Sự kiện hot
10 năm trước

Chưa truy được nguyên nhân "gốc rễ" chậm, hủy chuyến bay

Tổ kiểm tra, giám sát của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có báo cáo kết quả thực hiện giám sát chậm, hủy chuyến đối với các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Đáng tiếc, báo cáo này vẫn chưa “truy” được nguyên nhân "gốc rễ" gây nên tình trạng này.


Hành khách đề nghị các hãng hàng không tôn trọng và xin lỗi về chậm, hủy chuyến. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cố ý “né” báo tin chậm chuyến

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam về chậm hủy chuyến bay của các hãng hàng không nội địa từ ngày 13-20/7, trong tổng số 3.353 chuyến bay khai thác có tới 914 chuyến bị chậm (chiếm 27,6%); trong đó nguyên nhân từ hãng hàng không đứng đầu với 36,7% và tàu bay về muộn 22,8%. Bên cạnh đó, có 81 chuyến bị hủy (chiếm 2,36%).

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, Tổ trưởng tổ kiểm tra, giám sát cho biết, qua đợt giám sát (từ ngày 13-17/7) đã phát hiện một số tồn tại liên quan đến chất lượng dịch vụ, một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến.

Cụ thể, tại sân bay Nội Bài, các chuyến bay trước 8 giờ sáng chưa được giám sát thường xuyên công tác chuẩn bị. Khi có hãng hàng không phải đổi đường bay vì thời tiết cũng chưa có quy trình giám sát, báo cáo cụ thể; có quá nhiều chủng loại xe đẩy hành lý, nhiều xe đẩy trong tình trạng hư hỏng vẫn được sử dụng chiếm dụng diện tích khu vực làm thủ tục; hộp thư góp ý tại sân bay Nội Bài, Vietnam Airlines còn mang tính hình thức, không có giấy, bút.

Trong khi đó, tại sân bay Tân Sơn Nhất, do trong giai đoạn sửa chữa, nâng cấp Nhà ga đi nội địa nhưng chưa có phương án khai thác cụ thể nên thường xuyên xảy ra tình trạng khách ùn, tắc tại các khu vực làm thủ tục vào giờ cao điểm sáng và chiều.


Một phần nguyên nhân của chậm hủy chuyến cũng do hạ tầng khai thác. (Ảnh: Vietjet Air cung cấp)

Đặc biệt, qua kiểm tra trực tiếp tại nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất ngày 14/7 vừa qua, các hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Paciffic Airlines đều có các chuyến bay bị chậm nhiều giờ gây bức xúc cho hành khách. Các hãng hàng không có thực hiện việc thông báo thông tin chậm chuyến và thực hiện quy định bồi thường, phục vụ hành khách.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện quy định còn một số vấn đề tồn tại như tin nhắn, điện văn, thông báo tại nhà ga cho hành khách không xin lỗi và không có thông báo việc bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách; một số tin nhắn, thông báo không có lý do chậm chuyển, hủy chuyến.

“Có hiện tượng thời gian khởi hành dự kiến đối với các chuyến bay bị chậm được các hãng thông báo, phân nhỏ thành nhiều lần để tránh việc thực hiện nghĩa vụ của nhà vận chuyển đối với các chuyến bay bị chậm,” ông Võ Huy Cường tiết lộ.

Ngoài ra, theo báo cáo của Tổ kiểm tra, giám sát, khu vực đường lăn, đường cất hạ cánh của một số sân bay chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến máy bay mất nhiều thời gian lăn bánh ra đường cất hạ cánh như tại Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, tại Tân Sơn Nhất có những thời điểm tàu bay phải mất 20-30 phút mới ra được đầu đường cất hạ cánh. Tuy vậy, tình trạng này không thể giải quyết ngay…

Xây dựng thời gian bay phù hợp với hạ tầng

Ghi nhận ý kiến, phản hồi của hành khách về các chuyến bay bị chậm, ông Cường cho rằng, hành khách đi tàu bay khi gặp sự cố này đều thông cảm và chia sẻ với ngành hàng không về những khó khăn liên quan đến hạ tầng ở Cảng.

Tuy nhiên, hành khách đề nghị các hãng hàng không thay đổi cách thức, nội dung thông báo theo hướng tôn trọng và xin lỗi hành khách; đại diện của hãng hàng không trực tiếp làm việc với hành khách trong các trường hợp chuyến bay bị chậm, hủy để có thông tin chính xác về chuyến bay; chủ động thực hiện nghĩa vụ của hãng vận chuyển đối với quyền lợi của hành khách trong những trường hợp này.

“Việc phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong toàn ngành hàng không chưa tốt, chỉ ưu tiên cho lợi ích của đơn vị, doanh nghiệp mình, không quan tâm tới các đề nghị, yêu cầu phối hợp, giúp đỡ giải quyết khó khăn của các đơn vị bạn trong dây chuyền vận chuyền hàng không, thậm chí coi những khó khăn của bên kia là lợi thế cạnh tranh của mình,” Tổ trưởng tổ kiểm tra, giám sát Võ Huy Cường cho biết thêm.

Để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách cũng như giảm thiểu các nguyên nhân chủ quan gây nên tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến, Tổ kiểm tra, giám sát kiến nghị Cục Hàng không thành lập Tổ nghiên cứu các nguyên nhân chậm, hủy chuyến để tìm ra nguyên nhân "gốc rễ" gây nên tình trạng này.

Tổ giám sát cũng đề nghị Cục Hàng không giao các phòng liên quan và các hãng hàng không tính toán lại thời gian quay đầu tàu bay để đưa ra khung thời gian thích hợp, phù hợp với năng lực kế cấu hạ tầng của các sân bay, thời gian hoàn thành trước ngày 15/8.

Đặc biệt, Cục Hàng không giao Thanh tra hàng không phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Bắc xác minh, đánh giá cụ thể về việc hủy chuyến bay của Vietnam Airlines trong giai đoạn từ 11 đến 17/7 trên đường bay Đồng Hới-Hà Nội do có dấu hiệu dồn chuyến vì lý do thương mại.

Ngoài ra, Tổ kiểm tra, giám sát cũng kiến nghị Cục trưởng cho phép tổ chức thực hiện một đợt kiểm tra tiếp theo tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng trong 2 ngày 31/7 và 1/8 tới đây./.

Trước đó, tại báo cáo sơ kết công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ về phục vụ hành khách sáu tháng đầu năm 2014 của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, các hãng hàng không nội địa có tỷ lệ chậm, hủy chuyến trên tổng số chuyến bay chiếm tới 25% tính đến hết tháng Năm.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không đưa ra 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến tăng cao gồm: Khai thác của các hãng hàng không; dịch vụ và trang thiết bị (kết cấu hạ tầng) tại cảng hàng không; an ninh hàng không; quản lý, điều hành bay và các nguyên nhân khác (thời tiết, chim chóc, đặc điểm vùng trời hẹp…). Trong số đó, nguyên nhân do khai thác của các hãng hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất (72,7%).

Việt Hùng
theo Vietnam+

Từ khóa: