Sự kiện hot
10 năm trước

“Chết lâm sàng” vì đưa hàng vào siêu thị

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thực phẩm “bật mí”, muốn mở rộng thị trường, doanh nghiệp đã tìm mọi cách đưa hàng vào siêu thị. Ấy thế nhưng, mới nghe được cái mức chiết khấu lên tới gần 30%, anh đã ù tai. Tiếp nữa, đến chuyện nợ dài, nợ dai của các siêu thị mà những người đi trước rỉ tai, thì anh… co giò chạy hẳn!


Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa hàng vào siêu thị đang phải chịu áp lực về chiết khấu và nợ đọng. Ảnh: M.H

Ù tai, hoa mắt tìm đường vào siêu thị


Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp không còn băn khoăn vì những thủ tục quá khắt khe nhưng cần thiết khi được đưa hàng vào siêu thị với các loại giấy tờ kiểm định, an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, khi đáp ứng đủ các yêu cầu này, doanh nghiệp vẫn phải chờ để đàm phán về giá. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp cho biết mình bị ép giá khá nhiều khi thương thảo với các siêu thị.


Anh Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ thực phẩm chế biến A.D.B cho biết: “Cách đây 3 tháng tôi đã đến một hệ thống siêu thị để nộp đơn cung ứng hàng hóa. Sau đó đã có vài lần thương thảo giá với đại diện siêu thị nhưng thấy rất chán. Hệ thống siêu thị này có các siêu thị ở cả ba miền Bắc- Trung – Nam thì địa điểm gần nhất là miền Bắc, siêu thị yêu cầu chiết khấu 19%; miền Trung và Nam phải cộng thêm 7% chi phí vận chuyển nữa. Với dây chuyền đạt chuẩn, hàng hóa chất lượng đầu vào sản xuất mà chiết khấu tới 26% thì doanh nghiệp tôi không chịu nổi, lợi nhuận hầu như không còn. Dù siêu thị luôn nói là giá bán do doanh nghiệp quyết nhưng trên thị trường phải cạnh tranh với các mặt hàng cùng chủng loại, nếu bán đắt sẽ không có người mua nên doanh nghiệp gặp khó đủ bề”.


Còn anh Vũ Văn Bình, Giám đốc Công ty may mặc V.T cũng than thở: “Muốn đưa hàng vào kênh bán hàng hiện đại mà gặp nhiều trở ngại quá. Các kênh phân phối thì đua nhau siết giá, nếu giảm giá quá nhiều thì chắc chắn không thể có lời được. Hàng sản xuất ra rồi mà thấy hoang mang quá. Ngoài việc “đau khổ” vì giá bán lại còn chịu áp lực từ việc phải chuẩn bị lượng hàng lớn mà chưa biết có tiêu thụ được hay không. Thậm chí, có siêu thị yêu cầu phải vận chuyển hàng đến từng siêu thị riêng lẻ tại nhiều nơi... cũng khiến doanh nghiệp nhỏ “toát mồ hôi” khi tham gia đàm phán.

Đau đầu vì… nợ đọng!


Trong khi đó, việc thanh toán tiền hàng với siêu thị cũng khó khăn hơn trước nhiều. Giám đốc một công ty may mặc có tiếng tại Hà Nội cho biết, trước đây dài nhất là sau 30 ngày giao hàng là siêu thị sẽ thanh toán, nhưng hiện nay thì sau 45 ngày, thậm chí lên tới 60-90 ngày. Doanh nghiệp nhập nguyên liệu đầu vào thường bị ép phải trả tiền sau 10 ngày đã khó khăn, nay lại còn bị ngâm vốn.


Chưa kể, hợp đồng trưng bày hàng hóa tại các siêu thị hiện có thời hạn một năm. Sau thời hạn này, các siêu thị “gạch tên” vị trí trưng bày và các doanh nghiệp lại tiếp tục cuộc đua “mua” vị trí. Với nhãn hàng, doanh nghiệp lớn, việc “bóp” chiết khấu có thể chấp nhận được. Nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ, sản phẩm chưa có thương hiệu, để đảm bảo cho việc bán hàng thì các siêu thị thường đưa ra mức chiết khấu khá cao khiến họ nghẹt thở.


Một số doanh nghiệp cho biết, họ rất sợ những siêu thị có nhãn hiệu riêng cùng chủng loại vì thường những nhãn hàng riêng của siêu thị bao giờ cũng có vị trí quầy kệ được ưu tiên, giá bán lại rẻ vì không mất chí phí quảng cáo, marketing… nên sản phẩm của họ rất khó cạnh tranh.


Tuy nhiên về phía siêu thị lại có quan điểm khác, theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op thì chiết khấu cao là chi phí cho hàng loạt khâu như hỗ trợ doanh số bán hàng, hỗ trợ khuyến mãi, quầy kệ, bán hàng, tờ rơi... mỗi khoản một chút. Tại siêu thị, số lượng quầy, kệ có hạn nên  không thể ngay lập tức thay thế những nhãn hàng doanh số ổn định, thị phần tăng trưởng, bằng các nhãn hàng hoàn toàn mới cùng chủng loại. Ngoài ra, hiện phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sản xuất ít ổn định, mẫu mã và chất lượng, tính năng sản phẩm thiếu sáng tạo, không nắm bắt được xu hướng nên rất khó tạo được ưu thế cạnh tranh.


Còn đại diện hệ thống siêu thị Big C cho rằng, hàng hóa vào siêu thị phải đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật, đáp ứng những tiêu chí riêng của siêu thị về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, mẫu mã, khả năng cung ứng, vận chuyển, giá cả…


Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đưa hàng vào siêu thị đúng là chật vật, mất nhiều thời gian, tốn nhiều chi phí nhưng đó là kinh tế thị trường. Một siêu thị có một kệ hàng thực phẩm mà có cả chục doanh nghiệp muốn vào nên siêu thị sẽ phải ra điều kiện”.

“Các doanh nghiệp cần phải liên minh lại với nhau tạo ra môi trường liên kết giúp các thành viên nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh cung cấp cho kênh phân phối. Họp định kỳ để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin xu hướng thị trường chứ không phải tạo nên một sự đối chọi, đấu tranh thiếu lành mạnh để ai cũng bị “chèn ép” khi thương thảo với các nhà phân phối”.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Mai Hạnh
theo GĐ&XH

Từ khóa: