Sự kiện hot
12 năm trước

Cánh đồng xương khổng lồ ở Thanh Hóa

Người dân ở thôn Yên Hòa (xã Lộc Tân, Hậu Lộc, Thanh Hóa) bao đời nay sống chung với một cánh đồng xương khổng lồ. Trải qua thời gian, những nấm mồ bị đào xới đã trơ cỗ quan tài cùng những nhúm xương còn sót lại.

Người dân ở thôn Yên Hòa (xã Lộc Tân, Hậu Lộc, Thanh Hóa) bao đời nay sống chung với một cánh đồng xương khổng lồ. Trải qua thời gian, những nấm mồ bị đào xới đã trơ cỗ quan tài cùng những nhúm xương còn sót lại.

Người dân trong làng vẫn quen gọi Bãi Hà Sau rộng 2ha là cánh đồng xương. Dân làng cho biết, cỏ cây mọc um tùm, phủ kín cả kho xương. Xương ở đây nhiều tới mức, chỉ cần bổ nhát cuốc xuống đất cũng có thể chạm phải xương người, hay đám trẻ trâu trong làng lấy que đào dế cũng vô tình lôi lên cả khúc xương khô, thậm chí đàn bò khi gặm cỏ làm bật búi cỏ lên cũng làm lòi ra cỗ quan tài…


Anh Nguyễn Văn Trung bới nhẹ đám cỏ làm lộ ra cỗ quan tài

Bới đất được... xương

Để kiểm chứng về cánh đồng xương khổng lồ, chúng tôi đã nhờ anh Nguyễn Văn Trung cùng một thanh niên khác ở thôn Yên Hòa dẫn ra ngay đầu ngõ. Để chứng minh lời mình, anh Trung nhảy vào một bụi rậm lấy tay vén đám cỏ lên làm lộ ra một cỗ quan tài đã mục nát. Để tiếp tục chứng minh cho chúng tôi thấy Bãi Hà Sau có nhiều xác người, anh Trung lội xuống thửa ruộng bất kỳ, dùng tay bới đám cỏ lên, một cỗ quan tài khác lại hiện ra, khiến chúng tôi rợn người. Anh Trung cho rằng, ở khắp cánh đồng này đều là xương người.

Dẫn chúng tôi đi qua một bãi hoang nằm giữa Bãi Hà Sau, anh Trung giới thiệu: "Chúng ta đang đi trên mấy chục cái mả đấy. Chú cứ nhìn chỗ nào có ụ nổi lên thì dưới đó có quan tài!". Vừa đi, anh Trung tiện tay nhổ một búi cỏ lên làm trơ ra cỗ quan tài, rồi anh lại thản nhiên ném búi cỏ vào chỗ cũ như chưa có chuyện gì xảy ra. Anh Trung cho biết thêm: "Lúc đầu, dân làng rất hoang mang về cánh đồng xương. Chung sống lâu ngày cũng thành quen, họ không sợ nữa. Chuyện những người dân nơi đây bới đất gặp xương cũng chẳng có gì là lạ".

Anh Trung cho biết, nơi đây còn được gọi là cánh đồng ma. Thỉnh thoảng, người dân lại thấy những đốm sáng bay chập chờn. Nhất là vào trời mưa, dân làng đi ngang qua cũng thấy có những hình người trắng xóa bay chấp chới, vật vờ. Có người còn bảo nhìn thấy ma trơi, có đứa trẻ hốt hoảng chạy về bảo mẹ nhìn thấy ma cụt đầu. Thực tế, người dân cũng thấy những đốm sáng hay hình ảnh kỳ dị bay lơ lửng, lập lòa giữa trưa nắng...

Để tìm hiểu về lai lịch của cánh đồng xương, chúng tôi tìm đến nhà cụ Bùi Thị Thơm (90 tuổi, thôn Yên Hòa). Cụ Thơm cho biết, những năm 1964 - 1968, trong chiến tranh chống Mỹ, nhà cụ có nuôi bộ đội, nên cụ biết có rất nhiều xác bộ đội chết được chôn ở Bãi Hà Sau. "Những năm đó, bộ đội tập kết ở nhà tôi, mỗi khi có máy bay Mỹ đến đánh cầu Đò Lèn hay cầu Hàm Rồng thì các anh lại tới đó để bắn máy bay. Một ngày tháng 10 năm 1964, khi các anh đang ăn ổi thì có lệnh lên đường đánh giặc. Lúc đi, chúng nó còn bảo: "Mẹ ơi con đi đây!". Theo thói quen, tôi còn tiễn các chú ấy ra khỏi con kênh đầu làng. Khi quay về nhà thì tôi nhận được hung tin, có tám chú hy sinh…" - cụ Thơm cho biết.

Sự thực về lời đồn có ma

Anh Lê Ngọc Bảo (thôn Yên Hòa) kể lại: Cách đây mấy năm, trong lúc san lấp mặt bằng để làm ruộng và lấy đất sét làm gạch, người dân đã phát hiện hàng trăm cỗ quan tài khác đang nằm rải khắp diện tích hơn 2ha. Họ đã vô tình làm cho rất nhiều cỗ quan tài bị bật nắp, những bộ xương văng tứ tung, khiến cho việc canh tác làm ruộng gặp khó khăn. Nhiều người đã bỏ thời gian đi gom xương người bỏ vào rổ rồi gánh ra bờ sông đổ hoặc đem đi cải táng cho đỡ vướng. Người dân đã nhặt được rất nhiều xương đưa lên mỏm đất Bãi Hà Sau.

Năm 2009, người dân làng Yên Hòa góp công bắc cây cầu qua con kênh nhỏ đi xuyên qua ngôi miếu ở cánh đồng xương. Đến khi khởi công công trình có ba, bốn chiếc máy xúc được huy động đến xúc đất miếu, nhưng thật kỳ lạ là tất cả những chiếc máy xúc cứ đến miếu là chết máy, đưa ra khỏi miếu máy lại nổ ngon lành. Thấy lạ, người dân đã làm lễ cúng xin thần miếu cho di chuyển đến địa điểm mới. Sau đó, dân làng góp gạch xây miếu mới ở cạnh rồi khiêng cả rùa đá đến địa điểm mới. Khi di chuyển xong, những chiếc máy xúc mới hoạt động bình thường…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Toán, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân cho hay: Toàn bộ những ngôi mộ ở Bãi Hà Sau là mộ hoang, không có ai thừa nhận. Trong những năm 1977 - 1980, đây là nơi nằm trong khu vực HTX K57 chuyên sản xuất gạch. Trong quá trình sản xuất đã làm lộ ra những bộ xương người, rồi họ gom lại đem đi cải táng. Trụ sở UBND xã Lộc Tân khi mới xây dựng năm 2004 cũng đã phát hiện mấy bộ xương người, sau đó UBND cũng phải đem ra Bãi Hà Sau để chôn lấp.

Cũng theo ông Toán, cách đây vài năm, có một đơn vị đã về quy tập mộ liệt sĩ nhưng số mộ liệt sĩ còn lại ở Bãi Hà Sau nhiều hay ít thì không thể biết được. Còn chuyện về những chiếc máy xúc bị chết máy ở khu đất này có thể chỉ do trùng khớp ngẫu nhiên. Người dân sống cạnh khu đất Bãi Hà Sau cũng đừng quá hoang mang về những hồn ma. Bởi các nhà khoa học đã chứng minh rằng, những hình ảnh trắng bay phảng phất ở cánh đồng này là do lượng phốt pho quá nhiều, khi trời mưa sẽ làm cho những lớp đất lộ ra những hốc xương, trong đó có lượng phốt pho đã được tích tụ sẽ phát sáng mờ mờ. Theo nguyên lý hóa học, phốt pho sẽ phát sáng khi tiếp xúc với không khí hay nguồn nhiệt và ánh sáng. Do đó, người dân lo sợ mà nhìn nhầm thành ma. 

Đề nghị các nhà khảo cổ vào cuộc

Ông Trịnh Văn Toán, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân nói: "Hiện nay, chúng tôi cũng không nắm chính xác trong Bãi Hà Sau có bao nhiêu ngôi mộ, bao nhiêu bộ xương người nhưng hầu hết những ngôi mộ ở đây đều là vô chủ. Việc trong Bãi Hà Sau có cả mộ liệt sĩ là có thật. Chúng tôi cũng rất mong các nhà khảo cổ vào cuộc để tìm hiểu cánh đồng xương khổng lồ này, biết đâu lại khám phá ra nhiều bí ẩn khác".  

Thế Hoàng
theo Người đưa tin


Từ khóa: