Sự kiện hot
13 năm trước

CPI tháng 11 được dự báo tiếp tục giảm tốc

Sau mức dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 có thể tăng khoảng 0,2-0,3% của tổ điều hành thị trường trong nước, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) mới đây cũng nhận định: “CPI tháng 11 tiếp tục vận động theo xu thế giảm tốc độ tăng”.

Sau mức dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 có thể tăng khoảng 0,2-0,3% của tổ điều hành thị trường trong nước, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) mới đây cũng nhận định: “CPI tháng 11 tiếp tục vận động theo xu thế giảm tốc độ tăng”.


Nguồn cung thực phẩm dồi dào đang tác động làm giá giảm.

Góc độ tích cựctrong dự báo của Cục Quản lý giá được lý giải bởi hai nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng giá cả thị trường: thứ nhất là sức mua có xu hướng tăng thấp dần; và thứ hai là cung hàng hóa thiết yếu dồi dào hơn trước.

Dẫn nguồn Tổng cục Thống kê, báo cáo tình hình giá cả tháng 10 và dự báo tháng 11 của Cục Quản lý giá lưu ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 10/2011 chỉ còn tăng 1,55% so với tháng trước, mức thấp nhất trong 3 tháng gần đây (tháng 9 tăng 2,18%, tháng 8 tăng 3,59%, tháng 7 tăng 1,7%).

“Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3,88%, thấp hơn mức tăng bình quân 10-15% của các năm thông thường”, báo cáo cho biết thêm.

Ngược lại về phía cung hàng hóa, thực phẩm vốn là yếu tố tác động lớn nhất đến CPI thì đang ở trạng thái dồi dào hơn trước. Sau khi “phong trào” tái đàn chăng nuôi được đẩy mạnh, nay là thời điểm xuất chuồng khiến nguồn cung thực phẩm tăng, tác động làm giá thực phẩm tươi sống tiếp tục giảm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng thịt hơi các loại sản xuất bình quân trong tháng 10 đã tăng gần 8% so với tháng 9. Ngoài ra, nguồn cung thịt còn được bổ sung nhờ lượng thịt đông lạnh nhập khẩu và việc đẩy mạnh bán ra đàn gia súc, gia cầm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do lo ngại lũ lụt và dịch bệnh phát sinh.

Tuy nhiên về cơ bản, giá cả thị trường tháng 11 vẫn sẽ tăng, dù là thấp hơn trước, do nhiều yếu tố tác động cả từ diễn biến giá thế giới, lần các yếu tố nội tại nền kinh tế.

Ở chiều quốc tế, Cục Quản lý giá lưu ý, giá dầu và sản phẩm gốc dầu vẫn ở mức cao và có khả năng nhích lên do tín hiệu phát triển kinh tế thế giới tốt hơn; hay việc xuất khẩu gạo của Thái Lan bị đình đốn do lũ lụt cũng khiến giá gạo có xu hướng nhích nhẹ.

Với các yếu tố trong nước, “quy luật” đẩy mạnh giải ngân cuối năm, hay doanh nghiệp tăng cường sản xuất, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết có thể khởi động sớm từ tháng này do Tết Nhâm Thìn đến sớm.

Tỷ giá cũng đang có xu hướng nhích lên trong những ngày gần đây tác động vào giá thành và giá vốn hàng nhập khẩu. Các mặt hàng dự kiến sẽ bị tác động trong ngắn hạn là thuốc chữa bệnh, khí hóa lỏng, sắt thép…

Ngoài ra, mưa, lụt được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra tại các tỉnh miền Trung; triều cường tại Tp.HCM, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long rút chậm tác động ảnh hưởng nguồn cung lương thực, thực phẩm tươi sống, gây tác động tăng giá.

Các mặt hàng vật liệu xây dựng chính, đặc biệt là xi măng, sẽ tiếp tục ổn định về giá trong tháng 11 do tồn kho lớn. Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xi măng tại thời điểm 1/10 tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê. 

Diệu Hương
Theo VnEconomy

Từ khóa: