Sự kiện hot
10 năm trước

Chuyện "vua" bùa với bí kíp huyền thuật khiến vật rơi tìm về chủ cũ

Nói tới Già làng Ya Bá (71 tuổi, thôn MaKin, xã Đauyn, H. Đức Trọng, Lâm Đồng) dường như không ai không biết, dù cho nơi ông ở nằm lọt thỏm trong vùng rừng núi hoang vu của xứ cao nguyên này.

Nói tới Già làng Ya Bá (71 tuổi, thôn MaKin, xã Đauyn, H. Đức Trọng, Lâm Đồng) dường như không ai không biết, dù cho nơi ông ở nằm lọt thỏm trong vùng rừng núi hoang vu của xứ cao nguyên này. Với người Chu Ru bản địa, ông có vị trí tinh thần cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, điều làm dân làng ngưỡng mộ và tôn sùng là ông luyện được bí kíp huyền thuật mà dân gian gọi là bùa.


Già làng Ya Bá. Ảnh T.G

Duyên nợ kỳ lạ đến với vai trò thầy bùa

Chiều chạng vạng, mặt trời lùi dần về đằng Tây chúng tôi vào bản Ma Boo để gặp già làng Ya Bá, một trong những thầy bùa hiếm hoi còn sót lại của đồng bào Chu Ru. "Tìm thầy Ya Bá phải không? Lại mất đồ chứ gì? Cứ gặp thầy là tìm được ngay. Hôm nay nhiều khách tìm tới lắm", người bán nước đầu thôn chỉ đường cho chúng tôi. Người này cũng không dấu được niềm tự hào cho biết, Ya Bá không chỉ nổi tiếng về huyền thuật kỳ lạ mà còn được dân bản trân trọng vì đức độ hơn người. Ông suốt đời làm việc thiện, vận dụng sự kỳ diệu của bùa để giúp đỡ mọi người.

Khi chúng tôi tới nhà Ya Bá thì rất đông người đã tập trung ngồi ở chiếc lán tranh dựng tạm chờ đến phiên. Có những người ở huyện lân cận, nhưng phần lớn đến từ các tỉnh khác, song có một điểm là tất cả đều bị mất của, muốn nhờ thầy Ya Bá giúp tìm lại tài sản. Kiên nhẫn chờ đến 2 giờ đồng hồ, khi khách đã vãn, chúng tôi mới được diện kiến vị thầy bùa được người dân tôn sùng này. Biết chúng tôi là phóng viên, già làng Ya Bá vui mừng đón tiếp, rồi tiện thể "quảng bá" tất cả những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình bằng niềm tự hào. Thế nhưng, khi người viết đề cập đến chuyện bùa chú thì ông hơi khiêm tốn, bởi nguyên tắc của người làm bùa theo phong tục dân tộc mình là không chia sẻ về mặt chuyên môn. Ya Bá chỉ đồng ý tiết lộ câu chuyện bản thân đến với bùa và cách thức tìm vật mà hàng chục năm qua ông đã làm.

Theo như vị già làng kể, ông là người Chu Ru bản địa, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tuổi thơ nghèo khổ, phải lặn lội chốn rừng thiêng nước độc để mưu sinh. Ya Bá kể, lúc mới 13 tuổi thì bị một trận ốm tưởng không thể qua khỏi. Sau cơn "thập tử nhất sinh" ấy ông thấy bản thân có những biến đổi rõ rệt, lúc nào đầu óc cũng u, mê như như người không hồn. Một ngày nọ, ông bỏ nhà đi lang thang trong rừng sâu, hành trình ấy kéo dài suốt 3 năm liền. Điều vô cùng lạ là trong suốt thời gian này Ya Bá không hề ăn cơm mà chỉ uống nước và ăn trái rừng để sống.

Cuộc sống hoang dã cứ trôi đi, cho đến năm thứ 4 thì ông lạc vào một khu rừng có tên là Lạc Lai và đó cũng là cơ duyên đưa ông đến với bùa. "Tôi đến một vùng rừng sâu hoang vu thì gặp được một người lạ, ông ấy có những pháp thuật kỳ diệu gọi là bùa, còn biết chữa bệnh nữa. Tôi được nhận làm đệ tử, khi ông ấy chết thì đã truyền lại tất cả cho tôi", Ya Bá nhớ lại. Năm 1960, Ya Bá tìm đường trở về bản làng trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người. Cũng từ đó ông bắt đầu cuộc đời bí ẩn của mình với một vai trò khác là thầy bùa. Ông tìm vật rơi giúp mọi người, được dân làng biết ơn mến mộ. "Nếu nói thì có thể ví theo lối hiện đại là giống như khả năng ngoại cảm. Nhưng tôi khẳng định đó không phải là chuyện ma quỷ, hay mê tín dị đoan gì. Mọi việc làm của tôi đều tuân theo nguyên tắc làm bùa từ tổ tiên, xuất phát từ cái tâm, nếu làm sai thì có Yàng phạt", Ya Bá bày tỏ.

Lý giải về việc tại sao ông lại có thể tìm lại được những vật, người bị thất lạc mà chưa từng hay biết gì về nó. Vị thầy bùa lý giải: "Tôi cho rằng đồ vật hay con người gì cũng có linh hồn (nguyên tắc vạn vật hữu linh, có vật có khí?- PV). Vật sau thời gian được sở hữu thì nó có mối liên hệ vô hình với chủ. Nếu đồ vật bị mất trộm hay thất lạc, tôi chỉ cần biết thông tin về nó rồi nhập vào đồ vật làm "nóng" nó lên, vật ấy tự thấy "nhớ" nhà, nhớ chủ thì sẽ tìm cách trở về".

Luyện tập rất khổ hạnh

Già làng Ya Bá cho chúng tôi xem bộ "đồ lễ" mà hàng chục năm qua ông gìn giữ để hành nghề. Đó là 2 quả trứng, một chén gạo, 3 cây nhang. Theo Ya Bá thì đó là đồ lễ cố định buộc phải có, ngoài ra tùy vào thân chủ bị mất cắp mà ông xếp thêm lễ cho phù hợp. Ông nói: "Lễ vật là do tôi đề ra nhưng tất cả đều rất đơn giản, đó chỉ là chai rượu, ít trái cây, cùng lắm chỉ là con gà. Đó là vật "dẫn" để đồ thất lạc nhập vào gia đạo tìm đường trở về nhà".




Đồ dùng thức hiện lễ cúng. Ảnh T.G

Chuyện thầy Ya Bá "hành đạo giúp đời" không cầu tiền bạc lan rộng khắp các bản làng Chu Ru, vượt khỏi những dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đức Trọng. Trong các câu chuyện người ta đồn thổi về Ya Bá nổi bật hơn cả vẫn là việc ông từng làm bùa giúp công an triệt phá vụ án giết người cướp của gây rúng động địa phương này mấy năm trước. Câu chuyện đã qua gần ba năm, nhưng những chi tiết vụ việc, quá trình phá án vị già làng vẫn còn nhớ như in. Ya Bá kể, đó là vào năm 2009, tại xã Tà Năng (Đức Trọng) xẩy ra vụ án mạng kinh hoàng. Bà Năng (một người giàu có tại xã) bị kẻ thủ ác giết hại, sau đó dùng xăng thiêu rụi cả căn nhà lẫn xác để phi tang, không để lại bất cứ manh mối gì.

Nhận được tin, cơ quan Công an huyện Đức Trọng, Công an tỉnh Lâm Đồng tức tốc vào cuộc tìm kiếm manh mối về hung thủ nhưng nhiều ngày vẫn bặt vô âm tín. Vì quá sốt ruột, ông Hương (chồng bà Năng) đã tìm đến nhờ thầy già Ya Bá đề nghị giúp đỡ và được ông nhận lời ngay. Ya Bá yêu cầu ông Hương lấy một nắm đất nơi sàn nhà bị cháy đến, vận dụng nghi thức tìm vật để áp dụng. Sau hơn một ngày thì vị thầy bùa đưa ra những đoán định, miêu tả đặc điểm nhận dạng cơ bản, chỉ hướng đối tượng lẫn trốn. Những thông tin này nhanh chóng được ông Hương cung cấp cho cơ quan công an huyện Đức Trọng.

Trên cơ sở đó, các điều tra viên đã đi vào xác minh, thì quả thật tìm đúng hung thủ. Theo đó, tên này chính là người giúp việc cho bà Năng, vì thiếu tiền nên hắn giết nạn nhân, sau đó lấy 3 triệu đồng để đi mua điện thoại. Sau khi có đầy đủ bằng chứng phạm tội, đối tượng nhanh chóng bị công an bắt để phục vụ công tác điều tra. Sau vụ hỗ trợ phá án kỳ diệu ấy tên tuổi của vị thầy bùa ngày càng uy tín hơn. "Nhiều người bảo đó là mê tín, nhưng tôi luôn theo nguyên tắc tìm vật mà dân tộc Chu Ru truyền lại, cùng khả năng giác quan của tôi, điều này cơ quan công an đều ghi nhận", Ya Bá tâm sự.

Ya Bá cho biết, để có được huyền thuật như ngày hôm nay ông phải trải qua quá trình luyện rất khổ hạnh. Ông cho biết không ăn thịt khỉ, cua, ốc… không được đến nhà mồ. Ya Bá không giải thích rõ, nhưng ông khẳng định nếu vi phạm sẽ mất công năng làm bùa, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Điều mà vị thầy bùa trăn trở nhất là đến nay vẫn chưa tìm ra được người kế truyền. Ông bảo, trong giới làm bùa, không phải ai muốn học cũng được mà phải có duyên. Theo sự giải thích của Ya Bá, duyên ở đây ngoài đạo đức, tâm tánh, kiên nhẫn rèn luyện và quan trọng phải có một khả năng đặc biệt nữa, có như vậy mới trở thành thầy bùa. Nhưng không vì chưa có đệ tử mà mà vị thầy bùa buồn lòng, ông cho biết ngày ngày vẫn dùng khả năng của mình giúp đỡ mọi người. Với ông đó là sứ mệnh mà Yàng đã tin cẩn giao phó.

Vị thầy còn là nghệ nhân cồng chiêng

Không những là thầy bùa nổi tiếng, vị già làng được dân bản tin yêu, kính trọng. Ya Bá còn là lão thành cách mạng, ông từng tham gia lãnh đạo dân quân du kích tại địa phương chiến đấu thời kháng chiến chống Mỹ. Chính vì vậy ông được nhân dân tin yêu bầu làm Chủ tịch hội cựu chiến binh kiêm hội Trưởng hội người cao tuổi xã Đauyn. Không những thế, Ya Bá còn là một nghệ nhân cồng chiêng nổi tiếng với nhiều lần được vinh danh tại các đại hội dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hằng năm.

Kỳ tới: Y thuật kỳ lạ của lão thầy bùa một đời chữa bệnh cứu người.

Huy Hùng - Công Thông
theo GĐ&XH

Từ khóa: