Sự kiện hot
6 năm trước

Dân bán sản phẩm ra ngoài, vùng nguyên liệu chè trước nguy cơ bị phá vỡ

Nguồn tiêu thụ sản phẩm bấp bênh khiến Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế mới Tây Sơn không xuất được chè, nợ tiền khiến việc người dân phải bán chè ra ngoài, đẩy vùng nguyên liệu chè đứng trước nguy cơ bị phá vỡ…

Thời gian vừa qua Báo Đời sống & Tiêu dùng nhận được nhiều phản ánh của chính quyền địa phương cũng như người dân Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) về việc nguy cơ vùng nguyên liệu của địa phương bị phá vỡ.

Theo đó, tại vùng chè nguyên liệu của Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế mới Tây Sơn (gọi tắt là Tổng đội, đơn vị kinh tế thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh), chè bị người trồng bán ra ngoài, gây khó khăn trong việc quản lý… Nguyên nhân của tình trạng này do phía Tổng đội nợ tiền thu mua chè của người dân khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn.

Ông Trịnh Xuân Thịnh (thôn Thanh Dũng, xã Sơn Kim 2) cho biết, gia đình ông trồng 1ha cho Tỉnh đội, trước đây chè bán bao nhiêu được thanh toán bấy nhiêu nhưng đã 2 tháng nay, chè xuất đi nhưng chưa được thanh toán.

Tương tự, hộ gia đình ông Bùi Văn Bình (thôn Thanh Dũng, xã Sơn Kim 2) cho biết, từ hơn mười năm nay, gia đình trồng chè sản xuất trên đất của Tổng đội với diện tích 5000m2, nhưng gần 3 tháng nay chè bán chưa được thanh toán tiền. Nguồn thu của gia đình cũng từ đó nên buộc ông Bình phải bán chè ra ngoài để trang trải cuộc sống.

Xác nhận về tình trạng này, ông Hoàng Thế Lộc – Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế mới Tây Sơn cho biết, việc người dân bán chè ra ngoài vùng nguyên liệu có diễn ra với nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo ông Lộc, thời gian qua thị trường nông sản và chăn nuôi khó đường tiêu thụ nên việc xuất khẩu chè của đơn vị gặp khó. Mặt khác, vì là đơn vị kinh tế của nhà nước nên Tổng đội không được thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng dẫn đến không có vốn lưu động, chỉ lúc nào xuất được chè mới có tiền trả cho người dân.

“Không chỉ khó vay vốn mà đơn vị cũng không được xuất hóa đơn, do là đơn vị sự nghiệp không được cấp hóa đơn. Do đó, trước đây hoạt động xuất khẩu chè phải thông qua doanh nghiệp trung gian để ủy thác xuất khẩu”, ông Lộc cho biết.

Ông Lê Hồng Phong – Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Kim 2 cho biết, để xảy ra tình trạng trên trước hết do Tổng đội không liên kết được với Công ty Chè Hà Tĩnh mà liên kế với một số đơn vị bên ngoài dẫn đến đầu ra không ổn định, chè thu mua về tồn kho nhiều.

“Nếu cứ theo đà này, không thay đổi quản lý để liên kết với Công ty chè Hà Tĩnh, việc không có đầu ra ổn định tương lai dễ phá vỡ vùng nguyên liệu. Việc để xảy ra tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến việc thu mua nguyên liệu đầu vào của tổng đội, việc bán chè ra ngoài cho xí nghiệp tư nhân cũng ảnh hưởng đến an ninh trận tự trên địa bàn”, ông Phong nhận định và cho biết, một nguyên nhân khác khiến người dân bán chè ra ngoài là do “thời gian gần đây, thời tiết mưa nhiều nên khi người dân bán sẽ bị trừ hệ số K cao hơn từ 20 – 25% (sương, nước), trong khi đó người dân bán cho đơn vị tư nhân lại không bị trừ”.

Ông Phong cho biết, Sơn Kim 2 có 700 hộ trồng chè cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn và đang triển khai sản xuất theo mô hình khép kín của VietGAP, hiện đang tiếp tục cho triển khai mô hình RA theo tiêu chuẩn Quốc tế. Trong khi đó, số 60-70 hộ trồng chè cho Tổng đội chưa thực hiện mô hình này nên chất lượng bị ảnh hưởng.

Theo ông Cao Kỹ Vỵ - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 thì Sơn Kim 2 là một trong ba trung tâm chè của Hà Tĩnh. Trên địa bàn có 2 vùng nguyên liệu, một là của Xí nghiệp chè Tây Sơn thuộc Công ty chè Hà Tĩnh và hai là Tổng đội TNXP – XSKT mới Tây Sơn do Tỉnh đoàn trực tiếp quản lý. Hai vùng nguyện liệu này do UBND tỉnh quy hoạch với tổng diện tích 395ha, trong đó diện tích tổng đội 175ha, Sơn Kim 2 35ha (70 hộ).

 “Riêng Tổng đội từ năm 2013 -2015 liên kết với Công ty chè Hà Tĩnh, từ 2016 tách ra liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài khiến đầu ra không ổn định, hàng tồn đọng rất nhiều, đặc biệt các tháng đầu năm 2017 đến nay do nhà nước quản lý chất lượng gắt gao hơn, xuất xứ không rõ ràng nên hàng tồn kho lớn, có những lúc đến dăm chục tấn, không bán được nên không có tiền trả cho người dân. Tháng 6/2017, đơn vị nợ tiền của dân, chính quyền địa phương cũng đã có ý kiến và đã chấn chỉnh. Hồi tháng 10/2017, phía Tỉnh đoàn đã lên chỉ đạo để giải quyết nhưng đến nay cũng chưa có gì thay đổi”, Chủ tịch xã Sơn Kim 2 cho hay.

Thực tế diễn ra đang đặt việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè của Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế mới Tây Sơn trước bài toán tiếp tục tồn tại hay chấp nhận đổ vỡ. Bởi, nếu muốn tồn tại, đơn vị này phải thay đổi mô hình quản lý, thay đổi liên kết tiêu thụ sản phẩm, thay đổi mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng… để phù hợp với điều kiện mới.

Diễm Phước – Nhật Hào

Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: