Sự kiện hot
5 năm trước

Chợ làng tuổi thơ tôi

Nếu đình và chùa là trung tâm quyền lực chính trị và tâm linh của làng Việt Nam thì chợ chính là trung tâm kinh tế và văn hóa. Có ai đó đã nói khi đến một miền đất nào đó tức là phải ngủ ở đó một đêm, ăn một món đặc sản của vùng và đi một phiên chợ…

Chợ Giắng làng tôi 700 tuổi

Làng tôi tên tục là làng Giắng. Tên chữ là Thượng Liệt (xã Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình) nên chợ làng tôi mang tên Chợ Giắng. Làng hình thành cách đây khoảng trên 700 năm nên có lẽ chợ Giắng làng tôi cũng có tuổi đời xấp xỉ thời gian đó.

Làng tôi dân đông, trải dài gần 2km nên chia thành hai phần, chợ nằm giữa cùng với quần thể đình – chùa – lăng làm thành cái gạch nối giữa hai miền Đông và Tây làng Giắng.

Tuy cùng một dải đất, cách nhau một khu đình, cái chợ nhưng văn hóa hai miền cũng có nhiều điểm khác nhau. Ví như người Tây làng giỏi doanh thương, có tinh thần chính trị. Người Đông làng thuần phác canh nông và đam mê văn hóa, nghệ thuật.

Duy chỉ có một điểm rất giống nhau, đó là con gái làng tôi dù Đông hay Tây làng đều đẹp, rất đẹp. Một vẻ đẹp phồn thực mê hoặc đàn ông bởi da trắng, tóc dài và đôi mắt luôn long lanh, lúng liếng…

Chợ Giắng làng tôi họp tất cả các ngày nhưng phiên chính là vào ngày 4 và ngày 9 âm lịch, tức là mồng 4, mồng 9, 14 và 19, 24 và 29 âm lịch hàng tháng.

Đây là những ngày người dân cả vùng đổ về mua bán sản vật nên chợ rất đông. Đặc biệt là vào ngày tết, từ khoảng 19 tháng chạp đến chiều 30 tết thi chợ luôn tấp nập.

Người quê tôi đi chợ không đơn thuần là mua sắm bởi thật ra ngày xưa làng cũng thuộc dạng thuần nông, nghèo. Mà người nghèo thì lấy tiền đâu mà mua sắm nhiều. Chợ làng tôi đông bởi người dân đi chơi chợ. Chợ là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người dân trong khắp vùng.

Những đôi trai gái tìm đến chợ Tết để gặp gỡ, giao duyên. Người già đến chợ Tết để tìm lại cố nhân, có khi là cô hàng xén răng đen thủa nào nay đã lên bà, lên cụ và cũng có thể là bà con họ hàng lấy vợ, lấy chồng nơi khác.

Người làng tôi đi chợ còn để thỏa mãn cái sự khao khát được giao lưu, mở mang hiểu biết khi mà thời đó thì đài hay tivi là điều không có trong cổ tích.

Họ gặp nhau để bàn đủ mọi thứ trên đời, từ chuyện làng xã, họ mạc, gia đình đến chuyện thời tiết và phổ biến cho nhau những kinh nghiệm cấy trồng, gieo gặt.

Lũ trẻ con chúng tôi cũng rất mê chợ, nhất là chợ phiên những ngày giáp Tết. Ngồi trong phòng học, mắt luôn dõi ra con đường làng với tấp nập người đi mà lòng dạ xốn xang, rạo rực nên chỉ khoảng 24 – 25 tháng chạp là các thầy, cô giáo cho bọn tôi nghỉ học.

Cái buổi sáng đầu tiên không phải đến trường, chúng tôi ùa ra chợ. Nơi đây đang diễn ra hàng loạt các trò chơi như đánh khăng, đánh đáo, xem nặn tò he và đặc biệt là xúm quanh mấy bà hàng xén bán pháo tép.

Ba nhân vật của chợ làng tôi

Năm mươi năm đã trôi qua, mỗi khi nhớ về chợ làng mình, tôi luôn nhớ về ba nhân vật. Trong đó, một ông cắt tóc, một bà bán bánh cuốn và một chị bán bánh rán.

Người cắt tóc là ông Ruy. Chẳng biết ông Ruy làm nghề cắt tóc từ bao giờ. Khi tôi sinh ra, biết nhận biết đã thấy ông làm nghề này và có lẽ, ông đã từng cắt tóc cho không chỉ bố tôi mà cả ông tôi nữa vì làng tôi, chỉ có duy nhất ông làm cái nghề “đè đầu, sửa gáy thiên hạ” này.

Có lẽ đó là trả lời câu hỏi tại sao tôi lại nhớ đến ông mà không phải là nhớ về một người nào khác? Ông Ruy còn có một đặc điểm, ông có một cái bìu, tức là mảng thịt thừa thõng xuống phủ gần kín nửa khuôn mặt và thứ hai, là cái cách ông Ruy cắt tóc, liếc dao cạo râu.

Cái tiếng đánh kéo lách cách của ông rền rã và đầy nhạc điệu. Khi rộn ràng tưng bừng, khi trầm tư thư thái. Song, ấn tượng nhất và cũng ghê nhất là cách ông gại con dao cạo to bằng ba đầu ngón tay để “ủi” đám râu ria xồm xoàm trên những khuôn mặt sạm đen và hốc hác của khách hàng.

Một tay kéo căng sợi dây da to bằng bốn ngón tay, một tay ông liếc con dao to như dao mổ lợn, nửa trắng, nửa đen và trước khi gại dao, ông thường thường nhổ toẹt bãi nước bọt to tướng từ cái mồm hút thuốc lào vào miếng da trâu “cho lên nước thép” như lời ông nói.

Cái mùi khăn khẳn của da trâu cộng với cái mùi khai khai của thuốc lào khiến không ít lần tôi nôn thốc, nôn tháo.

Người thứ hai là bà Lóc bán bánh cuốn.

Bánh cuốn bà Lóc có gì đặc biệt mà khiến một kẻ như tôi, lang bạt kỳ hồ xa quê gần nửa thế kỉ vẫn còn nhớ?

Có lẽ thứ nhất, đó là cái cách bà Lóc vừa nhai trầu vừa bóc bánh cuốn. Cái tảng bánh cuốn to như viên gạch xỉ được “lắp ghép” từ hàng ngàn lá bánh cuốn mỏng tang. Để bóc ra từng lớp tránh không bị rách, người bán bánh phải rất khéo tay.

Không ít lần tôi thấy bà bỏm bẻm nhai trầu, hai hàng quết trầu rong ra hai bên mép. Bà thản nhiên lấy ngón trỏ và ngón cái quệt dọc theo vết quết trầu đỏ rực rồi chùi chùi vào hai gót chân, sau đó bình thản lấy tay vê vê lớp bánh mỏng màu trắng muốt. Đôi khi vẫn thấy cái vệt quết trầu đỏ rực còn sót lại trên tay bà vương trên nền bánh cuốn trắng bóng.

Bù lại, bánh của bà rất ngon. Cho đến bây giờ, dù đã xa quê gần nửa thế kỉ, tôi đã “ăn mòn bát thiên hạ” nhưng chưa thấy nơi nào có bánh cuốn ngon như của bà Lóc làng tôi. Cái dư vị ngọt ngào của gạo làng, mùi thơm hành phi và cái vị ngậy ngậy của mỡ như còn đọng lại.

Người thứ ba là bà chị bán bánh rán hơn tôi khoảng dăm tuổi. Bánh rán của chị Tài giòn, ngon nổi tiếng khắp vùng và rất đông khách còn vì chị bán bánh rán rất đẹp. Chị có vẻ đẹp mê hoặc đàn ông với nước da trắng, hai má luôn đỏ rực vì cái nóng phả ra từ cái chảo mỡ đặt trên bếp dầu luôn sôi sùng sục.

Mỗi khi chị ngồi rán bánh, hai đầu gối đẩy bộ ngực căng phồng, chỉ chực bục ra khỏi vạt áo như một “nấm mồ” chôn sống không biết bao nhiêu cặp mắt thèm khát của lũ đàn ông làng tôi.

Không biết ngày ấy, có chàng trai nào làm thơ về chị không nhỉ?

Mẹ tôi đi chợ làng tôi

Như mọi người đàn bà của lằng Giắng, mỗi khi tết đến, xuân về, mẹ tôi luôn rạo rực cùng những phiên chợ tết. Bà đi đi, lại lại như con thoi, khi thì mua mấy củ hành, vài bó rau cần, lúc thì lại thảng thốt kêu lên: “Chết tôi rồi, quên chưa mua mộc nhĩ…”.

Điều mẹ tôi lo lắng nhất dịp này, đó là bữa cơm tất niên. Thường thì vào đầu vụ gặt tháng mười, bà thường chọn một đám lúa chín sớm nhất, trĩu hạt nhất gặt về phơi thật se dưới cái nắng hanh đầu mùa rồi cho vào chum sành, ủ bên trên bằng một lớp dày lá chuối hột khô chờ đúng đến sáng ba mươi tết mới được đem xay giã.

Mẹ tôi bảo làm thế thóc hãy còn “tươi” nên đượm mùi thơm lúa mới. Để nấu nồi cơm này, mẹ còn chuẩn bị kỹ cả củi đun. Đó phải là rơm của những ruộng lúa nếp không rạp đổ, phơi thật khô dưới cái nắng hanh hao vàng như mật của ngày cuối thu.

Từ nhỏ, tôi rất thích được ngắm mẹ khi Người ngồi thổi cơm Tết. Trong cái rét căm căm của châu thổ sông Hồng, khuôn mặt mẹ thường ngày tím tái vì thiếu đói và bươn chải nuôi con giờ hồng rực lên như thời con gái.

Để lo bữa cơm này, mẹ tôi phải rất nhiều lần đi chợ.

Giờ đây, chợ Giắng làng tôi không còn ở nơi tuổi thơ của tôi. Nó đã di chuyển lên trung tâm của xã. Đời sống kinh tế làng tôi cũng không còn khó khăn như thủa nào. Cái nhu cầu mua sắm cũng không còn chỉ phụ thuộc vào những ngày giáp tết.

Chợ làng tôi giờ như một siêu thị mà ở đó, người ta có thể mua được cả cá hồi Na Uy, thịt bò Mỹ, nước hoa Pháp, rượu vang Italia…

Ông Ruy, bà Lóc đã mất từ lâu. Chị Tài bánh rán giờ chắc cũng già rồi. Cũng không còn hình ảnh cô hàng xén răng đen “Cười như mùa thu tỏa nắng” trong thơ của thi sĩ Hoàng Cầm”. Cũng không còn người nặn tò he, lũ trẻ con cũng không còn chơi trò đánh khăng, đánh đáo. Hình như còn sót lại, đó là những người con gái làng tôi vẫn đẹp như từ xưa đã đẹp, mãi mãi sau này vẫn đẹp.

Tiếc rằng ít duyên nên tôi phải đi làm rể xứ người. Mỗi độ xuân về, lòng tôi nôn nao nhớ về chợ Giắng làng tôi. Và giờ đây, chợ làng trong tôi chỉ còn là ký ức!

Bùi Bảo Vân
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: