Sự kiện hot
10 năm trước

Chủ tịch thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa): “Tôi biết mặt từng người bán rong”

Tình hình “chặt chém” du khách ở bãi biển Sầm Sơn đã có nhiều tín hiệu tích cực nhờ các ngành chức năng thị xã Sầm Sơn triển khai các biện pháp chấn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như việc niêm yết giá hải sản có sự chênh lệch, bán hàng rong chèo kéo du khách…


Những cửa hàng bán đồ lưu niệm cũng đã được bán theo giá niêm yết. Ảnh: T.G

Hàng rong cũng “làm ăn theo dây”


Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Yên, huyện Thanh Liêm, Hà Nam đã nghỉ mát ở Sầm Sơn đến ngày thứ ba cho biết: “So với lần đầu đến đây vào 3 năm trước, tôi thấy Sầm Sơn bây giờ thay đổi nhiều quá. Dịch vụ tốt và con người cũng thân thiện hơn. Chọn sử dụng loại dịch vụ gì mình cũng biết giá trước vì giá đều niêm yết công khai”.


Dọc bãi biển là sự xuất hiện của các tấm biển lớn ghi quy định trên bãi biển như: Cấm bán hàng cao hơn giá quy định; Cấm bán hàng rong, ăn xin, ăn mày; Cấm cờ bạc, trò chơi có thưởng; Cấm xả rác không đúng nơi quy định; Cấm tranh giành, đeo bám, chèo kéo du khách... Cùng với đó là bảng niêm yết giá, quy định tạm thời mức giá tối đa một số hàng hoá, dịch vụ kèm với số đường dây nóng của các cá nhân và cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết thắc mắc của khách du lịch.


Không chỉ niêm yết trên bảng lớn, các cửa hàng kinh doanh cũng phải công khai niêm yết giá từng loại hàng hoá, dịch vụ tại nơi bán hàng của mình. Nếu đơn vị nào không thực hiện đúng quy định sẽ bị phạt và tước giấy phép kinh doanh.


Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng người bán hàng rong chèo kéo du khách. Du khách đi dạo phố vẫn liên tiếp bị những người bán rong làm phiền khi thì bà bán mũ nón, lúc thì chị bán xôi, trứng vịt lộn, lạc luộc… rồi lại đến mấy em nhỏ tay cầm vài chiếc bấm móng tay, bật lửa... gạ gẫm, mời chào.


Anh Trần Thế Anh, một du khách đến từ huyện Trực Ninh, Nam Định cho biết: “Chiều đến, tôi và bạn gái đi dạo phố cho thư giãn, thoải mái nhưng cứ đi được vài bước lại có người bán rong đến gạ mua cái nọ cái kia, rất bực mình. Câu chuyện của chúng tôi đang vui lại có người đến làm gián đoạn. Không mua thì họ tỏ ra không hài lòng mà mua những thứ đó với tôi chẳng để làm gì, cảm giác bị làm phiền rất khó chịu”.


Chúng tôi hỏi một chị bán xôi rong rằng chính quyền cấm bán hàng rong mà chị vẫn bán thế này, khi có lực lượng kiểm tra thì sao? Chị thủng thẳng: “Phải biết cách chứ, khi nào họ về mình mới bán. Với lại bán hàng cũng phải có “dây”, có lực lượng kiểm tra thì chúng tôi sẽ được người cùng hội báo. Nếu không thì bị phạt rất nặng, thu đồ thì chỉ có nước vỡ nợ”.

 

Chính quyền mạnh tay


Chỉ khi xuống bãi biển, du khách mới yên tâm không còn bị người bán rong quấy nhiễu.

Tiếp cận một số nhà hàng ở Sầm Sơn, điều chúng tôi băn khoăn nữa là cùng một loại hải sản, độ lớn như nhau nhưng mỗi nơi niêm yết một giá bán. Thậm chí, mức niêm yết chênh tới 200.000 đồng/kg. Ví dụ cũng là cua gạch loại 3 con/kg, nơi bán 550.000 đồng/kg, có nơi lại niêm yết giá 750.000 đồng/kg.


Mang những băn khoăn này trao đổi với ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, ông cho biết: “Sau nhiều tai tiếng, chúng tôi đã quyết tâm làm lại diện mạo cho bãi biển Sầm Sơn. Cụ thể là tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức, thực hiện văn minh thương mại (niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chất lượng hàng hóa, phong cách phục vụ, ứng xử, vệ sinh môi trường …). UBND thị xã cũng đã ban hành 24 phương án quản lý cụ thể, từ người đạp xích lô, xe thồ, hàng rong… và tổ chức quản lý. Năm ngoái là giao cho doanh nghiệp nhưng năm nay chúng tôi giao cho chính quyền, cụ thể là cấp phường/xã”.


Trả lời chúng tôi về việc vẫn còn tồn tại tình trạng bán hàng rong, chặt chém du khách, niêm yết giá hải sản chênh lệch, ông Triều thừa nhận rằng: “Về việc niêm yết giá hải sản, chúng tôi mới phấn đấu ở mức độ 1. Đó là niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Năm tới sẽ tiến thêm một bậc nữa thì tình trạng cùng một loại hải sản tương đương nhau sẽ không bị chênh giá nhiều như hiện nay nữa”.


Còn với tình trạng bán hàng rong, ông Triều khẳng định, đã giảm đến 90%. Năm ngoái bãi biển Sầm Sơn có hơn 300 người bán hàng rong nhưng năm nay chỉ còn 24 người và ông biết mặt, thuộc tên từng người. Cũng theo ông Triều thì chính quyền đã “mở đường” cho những người bán rong này nhưng họ không nghe. Đó là “nếu bán xôi thì chỉ cần cho vào tủ kính, đứng một chỗ để bán và niêm yết giá rõ ràng” nhưng lạ là những người này vẫn không làm theo(?!). Người bán rong chỉ còn ở trên một số tuyến phố, còn dưới bãi biển, ông Triều khẳng định tình trạng này không còn nữa. Điều ông Triều băn khoăn là: “Do chính quyền làm mạnh tay nên các tiểu thương đành chịu gò vào “khuôn” chứ chưa hình thành ý thức tự giác. Nếu nới lỏng, không biết điều gì sẽ diễn ra?”.


Với mục tiêu chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2015, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế và giải quyết nạn “chặt chém”, các cấp chính quyền ở Sầm Sơn đã vào cuộc khá quyết liệt. Hy vọng những “hạt sạn” nói trên sẽ sớm được loại bỏ!

“Muốn các tiểu thương vào khuôn phép, chúng tôi phải “xử” mạnh tay. Hai cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị xã Sầm Sơn thu tiền vượt giá quy định đã bị UBND thị xã xử lý. UBND thị xã Sầm Sơn đã xử phạt bà Nguyễn Thị Nga, Chủ nhà hàng Quỳnh Nga (phố Nguyễn Du, phường Bắc Sơn) bán phở vượt quá mức quy địnhtới 5.000 đồng/bát đã bị phạt 12,5 triệu đồng. UBND thị xã cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ bãi trông giữ xe khách sạn Bông Sen (phố Tây Sơn, phường Trường Sơn) 15 triệu đồng, buộc ông Tiến phải trả lại toàn bộ số tiền đã thu vượt quá giá quy định cho khách hàng do trước đó ông Tiến đã thu tiền giữ xe ô tô của khách là 30.000 đồng, vượt quá mức quy định tới 10.000 đồng”.

 
Ông Nguyễn Duy Bình, Đội trưởng Đội QLTT số 2 Thanh Hóa)

Mai Hạnh
theo GĐ&XH

Từ khóa: