Sự kiện hot
6 năm trước

Đắk Lắk: Nạo vét lòng hồ cắm vòi rồng hút luôn cát lậu

Thời gian qua, tại xã Yang Yeh cũng như trên địa bàn huyện Cư Kuin tình trạng khai thác cát lậu diễn biến rất phúc tạp. Trong đó một số doanh nghiệp, cá nhân xin chủ trương nạo vét lòng hồ thủy lợi để hút nhiều nghìn m3 cát lậu bán ra thị trường để trục lợi.

Đùn đẩy trách nhiệm

Năm 2017, Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chỉ định thầu, cho hộ ông Nguyễn Hoài Bảo và Ngô Văn Hùng (xã Yang Réh, huyện Krông Bông) thi công nạo vét lòng hồ thủy thủy lợi Yang Réh.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản cho phép nạo vét lòng hồ trên diện tích 9ha, tuy nhiên, yêu cầu các hộ trên phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trước khi triển khai dự án.

Thời gian thực hiện việc nạo vét là 4 năm. Khối lượng đất cát nguyên khai 12.000m3/năm, trong đó cát tận thu là 3.000m3/năm. Các ông Hùng, Bảo phải làm thủ tục, nộp hơn 46 triệu đồng cấp quyền khai thác khoáng sản trước khi tận thu cát.

  Bãi tập kết cát lậu khổng lồ sát hồ thủy lợi Yang Réh

Bãi tập kết cát lậu khổng lồ sát hồ thủy lợi Yang Réh

Ông Tạ Quang Quý, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Krông Bông cho biết, đến thời điểm này, các ông Hùng, Bảo chưa nộp tiền cấp quyền khai thác. Chi cục thuế chưa xuất bán hóa đơn khai thuế, do các cá nhân trên chưa hoàn thiện hồ sơ.

Thế nhưng, từ khoảng 2 năm nay, ông Hùng, Bảo đã hạ thủy tàu, hút bán ra ngoài hàng nghìn m3 cát.Theo ông Quý, hành vi trên của ông Hùng, Bảo là khai thác, bán cát lậu và trốn thuế.

  Bãi cát lậu khổng lồ cả chục ngàn m3 cách UBND xã Yang Réh khoảng 2km.

Bãi cát lậu khổng lồ cả chục ngàn m3 cách UBND xã Yang Réh khoảng 2km.

Còn ông Huỳnh Tấn Lĩnh, Phó chủ tịch UBND xã Yang Réh nói rằng, chưa nghe phản ánh việc ông Hùng, Bảo khai thác khoáng sản trái phép và hứa sẽ cho mời các hộ trên mang hồ sơ lên để kiểm tra tính pháp lý.

Hộ khai thác cát trái phép là ông Nguyễn Hoài Bảo đổ lỗi, việc chậm, chưa thể nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là do Chi cục thuế huyện Krông Bông gây khó dễ, không hướng dẫn làm thủ tục.

Cát lậu “tung tăng” về phố - Phòng Tài nguyên Môi trường nói gì(?)

Tác nghiệp tại hiện trường của PV, các ông Hùng, Bảo hạ thủy tàu sắt, cắm "vòi rồng" hút cát dưới lòng hồ Yang Réh, không có bất cứ hoạt động nạo vét nào. Tàu sau khi hút cát, tập kết lên bờ thì chạy vào ẩn náu tại một khu vực gần chân núi để tránh bị phát hiện. Bãi tập kết cát lậu ước trên 10.000m3, nằm cạnh QL27, cách UBND xã Yang Réh chừng 2km.

   Việc khai thác cát lậu đang làm biến dạng lòng hồ thủy lợi Yang Réh, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản

 Việc khai thác cát lậu đang làm biến dạng lòng hồ thủy lợi Yang Réh, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản

Tại đây, mỗi ngày có cả chục lượt xe tải vào “ăn cát”. Đáng chú ý, có xe của doanh nghiệp Đăng Khoa (TP. Buôn Ma Thuột) “ăn cát” hàng ngày. Doanh nghiệp này huy động 4 xe tải loại 20m3/xe chở cát, quay đầu liên tục. Mỗi xe chở 4-5 chuyến/ngày, tổng khối lượng cát chở trên 300m3/ngày. Việc mua, bán cát đều không xuất hóa đơn, nộp thuế.

Chủ doanh nghiệp Đăng Khoa thừa nhận, đang mua cát tại bãi của ông Hùng, Bảo với giá 70-80 nghìn đồng/m3 và không có hóa đơn. Cát được vận chuyển về TP. Buôn Ma Thuột, khi xuất bán sẽ lấy hóa đơn của doanh nghiệp Đăng Khoa để hợp thức.

Qua trao đổi với một số chủ Đại lý VLXD mỗi khối cát bán ra thị trường tại Đắk Lắk hiện nay có giá từ 120-130 nghìn đồng/m3. Trong đó, doanh nghiệp phải chịu 40 nghìn đồng thuế tài nguyên/m3 cát. Tính trung bình, mỗi ngày doanh nghiệp Đăng Khoa đã trốn thuế khoảng hơn 12 triệu đồng/300m3 cát.

Để hiểu thêm vể vấn đề này PV đã bám theo các xe tải chở cát tìm hiểu đường đi của cát lậu. Theo đó, xe của doanh nghiệp Đăng Khoa sau khi “ăn cát” tại bãi ông Hùng, Bảo sẽ di chuyển theo QL27 về tập kết tại TP. Buôn Ma Thuột. Trên tuyến QL27 có trạm cân kiểm tra tải trọng đặt tại xã Ea B’hốk (cùng ở huyện Cư Kuin). Một ngày, hàng chục lượt xe chở cát của doanh nghiệp Đăng Khoa vô tư vượt trạm mà không hề bị kiểm tra.

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Thanh Tâm- Trưởng phòng TN&MT huyện Krông Bông, ông Tâm cho biết: 2 doanh nghiệp của ông Nguyễn Hoài Bảo và Ngô Văn Hùng chúng tôi không đủ thẩm quyền kiểm tra vì chủ trương nạo vét, tận thu cát tại hồ thủy lợi Yang Réh là do UBND tỉnh cấp. Theo ông Tâm, nếu có tình trạng khai thác cát trái phép, trước tiên UBND xã Yang Réh phải có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Bông nơi quản lý khoáng sản và tài nguyên trên địa bàn huyện
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Bông nơi quản lý khoáng sản và tài nguyên trên địa bàn huyện

Ngoài ra, đoàn liên ngành về chống thất thu thu thuế các huyện Krông Bông, Cư Kuin cũng thường xuyên ra quân kiểm tra việc mua bán cát không có hóa đơn. Tuy nhiên, hành vi bán cá lậu, trốn thuế của ông Hùng, Bảo và doanh nghiệp Đăng Khoa không bị phát hiện, xử phạt.

Chia sẻ với PV, một lãnh đạo đoàn liên ngành của huyện Krông Bông cho rằng,: không thể phát hiện sai phạm của cá nhân, doanh nghiệp trên bởi… lực lượng mỏng. Theo vị này, muốn kiểm tra hóa đơn xe doanh nghiệp, bắt buộc xe đó phải đang lưu thông trên đường. Việc kiểm tra phải phối hợp nhiều lực lượng, rất phức tạp, mất nhiều thời gian.

Lãnh đạo Chi cục thuế TP. Buôn Ma Thuột cho biết: đã nhiều lần phát hiện doanh nghiệp Đăng Khoa mua bán cát không có hóa đơn, trốn thuế. Đơn vị đã nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính, số tiền hàng chục triệu đồng/vụ, nhưng doanh nghiệp này vẫn tái phạm.

Ngọc Anh - Thế Hùng
Theo Pháp luật Plus

Từ khóa: