Sự kiện hot
10 năm trước

Đột nhập “cơm bẩn” Sài Gòn

Dantin - “Cơm chỉ”, “cơm chỏ”, “cơm bụi” là những danh từ các quán cơm lề đường dành cho những người làm nghề xe ôm, chạy chợ ở TP. Sài Gòn trước kia. Nhưng thực khách của những quán cơm bình dân ấy, giờ đã có thêm nhiều thành phần như SV, công nhân, giới làm thuê có thu nhập thấp… Giá cả của những quán ăn bình dân thì ai cũng biết nhưng chất lượng của bữa ăn ra sao?

PV Đời sống & Tiêu dùng thâm nhập vào các quán cơm bình dân giá rẻ, tận mắt chứng kiến những cảnh chế biến rùng mình tại các nơi này.

“Tử thần” phía sau bếp?...


Đằng sau các bếp nấu cơm bụi là “tử thần” rình rập.

Theo chân Nguyễn Vũ Cường ,nhân viên của quán cơm P. P nằm trên mặt tiền đường Hương Lộ 10, quận Bình Tân, chúng tôi được mục sở thị một hậu trường của những quán ăn có bề ngoài nhìn rất sạch sẽ bắt mắt này. Thấy chúng tôi bước vào,chị chủ quán khoảng chừng ngoài ba mươi lăm tuổi hất hàm hỏi: “Các chú ăn gì?”. Chẳng biết chọn món gì thì anh bạn đi cùng bảo chọn đại đi: Thịt kho trứng, rau luộc và món cá rán.

Chúng tôi chọn một bàn ăn phía góc cuối quán, ở tại vị trí đó có thể quan sát được hết các đồ dùng nấu ăn, bếp nấu ăn và cả những chén đũa sau khi khách ăn xong. Bàn ăn bằng inox trắng sáng, nhưng đã ngả ố hoen gỉ vàng. Tôi quệt đầu ngón tay xuống mặt bàn tạo ra một đường sóng những chất nhờn, nhơn nhớt toàn dầu mỡ. Ngay lúc đó thì có một người mang cơm đến cho chúng tôi thì từ cảm giác “hết đói” chuyển sang “muốn ói”!

Ăn được vài miếng, chúng tôi đi về phía sau, hỏi chỗ đi rửa tay thì cảnh tượng khủng khiếp hiện ra trước mắt: Chén đĩa bẩn chồng đống ngày bên cạnh bồn cầu trên nền xi măng đã tróc gần hết vì đã xây dựng lâu ngày. Thức ăn dư, nước mỡ, mắm tôm sống,.. bốc mùi nồng nặc. Vừa bước ra cửa nhà vệ sinh thì một cảnh tượng nữa lại đập vào mắt: Người phục vụ ra vào phòng ngủ và quên không khép cửa khiến tôi quan sát được: Rau, hành, mắm, muối, đủ loại bày ra nền nhà đất không lát gạch men, chúng vàng úa để bừa bộn ruồi muỗi bu đen,...

Sang khu nấu nướng cũng chẳng sạch sẽ hơn. Những lớp muội than tổ ong bám thành lớp dày trên các xoong nồi, chảo thậm chí cả trên những cánh quạt treo tường cũng có một lớp bụi đen bám dày hàng cm. Trần nhựa đã vàng khè bong tróc từng mảng có thể rơi bất cứ khi nào. Quan sát kỹ chúng tôi thấy những can dầu ăn đen ngòm để trong xó bếp. Tất cả đồ ăn đóng trong các bịch nilon đều không tem, mác xuất xứ. Lâm, nhân viên phụ bếp cho một nhà hàng lớn tại quận 1 cho chúng tôi biết: “Dầu ăn của nhà hàng sau khi dùng xong sẽ được đổ vào can và bán lại cho một đầu mối thu gom, từ đầu mối này dầu ăn đã qua sử dụng sẽ được quay lại dùng cho các quán cơm bụi và những KCN”.

Hành trình của... “thực phẩm thiu thối”

Nguyễn Hoàng Cường, người bỏ mối thủy sản chợ Hoàng Hoa Thám cho chúng tôi biết: “Hiện nay cá, tôm mang từ dưới các tỉnh miền Tây lên đến chợ đầu mối họ tiến hành chia lại, những con chết, ươn thậm chí là ôi thối sẽ đi về những KCN và các quán cơm bụi”.


Dù bẩn vẫn đông đảo người ăn tìm đến.

Qua giới thiệu, tôi gặp chị Hoàng Lan một người bỏ mối rau cho những tiểu thương trong các sạp của chợ Hòa Hưng. Chị cho biết: “Loại rau ngon nhất sẽ dành cho các nhà hàng, khách là loại 1, còn loại 2 thì lái buôn sẽ bỏ mối cho các sạp bán tại các chợ trong nội thành, các xe đẩy rong và loại 3, 4 còn lại sẽ được dành cho những khu công nghiệp nấu cho công nhân ăn và những quán cơm bụi”?!

Tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này tại chợ đầu mối Hóc Môn, anh Nguyễn Văn H, nhân viên dọn vệ sinh trong chợ cho chúng tôi hay: “Những loại rau củ quả hư này thường sau khi chợ tan sẽ gom lại để đổ rác, nhưng có những người vẫn đi gom chúng”. Đợi đến khi chợ gần tan, chúng tôi quan sát và theo một người gom những thứ “rác” vào bao và đi bỏ cho một quán cơm bình dân trên đường TL 10, quận Bình Tân! Để làm rõ nghi ngờ này, tôi đã đóng vai một người bỏ mối rau giá rẻ để tiếp cận quán ăn đó và thật đúng như chúng tôi nghi ngờ, những thứ rau “rác” đó đã được chủ quán “phù phép” để biến thành những món ăn trên bàn.

Tôi tiếp tục giả làm một người muốn mở quán cơm mà không biết chỗ nào cung cấp thịt “giá mềm” hơn giá thị trường để gặp chị Út Hoa, một người bán thịt heo tại chợ Hoàng Hoa Thám. Sau vài câu hỏi “nghiệp vụ căn bản” về thịt heo, chị Út Hoa tỏ vẻ tin tưởng và lôi ở trong hộc tủ phía dưới ra vài miếng thịt có màu xám đen, có miếng đã bốc mùi đưa cho tôi. Chị nói sẽ để giá “ngọt” cho và còn không quên hứa: Chị sẽ chỉ cách làm thế nào để miếng thịt trở lại tươi như vừa mổ. Để thuyết phục tôi chị giới thiệu là chị cũng đang cung cấp loại này cho 2 quán cơm trên đường Hoàng Hoa Thám gần đó.

Liên tục ngộ độc

Cuối tháng 9/2013 gần 2.000 công nhân làm việc tại công ty Hansoll Vina (Khu công nghiệp Sóng thần II, Dĩ An, Bình Dương) đã phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm. Cũng trong thời gian này, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo và Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP.HCM) tiếp nhận gần 300 công nhân Công ty TNHH Boeim Tech Việt Nam (quận Thủ Đức) nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 năm gần đây, toàn quốc đã ghi nhận 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 người bị ngộ độc, trong đó có 229 người chết. Trung bình mỗi năm xảy ra 185 vụ với 6.147 người mắc và 46 người chết/năm. Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể chiếm từ 12% - 20,6% trên tổng số vụ. Ngộ độc tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra nhiều nhất tại vùng Đông Nam bộ, chiếm tỷ lệ 66,7% tổng số vụ xảy ra trong cả nước. Cục ATVSTP cũng nhận định trong các vụ ngộ độc có tới 7/13 vụ (tỷ lệ 53,8%) do sử dụng thực phẩm thủy sản (chủ yếu là cá ngừ có chứa Histamine). Các vụ ngộ độc cá ngừ tập trung chủ yếu tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Trong 72 vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các KCN, KCX, nguyên nhân do độc tố chiếm 19,4%, vi sinh vật chiếm 33,3%, hoá chất chiếm 11,1%, còn 36,1% số vụ chưa xác định được nguyên nhân.

Minh Trí

Từ khóa: