Sự kiện hot
10 năm trước

Đàn ông thường bị áp lực khi có một người vợ xinh đẹp, giỏi giang

Hiện nay, khi xã hội có nhiều thay đổi, chúng ta cũng dần quen với hình ảnh những người phụ nữ xinh đẹp tài giỏi, họ sở hữu những cơ ngơi riêng đồ sộ, xế hộp đắt tiền…

Hiện nay, khi xã hội có nhiều thay đổi, chúng ta cũng dần quen với hình ảnh những người phụ nữ xinh đẹp tài giỏi, họ sở hữu những cơ ngơi riêng đồ sộ, xế hộp đắt tiền…

Họ luôn xuất hiện với hình ảnh thành đạt và tự tin kèm theo nhiều ánh mắt ngưỡng mộ. Nhiều người trở nên tò mò thắc mắc về những đức lang quân của những người phụ nữ thành đạt. Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ - Viện ngôn ngữ học đã chia sẻ những quan điểm thú vị của mình về vấn đề này.

Phụ nữ hiện đại tích cực hơn trong cuộc sống gia đình

Theo quan điểm của cổ nhân tam tòng tứ đức là tiêu chuẩn để đánh giá về người phụ nữ, anh nghĩ quan điểm này đến nay có còn nguyên giá trị của nó không? Nếu có những thay đổi thì đó là những thay đổi gì?

Tam tòng theo quan điểm của cổ nhân là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, tứ đức là công dung ngôn hạnh. Theo tôi, Tứ đức từ xưa đến nay vẫn luôn là 1 thước đo hữu ích để nhìn nhận và khẳng định giá trị người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Song quan điểm tam tòng thì đã có những thay đổi nhất định. Bởi chúng ta hiện nay đang sống trong một thời đại khác và có sự dịch chuyển về mặt thế giới quan. Đến thế kỷ 21 mà chúng ta vẫn lấy những thước đo từ hàng chục thế kỷ để làm chuẩn mực thì đó là một sự rập khuôn, máy móc. Cụ thể, chữ Tòng trước đây phải hiểu theo ý nghĩa phục tùng tuyệt đối.

Một trong những biểu hiện lớn nhất của tại gia tòng phụ là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, quan điểm này đến nay hoàn toàn không phù hợp nữa. Giới trẻ ngày nay có quyền tự do yêu và quyết định chọn người bạn đời phù hợp cho mình. Mới đây nhất tại Hà Nội là đám cưới của hai đôi bạn trẻ đồng tính, họ kết hôn trước sự chứng kiến của hàng nghìn bạn trẻ khác. Điều này đã cho thấy một sự khác biệt vô cùng rõ rệt của quan điểm tại gia tòng phụ.

Còn đối với quan điểm xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, thì thực tế chứng minh, sự "phục tùng" chồng con của phụ nữ hiện đại cũng đã có những sự thay đổi to lớn. Phụ nữ ngày nay đã nắm trong tay cơ hội bình đẳng với nam giới và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện bản thân, không lo sợ lép vế nhiều so với nam giới. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn đạo lý tam tòng, phụ nữ dù ở trong hoàn cảnh nào cũng nên duy trì những mặt tích cực của tam tòng như lòng hiếu thảo với cha mẹ, đức hy sinh vì chồng vì con...

Phụ nữ thời xưa, xuất giá thì phải nghe lời chồng, chồng mất thì phụ thuộc vào con, chính vì thế mà đôi khi có những người phụ nữ làm những việc trái với tâm nguyện của mình vì nghe theo chồng, hiện nay quan điểm này đã có nhiều thay đổi, theo anh nó thay đổi theo mặt tích cực hay tiêu cực? Anh chia sẻ gì về quan điểm thay đổi đó?

Bị bó buộc trong quan điểm tòng phụ, tòng phu và tòng tử, phụ nữ thời xưa gần như hoàn toàn không được quyền lên tiếng, họ không được đưa ra những ý kiến đánh giá riêng của mình, trong một số hoàn cảnh, nếu họ được đưa ra ý kiến thì ý kiến đó cũng bị coi nhẹ. Thế nên không thể nào tránh khỏi những lúc, ý kiến của người chồng trái với tâm nguyện hay suy nghĩ của người vợ, nhưng họ thường vẫn phải nhất nhất làm theo. Thế nhưng, theo tôi phụ nữ thời nay sống tích cực hơn rất nhiều, họ có quyền đưa ra ý kiến của mình, không những thế họ còn có quyền tranh luận và bảo vệ ý kiến của mình. Đôi khi họ bất hợp tác và không thực hiện những yêu cầu của người chồng, song điều đó gần như không phá bỏ nguyên tắc hay hạnh phúc gia đình của họ. Điều này, phụ nữ xưa có lẽ nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ tới.

Sự thành công của người vợ là một thước đo giá trị của người chồng

Thế nhưng nếu như các cặp vợ chồng mâu thuẫn bởi cả hai cùng muốn quyết định một công việc theo ý mình, dẫn đến cãi vã thì theo anh người phụ nữ nên giải quyết như thế nào? Chúng ta có thể phân định quyền làm chủ gia đình một cách rõ ràng để tránh những mâu thuẫn trong gia đình không?

Tôi nghĩ hôn nhân hiện đai, thực ra nó là một sự thỏa thuận do đó khi ko thỏa thuận được tất sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Khi cả hai đối tượng của sự thỏa thuận đó không đạt được tiếng nói chung, thay vì cãi vã tôi nghĩ cả hai nên dành mọt chút thời gian để suy nghĩ về ý kiến của đối phương và xem xét lại cách nhìn nhận của mình thay vì trở nên nóng nảy và giận dữ. Và nếu trong trường hợp cả hai đã bình tĩnh trở lại có thể đối thoại với nhau, chúng ta có thể sẽ tìm ra được cách "thỏa thuận" một cách hợp lý hơn. Còn nếu như không thể đạt được "thỏa thuận" tôi vẫn đề cao những người phụ nữ nhường nhịn hơn rất nhiều. Cơm sôi bớt lửa sẽ là bí quyết cho gia đình vượt qua những sóng gió trong hôn nhân. Theo quan điểm của tôi một gia đình hạnh phúc là một gia đình chồng được làm chồng và vợ ở đúng vị trí của vợ. Khi xảy ra một cuộc đảo lộn vị trí những mâu thuẫn sẽ có cơ hội rất lớn để bán rễ gây sóng gió cho trong gia đình,

Nhiều gia đình hiện nay có sự phân chia rõ ràng về quyền quyết định từng vấn đề riêng cho vợ hoặc chồng, theo anh điều này có nên không? Nếu có thì nên phân định như thế nào?

Theo tôi sự phân chia công việc trong gia đình là vô cùng cần thiết, để hai vợ chồng có trách nhiệm cao hơn với những công việc của mình, và đôi khi dù bất đồng ý kiến nhưng vẫn tôn trọng quyền quyết định của đối phương. Còn việc phân chia thế nào thì tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình, không phải nhất thành bất biến, không nên rập khuôn máy móc một cách cứng nhắc. Tuy nhiên, các cụ ta có câu "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" vì vậy những công việc lớn trong gia đình như mua đất, dựng nhà, mua xe … nên do người chồng quyết định, còn các công việc đòi hỏi sự tỷ mỉ như chăm sóc gia đình, giáo dục con cái… thì nên do người phụ nữ quyết định. Tuy nhiên những công việc trên đều cần có sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của đôi bên để có thể đưa ra phương án tối ưu cho cuộc sống gia đình. Với kinh nghiệm của tôi, cặp vợ chồng nào biết mềm dẻo hài hòa vơi nhau trong công việc nhiều hơn tất sẽ giữ được hòa khí gia đình nhiều hơn.

Hiện nay nhiều người phụ nữ đã thoát khỏi quan niệm cũ là hoàn toàn phụ thuộc vào chồng, họ có công việc, sự nghiệp riêng bằng hoặc hơn chồng, điều đấy đôi khi tạo những áp lực riêng cho các đức ông chồng, anh nghĩ sao về vấn đề này?

Đối với một người đàn ông có một người vợ vừa xinh đẹp vừa giỏi giang, tôi nghĩ trước hết đó là một điều đáng tự hào song áp lực từ người vợ ấy đối với các đức ông chồng là điều hoàn toàn có thật. Bởi điều đó bắt buộc các ông phải thay đổi, phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với người vợ của mình.

Trong nhiều trường hợp, đàn ông không nhất thiết phải cố gắng phấn đấu bằng vợ về mặt sự nghiệp, nhưng họ luôn cố gắng sống tốt và chia sẻ cuộc sống gia đình với vợ. Như vậy, sự vươn lên của người phụ nữ trong một chừng mưc nào đó có tác dụng tích cực hướng thiện cho một bộ phận đàn ông trong xã hội, tất nhiên điều đấy thường diễn ra đối với nhưng người đàn ông có lương năng lương tri.

Thế nhưng không thể phủ nhận không ít người đàn ông tỏ ra khó chịu khi người vợ của mình ngày càng phát triển vượt bậc về mặt sự nghiệp, vì thế họ đưa ra những yêu cầu khó khắn, cố gắng hạn chế sự phát triển của vợ mình, anh nghĩ gì về điều này?

Nếu như chúng ta phân tích theo một mặt bằng logic và tình cảm chung nhất, sự phản ứng của người chồng trước những tiến bộ, phát triển của người vợ theo đó cũng có thể chia làm vài ba loại. Loại thứ nhất như bạn nói, không được thoải mái trước sự thành công của vợ mà đỉnh điểm là kìm hãm sự phát triển sự nghiệp của vợ, loại thứ hai luôn luôn ủng hộ, giúp đỡ vợ phát triển và  loại thứ ba, không có ý kiến về sự phát triển của vợ, họ muốn để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên. Điều này tùy thuộc vào quan điểm sống, học vấn, văn hóa, nhận thức và sự tự tin về giá trị của mình của chính người đàn ông. Song đối với cá nhân tôi, tôi nghĩ người đàn ông nên ủng hộ và giúp đỡ vợ trên con đường sự nghiệp. Bởi sự thành công của người vợ cũng là một thước đo giá trị của người chồng.

Mai Khanh
theo GĐ&XH

Từ khóa: