Sự kiện hot
11 năm trước

Độc đáo làng nuôi cá cúng ông Công, ông Táo

Dantin - Những ngày này, làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) sôi động, tấp nập hẳn lên khi những lồng cá chép đỏ óng ánh đi rời làng tỏa đi khắp nơi phục vụ ngày cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp).

Dantin - Những ngày này, làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) sôi động, tấp nập hẳn lên khi những lồng cá chép đỏ óng ánh đi rời làng tỏa đi khắp nơi phục vụ ngày cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp).

Theo ông Bùi Đình Chữ, Chủ tịch Hội làng nghề Thủy Trầm, làng Thuỷ Trầm có 485 hộ thì có tới 362 hộ nuôi cá chép đỏ. Mỗi gia đình ở đây có từ 3 – 4 ao cá. Nuôi cá chép đỏ chi phí thấp, dễ nuôi, dễ sinh lời. “Nhờ con cá chép đỏ mà nhiều hộ đã “giàu” lên trông thấy, sắm được những đồ dùng sinh hoạt đắt tiền như: ti vi, tủ lạnh, điều hòa. Hiện giờ, toàn thôn đã có khoảng 30 xe ô tô tải trọng lớn phục vụ nhu cầu chuyên chở thu mua cá…”, ông Chữ phấn khởi nói.

Anh Công Vụ (gia đình nuôi và cung cấp số lượng cá chép đỏ lớn nhất thôn Thủy Trầm) hồ hởi khoe: “Năm nay nhà tôi cũng nuôi được tạ cá, muốn bán là có ngay thương lái đến tận làng mua. Năm nay, giá cá được chào bán tại bờ khoảng 70 – 80 nghìn đồng/kg. Ngoài diện tích nuôi ngoài đồng, chúng tôi còn sử dụng các thửa ruộng trồng hoa màu, đất làm ao, đất vườn… để đào ao thả cá.”

Điều kỳ lạ ở làng Thủy Trầm là nhà nào nuôi cá chép đỏ cũng đều không muốn cá lớn lên?!. Ông Trần Ngọc Tiếp, chủ một hộ nuôi cá lý giải: “Hầu hết người mua cá chép đỏ chỉ ưa thích những con to bằng 2 đến 3 đầu ngón tay để cúng ông Công ông Táo chứ không thích cá to. Vì thế, nuôi cá chép đỏ phải có “mánh” riêng để “hãm” cá lớn chứ không thể nuôi tùm lum được”.

 “Mánh” riêng, theo ông Tiếp đó là ao phải nhỏ, nước sạch, không quá sâu, thả cá dày, cho ăn thật ít mới khống chế được cân nặng của cá. Thường thì mỗi mét vuông mặt nước thả từ 500 đến 700 con. Và thường mỗi ao có đến hàng vạn con cá. Cá càng nhỏ thì giá bán càng to. “Đó là lý do khiến nghề nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm trở thành nghề có lợi nhuận cao.Việc nuôi thả cá chép đỏ bắt đầu từ tháng 6, nhưng cũng có gia đình nuôi muộn hơn là vào tháng 7”, ông Tiếp nói.

Làng Thủy Trầm thu hoạch cá

Bác Sáu, người có công đầu trong việc đưa cá chép đỏ về làng kể: Năm ấy, tuần nào tôi đạp xe đạp về Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ) để mua cá giống. Một lần mua cá tôi bỗng nhìn thấy mấy con cá chép đỏ óng ánh rất đẹp, đã muốn hỏi mua nhưng chưa dám nói ra. Thấy tôi hai ba lần say mê ngắm con chép đỏ, anh chủ trại cá giống hỏi: Bác muốn mua cá chép đỏ phải không? Tôi gật đầu và mua được 4 con (anh chủ trại nuôi cá giống chỉ bán có thế). Tôi mang về nuôi 3 con, cho anh tôi nuôi 1 con. Hồi đầu thả ao nọ ao kia, chép đỏ chép trắng xen kẽ lốm đốm. Mãi đến năm 1980 mới nuôi riêng được cá chép đỏ. Lần đầu tiên mang một ít cá chép đỏ lẫn vào chép trắng xuống chợ Bãi Bằng bán ngày 23 tháng Chạp, thì chỉ sau loáng cái trong chậu chỉ còn lại chép trắng. Thế là tôi quyết định đầu tư ao nuôi thả cá chép đỏ diện rộng. Rồi cả thôn học hỏi nuôi theo và mô hình nuôi cá chép đỏ lan rộng. Cho đến nay, Thủy Trầm đã trở thành một trong những nơi cung cấp cá chép đỏ lớn nhất trên thị trường miền Bắc từ Hà nội, Hải Phòng đến Yên Bái, Lạng Sơn… Thậm chí một lượng lớn cá chép đỏ Thủy Trầm được xuất sang Trung Quốc. Tôi rất vui vì bình quân tính riêng việc bán cá chép đỏ để cúng ông Công ông Táo, mỗi hộ cũng có thêm 5 – 10 triệu đồng ăn Tết”.

Thường thì trước ngày 23 tháng Chạp nửa tháng, cánh thương lái từ xa đã nườm nượp đến làng Thủy Trầm, đặt tiền cho các chủ cá và chọn lựa cá chép đỏ. Anh Minh, thương lái từ Yên Bái đến, bày tỏ: “Tôi thu mua cá trực tiếp từ Thủy Trầm cũng được 10 năm rồi. So với nhiều nơi, cá chép đỏ Thủy Trầm được chăm nuôi cẩn thận và môi trường nuôi thả tốt hơn một số nơi khác. Tôi đã mua được 2 tấn rồi và vẫn đang tiếp tục đặt mua thêm nữa”.

Thanh Thúy

Từ khóa: