Sự kiện hot
6 năm trước

'Cổ phần hoá' bài hát, fan cũng có thể hưởng tác quyền cùng nghệ sĩ

Mỗi ca khúc của Justin Bieber, Rihanna hay Beyonce giờ được coi là một công ty, có lời lỗ từ tiền tác quyền và còn có thể bán cổ phần.

Mỗi ca khúc của Justin Bieber, Rihanna hay Beyonce giờ được coi là một công ty, có lời lỗ từ tiền tác quyền và còn có thể bán cổ phần.

Chuyện thường ở các hãng thu âm là đầu tư cho một nghệ sĩ, đổi lại một khoản trích thu nhập bản quyền tác phẩm và những hoạt động về sau của họ. Nhưng ngay cả một fan đơn thuần giờ đây cũng có thể hưởng tiền tác quyền của nghệ sĩ, thông qua việc mua cổ phiếu bài hát tại London.

Quỹ Hipgnosis Songs Fund được niêm yết trên thị trường chính của Sở giao dịch chứng khoán London hôm 11/7. Danh mục đầu tư với hy vọng cho ra lợi nhuận lâu dài của quỹ này không gồm loạt doanh nghiệp mà mà là các bài hát.

Xem mỗi ca khúc như một công ty, họ mua bản quyền và các nhà đầu tư vào quỹ lời lỗ phụ thuộc vào mức thu nhập tác quyền của chúng.

Nhà sáng lập Merck Mercuriadis (trái) và nghệ sĩ cố vấn Nile Rodgers tại sàn London ngày phát hành cổ phiểu quỹ bài hát. Ảnh: London Stock Exchange.

Nhà sáng lập Merck Mercuriadis (trái) và nghệ sĩ cố vấn Nile Rodgers tại sàn London ngày phát hành cổ phiếu quỹ bài hát. Ảnh: London Stock Exchange.

Quỹ Hipgnosis Songs Fund do Merck Mercuriadis sáng lập mùa hè năm ngoái và được rót tới 200 triệu bảng Anh (260 triệu USD), hướng đến mua một bộ tác phẩm của các tên tuổi như Adele, Kanye West hay Bruno Mars. Ông Mercuriadis chính là cựu quản lý của hàng loạt nghệ sĩ nổi danh toàn cầu như Elton John, Beyonce và ban nhạc Guns N' Roses.

Hipgnosis thông báo đã sở hữu 75% cổ phần bộ sưu tập bài hát của nhà sản xuất kiêm rapper The-Dream. 25% cổ phần còn lại do chính nghệ sĩ người Mỹ nắm giữ. Trong danh sách 302 ca khúc The-Dream sáng tác, đồng sáng tác hoặc góp vai sản xuất này, có 25 bài  từng đứng top 10 Billboard và 4 bài thắng giải Grammy. Những hit đình đám một thời như Baby của Justin Bieber, Umbrella của Rihanna và Single Ladies của Beyonce mà anh đứng sau giờ cũng về tay Hipgnosis.

Công ty phải trả khoảng 24 triệu USD để đổi lấy cổ phần khối tác phẩm âm nhạc đồ sộ này.

Chia sẻ với CNBC, ông Mercuriadis dự định trong vòng 9 tháng chi 92,7 triệu USD trong tổng vốn 260 triệu USD huy động được ban đầu, để đầu tư toàn bộ vào mua bài hát. Nhà sáng lập tham vọng đưa tổng giá trị thị trường của chúng lên 1,3 tỷ USD (1 tỷ bảng Anh).

Ông nói: "Với con số 1 tỷ bảng, chúng tôi sẽ ngang ngửa 18-19% tổng giá trị phát hành toàn cầu. Bấy giờ, chúng tôi sẽ có tiếng nói quan trọng để tạo ra ảnh hưởng".

Fan của Rihanna giờ cũng có thể nắm quyền sở hữu bài hát của cô. Ảnh: W Magazine.

Fan của Rihanna giờ cũng có thể nắm quyền sở hữu bài hát của cô. Ảnh: W Magazine.

Tiền tác quyền được trả cho người sáng tác mỗi lần ca khúc của họ được biểu diễn trước công chúng (gồm cả trên các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến).

Tác quyền là lĩnh vực cho lợi nhuận hấp dẫn vì phụ thuộc vào thói quen nghe nhạc của mọi người, yếu tố độc lập với điều tiết trên sàn chứng khoán. Nói cách khác, các bài hát là những mối đầu tư trường tồn, cộng với sự bổ trợ của các dịch vụ phát trực tuyến ngày nay, tiềm năng kiếm lời từ chúng có thể kéo dài hàng thập kỷ.

Tận dụng sự lên ngôi của các dịch vụ streaming nhạc như Spotify, Hipgnosis nhìn nhận doanh thu từ phát nhạc trực tuyến đang nhanh chóng thay thế tiền bán đĩa hay cho download nhạc.

Họ cho rằng việc người nghe dần chuyển từ tải nhạc lậu sang nghe streaming hợp pháp là thời cơ hiếm có. Mạng xã hội cũng góp phần lan truyền nhạc, hứa hẹn thu nhập tác quyền tăng và từ đó, đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư vào quỹ. Mặc dù vậy, công ty này thừa nhận rủi ro là ngành công nghiệp âm nhạc có đặc thù thay đổi nhanh xu hướng, vì vậy đời sống tương lai của mỗi ca khúc khó nắm bắt.

Về phía nghệ sĩ, đây được xem là cách giúp họ nhờ cậy vào sản phẩm cũ để có nguồn tài chính thực hiện những dự án mới, theo phương thức linh hoạt hơn thay vì phát hành truyền thống hay qua hợp đồng với hãng thu âm.

Việc đầu tư vào quỹ Hipgnosis có nghĩa người bỏ tiền nắm trong tay cổ phần danh mục bài hát quỹ sở hữu.

Nhạc sĩ/nhà sản xuất Nile Rodgers, người đóng vai cố vấn ban quản trị công ty, giải thích: "Mỗi ca khúc đều có thể sinh ra một báo cáo lời - lỗ, chẳng qua người ta không nhận biết. Từng bài hát được hiểu là một công ty độc lập. Vì vậy, tăng trưởng theo cấp số nhân sẽ nằm trọng tâm mô hình kinh doanh của chúng tôi".

Nile Rodgers là cái tên vô cùng uy tín trong làng nhạc khi từng hợp tác ra hit với toàn huyền thoại như David Bowie, Michael Jackson và Mick Jagger.

Tham gia quảng bá sự kiện IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Hipgnosis, ông Rodgers phát biểu rằng chính các nhạc sĩ đôi khi không ý thức đầy đủ giá trị đứa con tinh thần của mình. Hipgnosis hiện lạc quan với sứ mệnh khai thác hơn nữa giá trị các ca khúc trong bối cảnh thế giới streaming ngày càng rộng mở.

Với mã chứng khoán SONG, mỗi cổ phiếu quỹ này được chào bán ngày ra mắt 1,3 USD, giúp công ty có giá trị ban đầu trên thị trường là 275 triệu USD.

Quốc Việt

Theo ngoisao.net/ VnExpress

Từ khóa: