Sự kiện hot
7 năm trước

'Cuộc chiến taxi': Xem xét, xử lý việc dán logo phản đổi Uber-Grab

Thanh tra Sở GTVT sẽ xem xét việc dán logo phản đối Uber-Grab có vi phạm việc thực hiện niêm yết logo, biểu trưng hay không.

Thanh tra Sở GTVT sẽ xem xét việc dán logo phản đối Uber-Grab có vi phạm việc thực hiện niêm yết logo, biểu trưng hay không. Ảnh minh họa: Đại Việt

Liên quan đến "cuộc chiến taxi công nghệ-truyền thống", thời gian gần đây một số xe taxi đã có hành vi dán logo phản đối Uber, Grab cũng như Quyết định 24 của Bộ GTVT.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết đơn vị này đã có văn bản yêu cầu một số hãng taxi cung cấp thông tin.

"Chúng tôi có văn bản gửi một số đơn vị taxi từ thứ 2 vừa qua. Hạn thời gian trả lời trong vòng 1 tuần", ông Tuấn thông tin.

Cũng về vấn đề nêu trên, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi gỡ bỏ toàn bộ biểu ngữ.

"Chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp nếu có ý kiến thì cần gửi văn bản chứ không sử dụng logo, biểu ngữ. Hiện tại trên đường vẫn còn một số xe chưa tháo biểu ngữ.

Gần đây, có một số ý kiến cho rằng các đơn vị vận tải đang vi phạm Luật Cạnh tranh và Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo xử lý.

Còn đối với vai trò quản lý nhà nước, Sở GTVT Hà Nội đã giao Thanh tra nghiên cứu, xem xét để xử lý việc dán logo nếu vi phạm.

Bởi lẽ, khi doanh nghiệp thực hiện niêm yết biểu trưng, logo thì phải thực hiện đăng ký trước với cơ quan quản lý nhà nước. Nội dung logo ngoài đăng ký có vi phạm hay không thì Thanh tra Sở sẽ xem xét để xử lý", ông Long thông tin.

Địa phương ngăn cản công nghệ mới?

Mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 3 năm 2017.

Đáng chú ý là trong báo cáo này có lấy ví dụ về "cuộc chiến taxi" trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Cụ thể, báo cáo chỉ rõ "cấu trúc thể chế kinh tế chưa đủ vững vàng trong tiến trình hội nhập kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Tiến trình cải cách thể chế kinh tế chậm, chưa kích thích được sự sáng tạo đổi mới sâu rộng trở thành nền tảng tăng trưởng lâu dài".

Ví dụ mà VEPR đưa ra là sức ép gia tăng từ các hãng taxi truyền thống đối với nền tảng công nghệ mới như Uber, Grab hiện nay.

"Việc các chính quyền địa phương ứng xử mang tính ngăn cản đối với sự phát triển của các công nghệ mới, một mặt cho thấy họ có tầm nhìn chính sách hạn hẹp, mặt khác cho thấy khả năng bị chi phối bởi các nhóm lợi ích trong cấu trúc kinh tế cũ.

Điều này phát đi những tín hiệu bất lợi cho sự du nhập công nghệ mới", báo cáo của VEPR nêu rõ.

Thông tin từ phía VEPR phát đi trong bối cảnh nhiều địa phương, hiệp hội vận tải đề nghị Bộ GTVT dừng thí điểm "taxi công nghệ", dừng gia tăng số lượng xe.

Bình Minh
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: