Sự kiện hot
5 năm trước

Điện máy Nguyễn Kim trốn thuế 148 tỷ: Vì sao không bị truy tố hình sự?

Mặc dù số tiền trốn thuế lên tới 148 tỷ nhưng Điện máy Nguyễn Kim chỉ bị truy thu lại khoản thất thoát. Trong khi đó, theo quy định pháp luật hiện hành thì chỉ cần số tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên đã có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Từ sự phản ánh của ông C., Cục Thuế TP.HCM đã quyết định thanh tra hành vi trốn thuế của CTCP Thương mại Nguyễn Kim thông qua việc kê khai lương của nhân viên.

Kết quả thanh tra nêu rõ, hơn 10 năm qua, năm nào nhân viên cũng ủy quyền cho công ty quyết toán thuế đầy đủ nhưng điện máy Nguyễn Kim đã né thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ để tránh nộp thuế.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, câu hỏi vì sao đại gia Nguyễn Kim trốn thuế 148 tỷ nhưng vẫn không bị truy tố hình sự cần được “mã hoá”: Ảnh IT.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, câu hỏi vì sao đại gia Nguyễn Kim trốn thuế 148 tỷ nhưng vẫn không bị truy tố hình sự cần được “mã hoá”: Ảnh IT.

Nói về việc này, Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, bản thân ông rất ngạc nhiên khi số tiền trốn thuế lên tới 148 tỷ nhưng không bị xử lý hình sự trong khi theo quy định pháp luật hình sự thì chỉ cần số tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Với chiêu thức né thuế của Nguyễn Kim, việc xử lý hình sự còn tùy thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nếu không truy tố trách nhiệm hình sự thì cơ quan chức năng cũng cần có trả lời cụ thể tại sao không khởi tố vụ án.

Trong đó, Điều 200 Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 thì người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật hình sự 2015 – sửa đổi bổ sung 2017.

Trường hợp các công ty, doanh nghiệp chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…

Phạm tội trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.5 tỷ đồng đến 4.5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Luật sư Hùng cũng phân tích, việc Công ty CP thương mại Nguyễn Kim là một công ty lớn, có ảnh hưởng trên thị trường, thế nhưng hành động lách thuế có chuẩn bị kỷ lưỡng, đây rõ ràng là hành vi coi thường pháp luật nên mới trốn thuế số tiền lớn như vậy. Vì vậy, nên xử lý hình sự đối với Nguyễn Kim để làm gương đối với các doanh nghiệp đã, đang và có ý định lách thuế gây thất thoát ngân sách của nhà nước vì số tiền trốn thuế rất lớn.

Nếu hành vi vi phạm của CTCP Thương mại Nguyễn Kim có một trong các yếu tố dưới đây thì có thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trốn thuế: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội…

Luật sư Hùng nhận định, có lỗ hổng pháp luật nên người vi phạm mới lách luật được do vậy Luật thuế cũng như các văn bản, nghị định, thông tư cần hoàn thiện về thuế. Ngoài ra là cán bộ thuế cần nâng cao chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong kiểm tra, thanh tra và xử lý thuế…

Theo luật sư Hùng, hình phạt về tội trốn thuế hiện nay còn thấp nên tùy tình chất vi phạm, hành vi vi phạm, hậu quả... mà ta nên có mức xử phạt khác nhau. Vì đây là tội phạm liên quan đến kinh tế nên nếu xử phạt cao sẽ tránh e ngại cho người làm kinh doanh nên cần tăng mức phạt tiền lên cao, nhiều lần tránh người vi vi phạm coi thường đồng thời có thể tước giấy phép kinh doanh đối với pháp nhân thương mại.

“Pháp luật hình sự đã có quy định số tiền trốn thuế bao nhiêu thì sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, cơ quan chức năng còn căn cứ vào nhiều yếu tố để có khởi tố hay không. Nếu chưa có văn bản điều chỉnh thì khó để xử lý hình sự vì một hành vi vi phạm pháp luật hình sự chỉ khởi tố nếu được quy định trong Bộ luật hình sự”, Luật sư Hùng cho hay.

Phan Vượng – Kỳ Phương
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: