Chuyển đổi số là thời cơ cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, để chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Đó là các vấn đề về quyết tâm chính trị, hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và hạ tầng số.
Tại diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế như: đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu làm suy giảm tăng trưởng kinh tế; mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh; nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình; và già hóa dân số.
“Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số,” Thứ trưởng nhấn mạnh. “Trên thế giới, các chuyên gia đang đánh giá chuyển đổi số như là chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững. Gần đây, khái niệm “Chuyển đổi kép” tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh đã được Liên minh châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai.”
“Trong quá trình xây dựng các chiến lược, Quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Khoa học Công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm.
Bên cạnh chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là định hướng xuyên suốt mà Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Đối với các doanh nghiệp, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã ký kết, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Đây là sức ép và cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để được thị trường chấp nhận.
Ông Lê Trọng Minh Tổng Biên tập báo Đầu tư đánh giá, nếu cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố trọng tâm trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, thì chuyển đổi số là một động lực giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các công nghệ số hiện đại để đẩy nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và thị trường tiêu thụ, trong khi vẫn có thể tăng cường khả năng giám sát và quản lý môi trường, giảm thiểu được sự tiêu hao năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của mình trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh.
Cũng tại diễn đàn, Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar cho biết, mỗi quốc gia và thị trường đều có cách thức và lộ trình riêng, và Việt Nam được đánh giá rất cao là một trong những điểm đến đầu tư năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới nhờ nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng và chiến lược tập trung vào Chuyển đổi số trên toàn quốc. Ericsson hoàn toàn ủng hộ và cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được tầm nhìn quan trọng này.
“Chúng tôi tự hào là đối tác chiến lược dài hạn, đáng tin cậy và có giá trị của Việt Nam, và luôn chia sẻ những hiểu biết, chuyên môn và kinh nghiệm toàn cầu của chúng tôi với Việt Nam. Tương lai của ngành công nghệ thông tin – truyền thông là chuyển đổi số trên tất cả các ngành và chúng tôi cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế thông qua năng lực 4G và 5G của chúng tôi, cũng như 6G trong tương lai.
Chúng tôi cũng thấu hiểu và đánh giá cao tầm quan trọng của chuyển đổi số được hỗ trợ bởi 5G như một hạ tầng số quốc gia quan trọng, là nhân tố chính giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả trong tất cả các ngành, đặc biệt là sản xuất/chế tạo, hậu cần, nông nghiệp và năng lượng và nhiều ngành khác.
Ericsson cam kết đồng hành cùng Việt Nam và chúng tôi mong đợi những thập kỷ tới cũng như những cơ hội mà nó sẽ mang lại khi Việt Nam nỗ lực trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao, một quốc gia công nghiệp phát triển toàn diện và thực sự là một 'nền kinh tế rồng' vào năm 2045 – là năm kỷ niệm Kỷ niệm 100 năm Độc lập của Việt Nam”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.
Hiện nay, trên thế giới, 5G và hệ sinh thái ứng dụng của 5G đang góp phần tích cực đổi mới, thúc đẩy quá trình đổi số sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau và ngày càng trở thành động lực chính cho quá trình chuyển đổi số.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chính phủ Việt Nam với tầm nhìn "Cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G là động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong cuộc CMCN 4.0" đã đặt ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, nền kinh tế số chiếm 20% GDP; Phủ sóng băng rộng cáp quang đến 80% hộ gia đình; Dịch vụ 5G và điện thoại thông minh trở thành phổ biến; Thanh toán điện tử chiếm hơn 50%; Đến năm 2030, Việt Nam phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.
"Thúc đẩy sự phát triển của 5G sẽ đẩy nhanh quá trình tích hợp, ứng dụng và thương mại hóa các công nghệ cao, công nghệ mới, từ đó tạo ra nhiều doanh nghiệp mới, mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi từ quản lý đến phương pháp sản xuất, giúp gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh cho các ngành công nghiệp truyền thống. Đồng thời, sẽ tăng tốc hiện đại hóa năng lực quản trị, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân", ông Nguyễn Phong Nhã nhìn nhận.
Ông Madhav Joshi, Giám đốc Nhà máy Giải pháp Phân phối Điện ABB: "Trong chuyển đổi số, cơ hội nhiều hơn khó khăn"
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng mang tính tự nhiên. Chúng tôi đã chuyển đổi số trong nhiều thập kỷ và quá trình này được thể hiện ở mọi góc cạnh, từ hệ thống quản lý điện năng và năng lượng tại nhà máy cho tới tăng cường hiệu suất làm việc…
Với ABB, có 3 xu hướng lớn đang diễn ra trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Thứ nhất là dữ liệu và xử lý dữ liệu. Thứ hai là công tác tổ chức nhân lực, dịch chuyển về con người. Thứ ba là tăng trưởng bền vững hơn.
Trong quá trình chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy có nhiều cơ hội hơn là khó khăn. Tuy nhiên, một số yếu tố khiến các doanh nghiệp cảm thấy lúng túng, trong đó có việc chưa nhận thức rõ ràng về những lợi ích của quá trình. Bên cạnh đó, an ninh mạng cũng là mối bận tậm. 75% dữ liệu trong quá trình sẽ được xử lý bên ngoài, cần biện pháp đảm bảo an toàn dữ liệu. Con người cũng là vấn đề, chúng ta cần tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, có cách tiếp cận nhất quán.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống