Sự kiện hot
5 năm trước

Cô gái gìn giữ hồn Trà Việt

“Mỗi bàn trà tôi bày ra đều có chủ ý với người đối diện, mỗi cái chén tôi lựa dùng đều theo một sự hài hòa tôi thấy được trong cuộc trà. Tôi thấy cái đẹp trong khoảnh khắc chờ nước pha trà, trong tiếng nước reo, hay dòng nước có hương vị được trút xuống chén tống. Tôi thấy những bức tranh, những nhịp điệu trên bàn trà, qua mùa trà, mùa hương, qua những thời trong ngày, qua những bàn tay, tay người và tay tôi”.

Từ xa xưa, uống trà đã trở thành thói quen không thể thiếu của người Việt. Nhưng, để trà trở thành một nghệ thuật trong văn hóa của người Việt giống như văn hóa trà của người Nhật Bản thì có vẻ là một bước đường khó khăn. Trong cuộc sống ngày càng hối hả như bây giờ thì việc ngồi quây quần bên chén trà ấm, chậm rãi nhấp từng ngụm nhỏ để cảm nhận những hương vị khác ngoài cái đắng nơi đầu lưỡi, và ngọt lịm nơi cuống họng quả thật là khó.

Chỉ cần có duyên, trà sẽ là chất dẫn, chất xúc tác mạnh nhất cho những người yêu trà lại gần với nhau
Chỉ cần có duyên, trà sẽ là chất dẫn, chất xúc tác mạnh nhất cho những người yêu trà lại gần với nhau

Nhưng trong cái xô bồ, bận rộn của cuộc sống ấy, đâu đó, vẫn có những con người thầm lặng thổi hơi ấm cho tình yêu trà, góp phần nuôi dưỡng và gìn giữ tình yêu trà cho thế hệ trẻ. Mặc dù sinh ra ở thế hệ 8X, tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Vũ Thiên Tân (sinh năm 1985) lại có một đam mê đặc biệt với trà. Tân đến với trà như một cái duyên tiền định.

Nằm trên căn gác nhỏ của một khu chung cư cũ, nhà của Tân mang một nét cổ kính rất riêng biệt. Không giống những căn hộ tập thể cũ của Hà Nội luôn mang vẻ tối tăm, ẩm ướt với những bức tường bong tróc, bước vào nhà Tân là sự ấm áp tới kỳ lạ với cách bài trí cổ điển, sử dụng những ấm pha trà, chén, hũ làm chủ đạo. Tân không xinh, nhưng có đôi mắt rất đặc biệt, luôn mở to và nhìn thẳng vào người đối diện. Cách nói nhẹ nhàng, tươi tắn Tân khiến người đối diện như bị chìm dần vào chén trà xanh sóng sánh, thấm dần từ vị đắng chát tới ngọt lịm.

“Mỗi bàn trà tôi bày ra đều có chủ ý với người đối diện, mỗi cái chén tôi lựa dùng đều theo một sự hài hòa tôi thấy được trong cuộc trà”
Chỉ cần có duyên, trà sẽ là chất dẫn, chất xúc tác mạnh nhất cho những người yêu trà lại gần với nhau

Không giống những người khác, Tân đến với trà như một cái duyên tiền định. Là một nhân viên in ấn, công ty của Tân nhận hợp đồng in ấn cho một quán trà nhỏ. Công việc khiến Tân tới quán trà đó vài lần. Những lần tới quán trà nhỏ đó đã giúp Tân bén duyên với trà. Thích trà, Tân mang trà về uống và bắt đầu tìm hiểu về trà.

Càng tìm hiểu, càng khám phá, cô gái trẻ càng nhận ra rằng, những gì mình biết trước kia về trà không phải chỉ có vị đắng chát, không phải chỉ là đơn thuần là những lá trà đã khô queo, mang một mầu đen mốc, xấu xí. Mà chứa đựng trong đó là những câu chuyện, những điều thực sự rất tuyệt vời.

Rời bỏ công ty in ấn, Tân chính thức dành cả cuộc đời mình cho trà. Khi đó, Tân chỉ nghĩ đơn giản một điều, mỗi sáng thức giấc, đều được ngồi bên thềm, nhẹ nhàng thả vào từng ngụm trà ngọt một chút suy tư của ngày mới. Những ngày rong ruổi, tìm hiểu về vùng nguyên liệu trà, loại trà, cách làm trà, khiến Tân quên hết cuộc sống bon chen, xô bồ của cuộc sống hiện đại.

Tân tươi cười chia sẻ, như bao bạn trẻ khác, khi nghĩ tới trà khô là nghĩ ngay tới vị chát chát, đắng đắng, là nghĩ ngay tới trà Tân Cương – Thái Nguyên. Nhưng khi đã bén duyên với trà rồi, Tân mới hiểu rằng, Việt Nam mình là một vùng nguyên liệu trà rất rộng lớn và phong phú. Vùng nguyên liệu trà trải rộng khắp các tỉnh phía Bắc, cho tới các tỉnh Tây Nguyên, phía Nam. Tuy vậy, mỗi lá trà và cách sao trà, sẽ tùy thuộc vào thói quen uống, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mà cho ra vị trà khác biệt.

Trà ướp hoa được Tân nắn nót, tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ
Chỉ cần có duyên, trà sẽ là chất dẫn, chất xúc tác mạnh nhất cho những người yêu trà lại gần với nhau

Góc nhỏ “Tân House” của Tân cũng chỉ với mục đích tạo một không gian nhỏ cho những người yêu trà được tụ họp, đàm đạo về trà, nuôi dưỡng tình yêu trà và nhân rộng tình yêu đó. Tuy nhiên, cô chia sẻ, những bạn đến với Tân’s House chủ yếu là những bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, lĩnh vực thực phẩm sạch, nông nghiệp sạch. “Người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ có thói quen uống trà, điển hình là trà đá vỉa hè. Tuy nhiên, họ lại không có thói quen thưởng thức trà, coi trà như một nét nghệ thuật trong văn hóa ẩm thực của người Việt”. Đặc biệt, với vùng nguyên liệu dồi dào, khí hậu và thổ nhưỡng cực tốt để phát triển ngành trà thành một nét văn hóa của người Việt, nhưng người có tâm thực sự với trà lại rất ít.

Có những người, sống trong vùng trồng trà, lớn lên với trà, nhưng họ không yêu trà, họ chỉ làm trà, kinh doanh trà như một nghề cha truyền con nối. Họ phụ thuộc rất nhiều vào máy móc, công nghệ. Cái mà họ quan tâm ở đây là giống trà này mang lại sản lượng bao nhiêu một năm, dùng cách chế biến nào để ra sản phẩm nhanh và đỡ tốn kinh phí, dùng loại máy móc nào để làm trà nhanh, lại mang lại một sản phẩm bắt mắt, như lá trà sao xong đẹp, không bị nát vụn, nước trà khi pha phải có màu xanh.

Nhưng cái mà người yêu trà quan tâm lại là cách lựa nguyên liệu trà, sao trà để gọi vị của loại trà đó một cách tốt nhất và cách pha trà để cho ra chén trà đúng vị.

Để ướp hương hoa cho trà, Tân phải dành nhiều cảm xúc để hiểu về hương hoa và nét đẹp của loài hoa đó
Chỉ cần có duyên, trà sẽ là chất dẫn, chất xúc tác mạnh nhất cho những người yêu trà lại gần với nhau

Tân tâm sự, mỗi năm cô đều dành ít nhất 1 tháng lên Tà Xùa – nơi nổi tiếng với giống trà quý hiếm, vị ngon. Tân dành rất nhiều tâm huyết để lựa trà và sao trà. Mỗi cánh trà hái về, nhất thiết phải được sao ngay, không được để qua đêm. Hầu như, mỗi lần lên núi hái trà cùng người dân bản về, Tân lại dành nguyên cả đêm để tự tay sao những cánh trà đó, bằng bếp lửa của người dân tộc. Mỗi một vụ trà Tà Xùa, Tân không hái được nhiều, chỉ được khoảng 1 tạ trà Tà Xùa. Thứ trà mà Tân tự tay hái, tự tay sao và mang về Hà Nội đó, Tân đặt cho nó cái tên rất đỗi yêu thương là Lạc Vân – là những đám mây lạc lối nơi đỉnh núi Tà Xùa. Cái tên ấy cũng gợi nên cảm giác của Tân khi lặng lẽ đi bên sườn núi, hái trà và nhìn những đám mây lững lờ trôi nơi núi rừng vùng Tây Bắc.

Số trà đó, Tân không bán rộng rãi, số trà đó chỉ đủ cho Tân bán cho những bạn trà gần gũi và dùng trong các buổi thưởng trà, trong các lễ kỷ niệm đặc biệt đã được những người yêu trà đặt trước, hoặc được Tân nâng niu ướp cùng các loại hoa mà Tân yêu thích.

Tất nhiên, trà trong nhà Tân không chỉ có Tịch Vân, những loại trà Olong, Tân Cương, trà ướp hương… đều được Tân nâng niu và tự tay làm từ đầu tới cuối.

Tân cẩn thận và cầu kỳ trong từng chi tiết nhỏ. Để ướp hương hoa cho trà, Tân phải dành nhiều cảm xúc để hiểu về hương hoa và nét đẹp của loài hoa đó. Tân không thích cách ướp công nghiệp, mỗi một loại hoa, khi ướp vào trà phải mang được cái đặc trưng tuyệt vời của hoa đó. Như hoa ngọc lan, với màu trắng kiêu sa, mùi hương thanh, ngọt sắc, cao vút như cái vẻ ngoài của nó. Tân chọn ướp với trà Olong, loại trà mà theo Tân có vị trong sáng, không bảo thủ. Vì vậy, khi ướp cùng ngọc lan, hương ngọc lan mới phát tác được cái hương kiêu sa của nó.

Tân chia sẻ, từ khi đến với trà, yêu trà, dần dần Tân hiểu ra sự bình đẳng trong tạo hóa. Tân dành toàn bộ tâm huyết của mình cho trà, nhưng qua trà, Tân lại cảm nhận được con người, vạn vật, một cách rất rõ ràng. “Trong cuộc sống bận rộn này, người ta quên đi rằng, ngoài lời nói ra, có rất nhiều cách để thể hiện cảm xúc. Khi tâm tĩnh, người ta dễ dàng cảm nhận được các tín hiệu được phát ra từ xung quanh. Với Tân, khi cùng mọi người ngồi bên ấm trà, nhâm nhi những ly trà ấm, thì dù người đối diện có cố giấu tâm tư của họ tới đâu, Tân cũng cảm nhận được”, Tân nói.

Mặc dù được biết đến qua nhiều các buổi nói chuyện về trà, các khóa học “Dẫn trà”, nhưng Tân chia sẻ, cô không có ý muốn được nổi tiếng, tất cả những gì Tân làm chỉ là để gìn giữ hồn trà và lan tỏa tình yêu trà cho thế hệ của Tân và các bạn trẻ bây giờ. Nhà của Tân cũng chỉ với mục đích kết duyên cho những người yêu trà. “Chỉ cần có duyên, trà sẽ là chất dẫn, chất xúc tác mạnh nhất cho những người yêu trà lại gần với nhau”, Tân cười nói.

Hà Kim
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: