Sự kiện hot
10 năm trước

Cuộc chiến đô thị về an toàn vệ sinh thực phẩm và thức ăn đường phố

Tại các đô thị nước ta, việc phát triển loại hình dịch vụ thức ăn đường phố là nhu cầu tất yếu của cuộc sống vì một số lý do như thuận lợi, rẻ tiền, giải quyết công ăn việc làm… Đôi khi thức ăn đường phố còn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà thức ăn đường phố mang lại cũng đồng nghĩa với nhiều nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng.

Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Bộ Y tế phát động chương trình “An toàn vệ sinh thực phẩm” (ATVSTP) từ nhiều năm nay. Hàng năm, Bộ chủ quản và các cơ quan liên quan đã chỉ đạo và triển khai rất rất quyết liệt về các hoạt động đảm bảo VSATTP. Hệ thống các Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được thiết lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Các văn bản xử phạt vi phạm về ATVSTP cũng đã liên tục được ban hành. Có rất nhiều đợt thanh tra, kiểm tra nhưng thực trạng vi phạm VSATTP vẫn tràn lan, ngộ độc thực phẩm vẫn tiếp diễn không ngừng.

Theo thống kê của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, năm 2013 là năm đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng diễn biến phức tạp ở các bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, thức ăn đường phố, bếp ăn gia đình trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân của các vụ việc này chủ yếu là do thực phẩm mất vệ sinh và thiếu an toàn từ các cơ sở chế biến.

“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” - Con số kinh hoàng từ những vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trong năm 2013:

Ngày 5/3/2013: Thành phố Hồ Chí Minh có 150 công nhân cấp cứu

Ngày 5/3/2013, khoảng 150 công nhân Công ty Terratex Việt Nam (tại khu Công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM) xuất hiện các triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu chóng mặt và phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc hủ tiếu từ cơ sở chế biến.


150 công nhân phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc hủ tiếu (Nguồn ảnh: VietQ.vn)

Ngày 23 – 28/5/2013: Bến Tre có 163 người nhập viện

Từ 23 đến 28-5/2013, có 163 người nhập viện do các triệu chứng ngộ độc do ăn bánh mì bị nhiễm các loại khuẩn E. Coli, Coliform và Shigella ở mức cao tại tiệm Minh Tuyến vào chiều tối hôm trước.

Ngày 10/7/2013: Hưng Yên có 100 công nhân công ty may Foremart ngộ độc

Ngày 10/7/2013, hơn 100 công nhân làm việc tại Cty may Foremart nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng và tiêu chảy. Nguyễn nhân cũng do ngộ độc thực phẩm trong quá trình chế biến tại bếp ăn của công ty

Ngày 15/7/2013: Thanh Hóa có hơn 40 du khách nhập viện

Sáng 15/7/2013, tại khu nghỉ mát biển Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, khoảng 40 du khách phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm.

Ngày 20/9/2013: Hà Giang có gần 50 học sinh ngộ độc

Ngày 20/9/2013, 47 học sinh bán trú thuộc hai trường Tiểu học Cốc Pài và THCS xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần, Hà Giang đã nhập viện sau bữa ăn trưa ở trường. Nguyên nhân là do bếp ăn tập thể của các trường học trên chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn vệ sinh quy định, khâu chế biến thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu S.Aureus.

Ngày 4/10/2013: Tiền Giang có gần 1.200 công nhân nhập viện

Sáng ngày 4/10/2013 tại Công ty TNHH Một thành viên Wondo Vina (xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang) có khoảng 1.200 công nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Thủ phạm của vụ ngộ độc tập thể được xác định chính là vi khuẩn Salmonella có trong món thịt viên nhồi trứng cút.



1.200 công nhân nhập viện vì ngộ độc vi khuẩn Salmonella (Nguồn ảnh: VietQ.vn)

Ngày 16/10/2013: Quảng Trị có 400 người ngộ độc bánh mì

Ngày 16/10/2013, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm khoảng 382 người phải nhập viện do ăn bánh mỳ tại tiệm Quang Trung không đạt tiêu chuẩn vi sinh, thực phẩm bị nhiễm khuẩn monella.

Ngày 17/10/2013: Bình Dương có hơn 100 công nhân ngộ độc

Ngày 17/10/2013, các công nhân làm việc ca ba tại Công ty Liên Phát bắt đầu có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Đến sáng ngày 18.10, hàng loạt công nhân đều trong tình trạng đau bụng dữ dội, một số đã ngất xỉu tại chỗ làm. Nguyên nhân được xác định là do thức ăn bị nhiễm vi khuẩn lostridium perfringens.

Ngày 16/11/2013: Hà Tĩnh có 60 người dân ngộ độc

Vào ngày 16/11/2013 có khoảng 60 người dân ở xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn giỗ tại một gia đình. Kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân ngộ độc là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn trong qúa trình chế biến.

Ngày 2-7/12: Rượu nếp 29 Hà Nội gây chết người

Từ ngày 2-7/12 trên địa bàn thành phố Cẩm Phả và Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xảy ra 5 vụ, làm 15 người bị ngộ độc, trong đó 6 người tử vong do sử dụng sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội” có hàm lượng Methanol và Ethanol trong rượu chiếm 80-98% (vượt 1.600 đến trên 1.900 lần giới hạn cho phép).

Trong 4 tháng đầu năm 2014:

Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), cả nước đã ghi nhận 38 vụ ngộ độc thực phẩm làm cho 1.194 người ngộ độc, trong đó có 15 người đã tử vong. Nguyên nhân chính là thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và độc tố tự nhiên. Cục An toàn thực phẩm cảnh báo tình hình ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vào mùa hè nắng nóng.

Nhức nhối thức ăn đường phố

Đã có rất nhiều thông tin trên nhiều phương tiện truyền thống về chủ đề này nhưng “biết rồi khổ lắm nói mãi” mà vẫn chưa mang lại kết quả khả quan. Chỉ cần để ý và quan sát bằng trực diện một loạt các hàng quán ven đường, từ thành phố đến nông thôn đều có thể đánh giá sơ bộ về mức độ không an toàn VSTP. Chỉ cần nhìn sơ qua cách bài trí, cung cách bán hàng cũng đủ không an lòng. Hầu như rất ít quán ăn có tủ kính; chủ quán hầu như rất ít đeo gang tay khi phục vụ khách hàng. Nếu quan sát sâu hơn tại các quán ăn, nhà hàng lại càng thêm… kinh hoàng.



Hình ảnh thường thấy ở các đô thị lớn nhỏ

Ngay tại Hà Nội, có nhiều quán nằm ngay trên cống nước thải, mùa hè nắng nóng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. “Khuất mắt trông coi” - trong số các quán ăn dọc đường đó, số cơ sở đủ điều kiện bán hàng (có giấy chứng nhận VSATTP, nhân viên được tập huấn VSATTP…) chiếm tỷ lệ không đáng kể. Đáng “nể nhất” vẫn là các quán bán đồ ăn chín trong các chợ lớn nhỏ từ lòng lợn, thịt lợn quay, thịt chó chín, sống… bày bán công khai.

Những quán hàng ăn có tủ bày như heo quay, vịt quay bên lề các con đường bụi bặm ở trên nhiều đường phố thoạt nhìn có vẻ sạch sẽ nhưng hầu như mọi người bán hàng đều dùng bàn tay trần bốc thức ăn rồi đếm tiền của người mua và xung quanh, dưới chân họ đầy rác rưởi…

Những khuyến cáo của các nhà chức trách về thực trạng đáng buồn trên như lực lượng thanh tra mỏng, chưa đủ mạnh, thiếu kinh phí tuyên truyền, chế tài xử phạt chưa nghiêm… là những bài ca muôn thủa được lặp đi lặp lại. Mỗi năm Việt Nam có hàng ngàn ca ngộ độc thực phẩm và việc lỏng lẻo trong quản lý VSATTP chính là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Theo lời một Thanh tra của Bộ Y tế cho rằng: Có những người kinh doanh thực phẩm đường phố cả vốn và lãi chỉ khoảng 10 triệu đồng nhưng xử phạt tới 100 triệu đồng thì họ lấy đâu ra mà nộp! Một số người bán hàng có lương tâm nhưng phàn nàn là “lực bất tòng tâm” bởi nếu thực hiện theo đúng quy định, tất nhiên giá nhập vào cao hơn nhiều và vì vậy, khó cạnh tranh với những cơ sở bán hàng khác.



Nhìn trực diện ai cũng có thể thấy về tình trạng thiếu an toàn vệ sinh của nhiều hàng quán

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), hiện có khoảng 30% người kinh doanh thực phẩm, hơn 15% người tiêu dùng và gần 20% người chế biến chưa hiểu đúng về ATVSTP. Đáng lưu ý là còn gần 20% lãnh đạo, quản lý chưa hiểu đúng về ATVSTP. Cho đến thời điểm này, mỗi khi có vụ việc gì xảy ra trách nhiệm khó quy tụ về một cơ quan đầu mối bởi chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các bộ, ngành cụ thể.

Người dân không may rơi vào ai thì phải chịu, nếu muốn khởi kiện thì kêu ai và ai là người chịu trách nhiệm? Với 9,3 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ trên cả nước và mỗi ngày có hơn 10.000 loại thực phẩm mới ra đời, số lượng thực phẩm trên thị trường ngày càng nhiều nên công tác quản lý, kiểm tra ATVSTP gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2006, nhà nước cũng dành 1.300 tỷ đồng cho mục tiêu quốc gia về ATVSTP, tuy nhiên cho tới nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Theo các chuyên gia, kinh phí đầu tư cho ATVSTP nước ta còn quá hạn hẹp, chỉ bằng 1/15 mức đầu tư của Thái Lan và các nước khác cho công tác ATVSTP.

Thực tế, mặc dù nhiều nguy cơ tiềm ẩn và đầy rủi ro nhưng thức ăn đường phố vẫn được nhìn nhận như một nhu cầu thiết yếu cho đời sống đô thị hiện nay. Thức ăn đường phố vẫn là nét văn hoá riêng của cộng đồng người Việt không thể thay đổi. Việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm không những là cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho cộng đồng mà còn thể hiện nếp sống văn minh đô thị, là thể diện với cộng đồng quốc tế. Liệu đến khi nào các thành phố của chúng ta sẽ nghiêm túc thực hiện bảo đảm VSATTP? Câu trả lời dĩ nhiên là khó, rất khó, là lâu, rất lâu nhưng lẽ nào không thể?

Khánh Phương
theo Xây Dựng

Từ khóa: