Sự kiện hot
11 năm trước

Dân sợ đối tượng lưu manh giả danh cảnh sát giao thông

Các chuyên gia cho biết, thực tế từng ghi nhận rất nhiều trường hợp đối tượng lưu manh giả danh công an làm việc bất chính.

Các chuyên gia cho biết, thực tế từng ghi nhận rất nhiều trường hợp đối tượng lưu manh giả danh công an làm việc bất chính.

Việc cho phép lực lượng CSGT được hoạt động "chìm" vô hình trung tạo thêm kẽ hở để những đối tượng xấu lợi dụng "qua mắt" người dân kiếm lợi.

Còn nhớ, cách đây không lâu, phòng CSGT (CA TP.Hà Nội) từng rầm rộ ra quân, triển khai lực lượng mặc thường phục "ngụy trang" ở các cổng trường để dẹp "quái xế tuổi teen". Không thể phủ nhận thành công mà chuyên đề này đem lại. Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến cho rằng, hình thức trên là không hay, nặng tính "sát phạt", "chộp giật".

Phụ huynh học sinh lý giải, ở độ tuổi học sinh, các cháu rất hiếu động, dễ phản ứng, cần có những biện pháp mang tính giáo dục, răn đe hơn là đưa ra quy định đó. Thậm chí có thể phạt nặng những học sinh vi phạm chứ không nên mặc thường phục để "dọa" các em.


Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an).

Quy định mới của bộ Công an cho phép lực lượng CSGT hóa trang, mặc thường phục để phát hiện vi phạm có thể dấy lên nhiều lo ngại. Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thị Loan, Đoàn Luật sư Bình Dương dẫn chứng: "Thử tưởng tượng có một nhóm thanh niên vi phạm giao thông đang đi trên đường, khi cảnh sát mặc thường phục đuổi bắt chắc chắn sẽ phải tạt đầu xe để yêu cầu dừng lại. Những thanh niên này chắc chắn sẽ tưởng là có người muốn gây sự, rất dễ manh động, không kiểm soát được hành vi gây ra xô xát, đánh nhau trước khi kịp nhận ra người đuổi bắt mình là ai".

Luật sư Loan cho biết, báo chí từng đăng tải rất nhiều trường hợp giả danh CSGT, CSCĐ để "làm tiền" tài xế. Không phải ngẫu nhiên mà tội phạm lợi dụng lực lượng này để làm việc bất chính. Bởi thẻ ngành hoàn toàn có thể làm giả, chỉ nhìn qua không ai phát hiện được đâu là thật đâu là giả. Nhất là trong điều kiện đêm tối, không có ánh đèn để phạm tội như cướp xe, tài sản, xâm phạm sức khỏe người đi đường là điều hoàn toàn có thể.

Cơ quan công an khó có thể kiểm soát vấn đề này. "Tôi được biết, công an Hà Nội đã rất thành công với mô hình "liên quân" 141. Thương hiệu này không chỉ đem lại niềm tin cho người dân mà khiến tội phạm "khiếp vía" mỗi khi đối diện. Theo tôi, nên nhân rộng lực lượng này sẽ cần thiết hơn bố trí CSGT hoạt động "ngầm", bà Loan nói thêm.

Cũng lo ngại những tiêu cực phát sinh khi bố trí lực lượng CSGT "hóa trang", thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) thừa nhận: "Đúng là có hàng trăm, hàng nghìn kẻ lưu manh giả danh công an. Do vậy dứt khoát người dân cũng phải có quyền được xem chứng minh, giấy tờ của cảnh sát hóa trang".

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, quy định này xem ra khá có lý. Điều quan trọng, khi áp dụng vào thực tế lực lượng hóa trang có thực hành đúng công vụ hay không. Một số nước trên thế giới họ cũng áp dụng phương pháp này. Chuyện này không có gì đặc biệt và cũng không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân.

"Còn việc hình thành tâm lý e ngại tăng quyền lực cho CSGT là do Nhà nước, cơ quan công quyền đã không giải thích cho người dân rõ và truyền tải thông tin đầy đủ để người dân hiểu được vấn đề. Phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả thông qua chi bộ Đảng, tổ dân phố, các chi hội phụ nữ... nếu không người ở quê, trong ngõ làm sao mà biết được", vị này nhấn mạnh.

Trinh Phúc - Anh Đức
theo Người đưa tin

Từ khóa: