Sự kiện hot
5 năm trước

Đi đâu ở miền Bắc vào mùa lễ hội?

Đầu năm đi lễ, xin lộc may mắn, sức khỏe... là phong tục và xu hướng chung của người Việt. Đặc biệt, với người miền Bắc, việc đi lễ, hành hương về với những di tích trở thành nét văn hóa riêng, được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước tết Nguyên đán. Đây là những điểm du xuân, lễ hội đầu năm "không thể bỏ qua" của người miền Bắc.

Chùa Hương - Hà Nội

Quần thể danh thắng Chùa Hương - Nam Thiên Đệ Nhất Động - nơi được phật tử khắp nơi giành ưu tiên tới thăm và lễ bái. Khai hội từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba âm lịch, lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn nhất và diễn ra dài nhất trong năm, được tổ chức tại khu danh thắng Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.

Chùa Bái Đính – Ninh Bình

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính ở Gia Viễn - Ninh Bình. Chùa với nhiều kỷ lục được xác lập bởi Trung tâm kỷ lục Việt Nam như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam; Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á; chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam; Khu chùa có giếng lớn nhất Việt Nam... Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 Tết, khai mạc ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3.

Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.

Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô.

Chùa Yên Tử - Quảng Ninh

Nhắc tới Quảng Ninh có rất nhiều danh thắng nhưng nói tới chùa chiền nơi đây thì không thể không nhắc tới Yên Tử thuộc xã Thương Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068 m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.

Đền Trần – Nam Định

Xưa nay có câu đầu năm đi lễ đền Trần, với người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận, đầu năm đi lễ đền Trần đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa của không ít gia đình. Vào đền thắp nhang cầu xin cho gia đình một năm mới bình an, con cái học hành tấn tới. Nằm trên địa bàn xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, thành phố Nam Định, đền Trần là nơi thờ 14 vị vua đời Trần. Những ngày đầu năm mới, khách thập phương kéo về đền Trần rất đông với mong muốn cầu xin một năm mới an lành, con cái học hành thành đạt. Từ mùng 1 đến 15 (Âm lịch), khách thập phương kéo về đền Trần rất đông. Lễ Khai ấn chính thức bắt đầu vào giờ tý (23g) đêm 14 tháng giêng Âm lịch, nhưng người dân không chỉ đợi đến đúng thời khắc đó mới đến đền Trần.

Đền thờ Bà chúa Kho – Bắc Ninh

Trên vùng quê Kinh Bắc cổ kính và văn hiến có không ít những đền thờ thần mẫu linh thiêng, huyền diệu, một trong số đó là đền thờ Bà Chúa Kho ở làng Cô Mễ - một làng ven chân núi kho, nằm bên bờ sông Cầu thuộc địa phận thị xã Bắc Ninh. Mỗi năm, đền Bà Chúa Kho thu hút hàng chục ngàn người hành hương tới xin lộc. Đền Bà Chúa Kho không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị mà còn là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách thập phương có mong muốn mang một chút tài lộc đầu năm về cho gia đình và người thân. Vì vậy hàng năm cứ từ mồng 10 tháng Giêng âm lịch trở ra, khách thập phương lại lũ lượt đổ về đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh để cầu tài cầu lộc, quan trọng nhất là vay tiền Bà Chúa Kho, mong cho một năm mới công việc xuôi thuận, phát tài.

Đền Gióng – Sóc Sơn, Hà Nội

Nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội 35km về phía Bắc, khu di tích đền Gióng dưới chân núi Vệ Linh là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được Bộ VHTT xếp hạng từ năm 1962. Nơi đây tương truyền còn in đậm dấu vó ngựa sắt của vị anh hùng Thánh Gióng, nhân vật đầy tính huyền thoại tượng trưng cho tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc. Hội Gióng Sóc Sơn được tổ chức hàng năm vào mồng 6 tháng Giêng, là dịp để khách thập phương trẩy hội đầu năm, dâng hương tưởng nhớ thánh Gióng – vị anh hùng thần thoại. Không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội với sự góp mặt của 54 tổng, 124 xã với nhiều lễ, hội như lễ rước voi, tiễn ngà voi, tiễn hoa tre, khiển tướng… Du khách đi dự lễ hội trở về thế nào cũng phải có trong tay những túm hoa tre nhuộm phẩm xanh, phẩm đỏ để lấy phước, cầu may cho mình trong năm mới. Ngoài dịp này, du khách còn đến trẩy hội khá đông trong 3 tháng mùa xuân và 3 tháng cuối năm.

Côn Sơn Kiếp Bạc – Hải Dương

Có thể nói đến Côn Sơn – Kiếp Bạc là hai tích lịch sử nổi tiếng của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa Côn Sơn tọa lạc trên xã Cộng Hòa, nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng- Kỳ Lân cách Hà Nội khoảng 70km. Chùa là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần được trùng tu mở rộng năm 1304 và được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp vào hạng quốc gia. Còn đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo là nơi thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc là ghép từ tên của hai vùng Vạn Yên(làng Kiếp) và Dược Sơn(làng Bạc). Ở Côn Sơn, mỗi năm đều diễn ra hai lễ hội lớn: Hội Xuân và Hội Thu. Hội Xuân là hội chùa Côn Sơn là để kỷ niệm ngày mất của Thiền sư Huyền Quang diên ra vào ngày 16 cho đến ngày 22 tháng giêng. Còn Hội Thu sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng tám âm lịch để tưởng niệm vị anh hùng Nguyễn Trãi. Du khách tham gia lễ hội sẽ được chơi những trò vui dân gian rất đặc sắc.

Từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hằng năm, ở Kiếp Bạc có diễn ra hội đền Kiếp Bạc (còn gọi là hội Tháng Tám Kiếp Bạc). Lễ hội là để tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. ào những ngày đầu tháng cho đến cuối tháng giêng hằng năm, chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc đã đón rất nhiều khách phương xa đến đây thăm viếng, tham gia lễ hội cúng chùa đền.

Đền Hùng – Phú Thọ

“ Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ Mùng 10 Tháng 3”. Mặc dù tới ngày 10/3 mới là ngày Giỗ tổ Hùng Vương, tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu của năm mới du khách thập phương trên khắp mọi miền đất nước đã hành hương về "Đất Tổ", bái lễ, câu an cho cả năm ở Đền Hùng. Lễ hội Đền Hùng - nơi thu hút hàng chục ngàn người tham gia.

Hương An
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: