Sự kiện hot
10 năm trước

Cách thoát khỏi “dòng chảy tử thần” khi đi tắm biển

Dòng chảy tử thần, nước xoáy bất ngờ đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho bạn và người thân khi đang vui đùa dưới biển. Bạn có thể tránh được những rủi ro của kỳ nghỉ hè với những dấu hiệu nhận biết nguy hiểm dưới đây.


Khi tắm biển cần tuân thủ quy định để tránh những nguy hiểm rình rập. Ảnh: T.G

Nhận dạng dòng chảy tử thần


Ở bãi tắm gần các khu đô thị lấn biển có nhiều hố, bãi trũng và nước xoáy bất ngờ nên tần suất xuất hiện dòng chảy xa bờ hay còn gọi là dòng chảy tử thần mạnh khá cao. Dù có cờ đen cảnh báo, có đội cứu hộ thường trực nhưng hầu như năm nào cũng có người bị chết đuối do dòng chảy tử thần gây ra. Bác sĩ Vũ Việt, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM đã tư vấn cách nhận dạng và phòng tránh dòng chảy tử thần mùa đi biển như sau:


Sóng thường đánh và đưa nước biển vào bờ. Nhưng khi nước biển đánh liên tục vào bờ sẽ hợp lại thành một dòng chảy đi thẳng ra biển và dòng chảy xa bờ hình thành.


Có 3 dạng dòng chảy xa bờ, điểm chung là dòng chảy rất mạnh và nguy hiểm, vận tốc sóng dao động từ 0,5 – 1m/s, hẹp 1-3m, nhưng có khi rộng đến cả chục mét, kéo dài hàng trăm mét ra khơi. Có thể xác định dòng chảy xa bờ như sau:


Bằng mắt thường xác định khi thấy dòng nước bị khuấy tung, ngầu bọt hoặc hơi bập bềnh, thường cuốn theo rong biển, vật trôi nổi… thành dòng hướng ra xa bờ.


Dòng chảy xa bờ cũng khuấy cát từ dưới đáy lên, do đó nếu đột nhiên thấy vùng nước có màu đục hơn hẳn so với các vùng xung quanh, hãy tránh xa.


Một đoạn đứt gãy trong cơn sóng cũng là dấu hiệu nhận biết của dòng chảy xa bờ.


Nguy hiểm nhất là loại dòng chảy xa bờ không có dấu hiệu để nhận biết, nó lại có thể nhanh chóng "tăng tốc" 1 - 2,5m/s và không ai có thể thoát khỏi dòng xoáy tử thần này, dù là vận động viên bơi giỏi.


Cách thoát thân khỏi dòng chảy tử thần:


Để thoát khỏi dòng chảy tử thần, điều tối quan trọng là không được hoảng sợ, dù cảm giác bị cuốn trôi băng băng ra xa bờ rất kinh hoàng cũng cố gắng giữ bình tĩnh. Luôn nhớ là dòng chảy xa bờ sẽ không hút người xuống đáy, mà chỉ đưa mọi vật ra xa bờ (thường khoảng 30m). Hầu hết các trường hợp chết đuối vì là do người bị nạn quá sợ hãi, cứ cố bơi ngược dòng – vốn là điều không thể, vì với vận tốc 1 - 2,5m/s con người sẽ kiệt sức.


Muốn thoát khỏi dòng chảy này, hãy tìm cách bơi vuông góc với dòng chảy. Sau khi đã thoát khỏi dòng xoáy, hãy bơi chéo góc và hướng về phía bờ.


Đối với những người không biết bơi hoặc đã đuối sức, không đủ thể lực để thoát khỏi dòng ngược, hãy thả nổi mình trôi theo dòng, chờ người tới cứu...

 

Luyện “bơi tự cứu” trước khi ra biển


Mùa đi biển, TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi, Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật “Bơi tự cứu” đơn giản, dễ tập dượt, người không biết bơi dưới nước vẫn có thể sống sót nhờ thực hiện 4 bước sau đây:


Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể bịt mũi) để phổi không bị sặc nước mà trở thành phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.


Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước ở tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.


Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.


Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng mồm.


Với cách này, con người có thể tồn tại dưới nước khá lâu chờ người đến cứu hoặc lợi dụng dòng chảy để bơi vào chỗ nông hơn. Thời điểm này giúp trẻ biết bơi, có kiến thức phòng chống chết đuối, bơi tự cứu đều rất quan trọng. Tất cả những bước trên đều có thể luyện tập trên cạn và cho trẻ em.


Trước khi xuống biển, cần:


Khởi động trước khi xuống biển để tránh bị chuột rút, nhưng không vận động quá sức. Xuống nước từ từ, không nên lao mình xuống ngay.


Không bơi quá xa bờ, bởi bơi trên biển nhanh mất sức vì luôn đối mặt với những con sóng. Trong mọi trường hợp không nên quay lưng ra phía biển vì khó quan sát được những nguy hiểm sẽ xảy ra.


Không nên tắm biển vào những ngày sóng lớn (nhìn thấy cây sóng), ngày mưa dông, bão, hay khi nhiệt độ ngoài trời dưới 25oC.


Lên bờ ngay khi:


Cơ thể ngứa ngáy, cảm thấy lạnh, mệt mỏi khác thường, nhức trán hoặc sau gáy, bị chuột rút, rối loạn thị giác. Có dấu hiệu bị trướng bụng, đau khuỷu tay và đầu gối.


Mệt quá sức do cơ thể vận động quá nhiều dưới nước, biểu hiện là thở dốc, mệt mỏi, rã rời, tê cóng, nhịp tim nhanh và nhỏ… Không nên vận động quá sức, đạp nước quá nhiều vì hàng ngày ít vận động nhiều và mạnh nên khi xuống nước, cơ bắp dễ bị co cứng đột ngột, chuột rút. Không tắm ở vùng nước nông và hở gáy, nhất là ngày nắng gay gắt để tránh say nắng. Không phơi nắng quá lâu trước khi xuống nước vì dễ cảm lạnh.


Tuân thủ đúng nội quy của bãi biển, không đi ra xa khỏi khu vực an toàn kẻo không bơi vào bờ được, gặp cá dữ, bị sóng mạnh cuốn trôi… dẫn tới nguy hiểm.


Một số người bị viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi, bệnh tim mạch, viêm thận, viêm tai giữa mạn tính có thủng màng nhĩ, người già yếu, người thần kinh dễ bị kích thích, người thường xuyên sợ lạnh thì không nên tắm biển.

Hà Dương
theo GĐ&XH

Từ khóa: