Sự kiện hot
11 năm trước

Dân bế tắc, cán bộ trục lợi

Người dân trong vùng Dự án Làng đại học Đà Nẵng không chỉ khốn khổ vì nhà ở không đảm bảo, không có đất đai sản xuất mà còn bị cán bộ lợi dụng để trục lợi…

Người dân trong vùng Dự án Làng đại học Đà Nẵng không chỉ khốn khổ vì nhà ở không đảm bảo, không có đất đai sản xuất mà còn bị cán bộ lợi dụng để trục lợi…

Trái khoáy

Trong khi người dân không được xây dựng nhà cửa thì một số cán bộ của của phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) cấu kết với một số đối tượng chiếm đoạt đất trong vùng Dự án Làng đại học Đà Nẵng để kiếm lời.


Dân trong vùng dự án không có đất sản xuất nhưng cán bộ thì chiếm đoạt đất kiếm lời.

Công an tỉnh Quảng Nam mới đây đã điều tra và bắt tạm giam một số đối tượng là cán bộ của xã, phường trong vùng Dự án Làng Đại học Đà Nẵng vì dùng ảnh hưởng từ vị trí công tác của mình để đầu cơ trục lợi trái phép. Trong đó, Lê Đích (cán bộ ủy nhiệm thu xã Điện Ngọc), Nguyễn Sơn (công an viên xã Điện Ngọc) và Huỳnh Văn Minh (cán bộ địa chính phường Hòa Hải) từ năm 2010 đã chiếm đoạt nhiều diện tích đất trong Dự án Làng Đại học Đà Nẵng để mua bán chuyển nhượng và tiếp tay cho việc xây dựng 433 ngôi nhà trái phép. Trong đó chiếm đoạt 850m2, bán được 450 triệu đồng; Đích làm giả giấy thu thuế nhà đất để cấp cho các đối tượng; Sơn cấp giấy tạm trú cho các đối tượng xây nhà trái phép.

Thật là trái khoáy. Dân mỏi cổ chờ dự án triển khai nhanh để được giải tỏa tái định cư hay ít nhất cũng được cho phép sữa lại cái nhà để ở... trong khi những người có chức có quyền lại ngang nhiên chiếm đất rồi xây dựng trái phép nhà cửa tràn lan để trục lợi. Chắc mấy ảnh mong sao dự án này “treo” luôn để có cái mà “làm ăn” - nhiều người dân trong vùng dự án than thở.

Tình trạng này khiến nhiều người dân nghĩ cách đối phó rất tiêu cực với tình trạng “treo” của dự án.

Chị Nguyễn Thị H (thôn Tứ Câu, xã Điện Ngọc) cho biết “kinh nghiệm” xây nhà trái phép của mình: Mỗi ngày xây một ít thôi, đừng xây liên tiếp một lúc. Xây được cái tường rồi thì lấy mái tôn che lên, trong nhà thì dùng cọc chống. Chính quyền xuống thấy tạm bợ thì cũng bỏ qua thôi. Cứ thế rồi mình xây được kiên cố. Khi chính quyền phát hiện ra thì họ không nỡ phá bỏ đâu, vì cả cái khu này biết bao nhiêu nhà xây trái phép kể cho hết. Nếu muốn xây dựng quán hàng hoặc nhà cửa ở đây tại thời điểm này thì nên như vậy.

Suy nghĩ của chị H cũng là tâm lý của rất nhiều người chuyển nhượng và xây nhà trái phép tại vùng dự án.

Theo ông Trần Duy Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc, hiện trên địa bàn xã có 406 căn nhà trái phép mọc lên trong vùng dự án. Tình trạng sang nhượng đất, xây dựng nhà trái phép đang diễn ra khá phức tạp. Chỉ riêng xung quanh Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin đã có hơn 500 cửa hàng cà phê, nhà trọ vừa mới mọc lên... Dự án thì không biết bao giờ triển khai nhưng nhu cầu của cuộc sống tăng lên hàng ngày. Tôi rất buồn khi một số cán bộ của xã đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết người dân để trục lợi.

Bao giờ dự án hết “treo”?

Ông Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng (đơn vị chủ đầu tư của dự án) cho biết: Hiện nay dự án chậm trễ là do nguồn kinh phí bị thiếu hụt trầm trọng. Khi duyệt dự án vào năm 1997, đơn giá lúc đó là 1.700 tỷ đồng nhưng do tình hình kinh tế khó khăn nên Chính phủ chỉ giải ngân một năm chưa tới 30 tỷ đồng. Với bấy nhiêu vốn thì chúng tôi chỉ có thể triển khai cầm chừng thôi. Hơn nữa công việc giảng dạy của Đại học Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục, nhiều chương trình giáo dục đang cần tiền để để đầu tư...

Chị Lê Thị Lài (tổ 22, phường Hòa Quý) bày tỏ: Chúng tôi chỉ cần chủ đầu tư nói rõ là có triển khai dự án hay không? Nếu có thì lúc nào? Chúng tôi sẽ ở đâu và được chuyển đi bao giờ? Nếu không được, chúng tôi kiến nghị xóa bỏ dự án treo quá lâu như các địa phương trong cả nước đã làm.

Trong tình hình này, chúng tôi đã xúc tiến huy động vốn cho dự án từ rất nhiều nguồn. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài được đặt nhiều kỳ vọng nhưng chưa có được tín hiệu khả quan nào. Trong khi đó, UBND TP.Đà Nẵng đã có chủ trương đến năm 2014 sẽ chấm dứt việc giải tỏa, di dời lớn.

Hơn lúc nào hết, bà con trong vùng dự án cần chủ đầu tư khẳng định thời điểm sẽ triển khai dự án, công bố lộ trình đầu tư và kiểm soát quy hoạch. Mặt khác, người dân mong muốn các cấp chính quyền cho phép họ tách thửa, cải tạo nhà ở và tạo điều kiện về đường sá, điện nước... để đảm bảo cuộc sống.

Chị Lê Thị Lài (tổ 22, phường Hòa Quý) bày tỏ: Chúng tôi chỉ cần chủ đầu tư nói rõ là có triển khai dự án hay không? Nếu có thì lúc nào? Chúng tôi sẽ ở đâu và được chuyển đi bao giờ? Nếu không được, chúng tôi kiến nghị xóa bỏ dự án treo quá lâu như các địa phương trong cả nước đã làm.

Đình Thiên
theo Dân Việt

Từ khóa: