Sự kiện hot
12 năm trước

Đập thủy điện Sông Tranh 2: Nước vẫn chảy xối xả

Sáng 18/5, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKHCN-MT) Quốc hội cùng các cơ quan chuyên môn đã có buổi kiểm tra, khảo sát thực tế về tình hình sự cố tại Thủy điện Sông Tranh 2.

Sáng 18/5, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKHCN-MT) Quốc hội cùng các cơ quan chuyên môn đã có buổi kiểm tra, khảo sát thực tế về tình hình sự cố tại Thủy điện Sông Tranh 2.

Báo chí vẫn bị “cấm cửa” tại hiện trường

Sau khi UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị Quốc hội vào cuộc, làm rõ các vấn đề liên quan đến sự cố tại công trình thủy điện Sông Tranh 2, sáng 18/5, Đoàn công tác của Uy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKHCN-MT) Quốc hội do Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng dẫn đầu đã có mặt để kiểm tra tình hình khắc phục sự cố tại đây.


Theo báo cáo của EVN, có 10/30 khe nhiệt tại thân đập Sông Tranh 2 bị thấm lớn, lưu lượng thấm đến 75 lít/giây

Mặc dù đã sau 2 tháng kể từ khi hiện tượng nước chảy qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2 được phát hiện, EVN đã dùng các biện pháp được đơn vị này cho là tối ưu để xử lý. Song sau khi tiến hành kiểm tra, khảo sát, các chuyên gia vẫn quan ngại khi hiện tượng nước vẫn còn chảy mạnh qua thân đập về mái hạ lưu.

Phóng viên báo, đài vẫn bị EVN “cấm cửa”, không cho tiếp cận hiện trường.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác, ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo: Thủy điện Sông Tranh 2 có tất cả 30 khe nhiệt, 1/3 khe nhiệt có lưu lượng thấm lớn và số còn lại có lưu lượng thấm nhỏ. Đến nay lưu lượng nước vẫn còn thấm 75 lít/ giây. Kết quả quan trắc chuyển vị khe nhiệt tại bề mặt thượng lưu thân đập cho thấy 11/30 khe có hoạt động mạnh, độ mở rộng từ 0,2mm đến 7mm. 

Với 10 khe nhiệt thấm lớn, EVN đã ký hợp đồng với Viện khảo sát thiết kế Hoa Đông (Trung Quốc) dự kiến xử lý từ ngày 15/6-15/8; 20 khe thấm nhỏ còn lại đang đàm phán ký hợp đồng với Viện Khoa học Công nghệ của Bộ Xây dựng để xử lý. Dự kiến số khe này sẽ khắc phục từ ngày 30/5 đến ngày 30/7 với phương pháp là lặn xuống nước dán keo.


Phóng viên tiếp tục bị "cấm cửa" khi tác nghiệp tại thủy điện Sông Tranh 2 khi EVN cắt cử bảo vệ "đuổi" phóng viên ra khỏi khu vực

Về chất lượng công trình, ông Trần Văn Được thừa nhận: “Đập Thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra hiện tượng thấm lớn, về lâu dài không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình. Vì vậy phải xử lý triệt để hiện tượng thấm tại đập”.

Yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề

Sau khi thực hiện chuyến giám sát thực tế trong thân đập, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm UBKHCN-MT Quốc hội đề nghị: “Tôi yêu cầu phải làm rõ thêm quá trình khảo sát thực địa và thiết kế để xây dựng công trình Thủy điện Sông Tranh 2 tại địa hình huyện Bắc Trà My trước đây như thế nào.

Vấn đề quan trọng nhất là nền móng để xây dựng công trình Thủy điện Sông Tranh 2 cũng như việc ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn chưa có tiêu chuẩn, qui chuẩn nào như vậy có thích ứng cụ thể với điều kiện khí hậu của Việt Nam và đặc biệt là khí hậu, địa lý ở huyện Bắc Trà My không.

Cần phải xem xét lại các phương án khắc phục sự cố do chủ đầu tư, đơn vị thiết kế đưa ra, trong đó có vật liệu được chọn dùng để khắc phục, vì toàn bộ việc khắc phục đều diễn ra ở dưới nước sâu, cận kề mùa mưa lũ, cẩn thận các trận động đất kích thích có thể xảy ra”.


Các chuyên gia trong buổi làm việc yêu cầu cần làm rõ nhiều vấn đề xoay quanh chất lượng công trình thủy điện Sông Tranh 2

Tuy nhiên để đánh giá độ an toàn của công trình một cách khách quan, ông Lê Quang Huy yêu cầu: “Cần phải mời các chuyên gia độc lập vào đánh giá chất lượng bê tông tại công trình Thủy điện Sông Tranh 2 mới khách quan, từ đó mới đưa ra một kết luận độ an toàn tuyệt đối, người dân mới yên tâm hơn”.

Kết luận buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UBKHCN-MT của Quốc hội nói: “Sự cố Thủy điện Sông Tranh 2 lâu nay được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Phải nghiên cứu, đánh giá lại dự án để có phương án bổ sung cụ thể.

Đặc biệt phải lưu ý đến kinh nghiệm của các nhà khoa học có nghiên cứu hàng chục năm về lĩnh vực này để đưa ra một kết luận an toàn của dự án đối với nhân dân vùng hạ du. Việc nước rò rỉ qua thân đập gần đến 80 lít/giây là không mong muốn chút nào, sau đợt này phải kiểm tra chặt chẽ, rút ra những bài học sâu sắc nhất cho những công trình sau này”. 

Thùy Dương-Bửu Lân
Theo VTC News

Từ khóa: