Sự kiện hot
11 năm trước

Che mưa, thắp điện lo cứu đào trong rét đậm

Thời tiết rét đậm, rét hại tại Hà Nội 10 ngày qua khiến người trồng đào ở làng Nhật Tân phải phủ bao nilon từ gốc tới ngọn và thắp điện giữ ấm cho đào để tránh cảnh thất thu vì “đào mù” trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thời tiết rét đậm, rét hại tại Hà Nội 10 ngày qua khiến người trồng đào ở làng Nhật Tân phải phủ bao nilon từ gốc tới ngọn và thắp điện giữ ấm cho đào để tránh cảnh thất thu vì “đào mù” trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thắp điện thúc đào

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 nhưng tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài liên tục tại Hà Nội 10 ngày trở lại đây đang gây rất nhiều khó khăn cho những người trồng đào làng Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội).


Nhiều hộ dân làng Nhật Tân phải phủ nilon và thắp điện bên trong để tránh rét cho đào

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt trong ngày 8.1, tại làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), nhiều hộ dân đã phải dùng nilon phủ kín từ gốc tới ngọn để tránh rét và mưa phùn cho cây đào, đồng thời thắp điện sưởi ấm bên trong để thúc đào kịp ra hoa dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Văn Chiến (57 tuổi), chủ vườn đào Nguyễn Chiến ở cụm 5 phường Nhật Tân cho biết, thời tiết rét đậm, mưa nhiều khiến dăm đào đét và tái hơn, nụ cũng bé hơn. Vậy nên, với những cây đào thế, đào rừng ghép mắt ông phải phủ kín nilon và thắp bóng điện bên trong cho nhiều gốc đào để ngăn mưa gió, giữ ấm cho cây. Những cây lớn, có thể thắp tăng cường hai bóng điện bên trong để giữ ấm cho đào phát triển tốt, ra hoa đúng dịp Tết.


Ông Đỗ Văn Kim chăm chút tưới từng gốc đào

Cách không xa vườn đào Nguyễn Chiến, chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Kim (66 tuổi, ở Cụm 1, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) trên tay đang cầm vòi nước chăm chút cho từng gốc đào. Ông Kim tâm sự, vườn đào nhà ông rộng khoảng 2.000m2. Hai loại đào chủ yếu được trồng trong vườn là đào bích và đào phai nguyên bản, ngay cả những cây đào thế cũng là có gốc nguyên bản của đào Nhật Tân.

Theo ông Kim, dù trời mưa phùn nhưng ông vẫn tưới nước đều khoảng 3 ngày 1 lần để giữ độ ẩm cho đất, giúp đào phát triển thuận lợi. Ngoài ra, ông Kim cũng phải bón thêm phân tổng hợp để cây đào có thêm dinh dưỡng chống chọi với tình trạng rét đậm kéo dài.

Nỗi lo thất thu vì rét đậm kéo dài

Còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài như hiện tại đang gây tâm lý lo lắng cho nhiều hộ trồng đào làng Nhật Tân.

Theo ông Đỗ Văn Kim, việc đào nở đúng dịp tết hay không 70% phụ thuộc vào thời tiết. "Nếu trước tết khoảng một tuần trời nắng ấm dần lên thì đào trổ hoa đẹp và đúng hẹn. Nhưng nếu tình trạnh rét đậm triền miên như hiện nay thì gay to cho người trồng đào. Hồi năm 2010 cũng tình trạng rét như thế này trước tết mà nhà tôi thất thu nặng, 10 gốc thì chỉ có được 1 gốc là cho hoa đúng dịp Tết” - ông Kim cho biết.


Những cành đào đã chớm nụ cần được sưởi ấm để trổ hoa đúng Tết

Có chung nỗi lo với ông Kim, ông Nguyễn Văn Chiến tâm sự, vườn đào nhà ông có diện tích rộng khoảng 6.000m2. Trong đó, số đào rừng ghép mắt rơi vào khoảng 600 gốc. Những gốc này được ông đưa về từ các vùng núi xa như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai), nên giá mỗi gốc thường 800 ngàn - 1 triệu đồng, nếu gốc có thế đẹp giá có thể đến 3-4 triệu đồng. Chưa kể, vào cao điểm sát Tết, gia đình ông còn thuê cả chục nhân công để chăm sóc đưa đào lên chậu. Chi phí đầu tư lớn nhưng nguồn thu lại phụ thuộc rất nhiều vào ông trời.

“Thời tiết giá rét như hiện tại khiến gia đình tôi buộc phải bỏ cả chục triệu để mua túi nilon về phủ lên cây và thắp điện giữ nhiệt độ cho đào. Hy vọng thời tiết sẽ thuận lợi hơn để đào trổ hoa đúng tết, nếu không thì thiệt hại lớn”, ông Chiến chia sẻ.

Xuân Lực
theo Dân Việt

Từ khóa: