc hội Iran đã kêu gọi bảo vệ Syria trước sự can thiệp của Mỹ. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Iran, ông Alaeddin Borujerdi tuyên bố "chúng ta phải giúp đỡ Syria;" đồng thời cáo buộc Mỹ đang tìm cách gây bất ổn tại nước này.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, bất chấp việc nhiều nước rút cơ quan đại diện ngoại giao khỏi Syria, Bộ Ngoại giao Hà Lan ngày 9/8 tuyên bố nước này vẫn sẽ duy trì Đại sứ quán của họ tại Damas.

Theo Vietnam+

Từ khóa: