Sự kiện hot
10 năm trước

Đường tránh Huế lại lún!

Chỉ sau 8 tháng hoàn thành nâng cấp, thông tuyến trở lại với tổng kinh phí 482 tỷ đồng, tuyến quốc lộ (QL) 1, đường tránh TP Huế dài hơn 35km lại xuất hiện rất nhiều vị trí lún cục bộ và kéo dài.

 Trao đổi với chúng tôi, một cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ thường xuyên trên tuyến đường này bày tỏ lo ngại về tình trạng xuống cấp nhanh chóng của mặt đường như từng xảy ra vào năm 2004 - gần 1 năm khi tuyến đường được nghiệm thu, đưa vào sử dụng.


Những vệt lún kéo dài trên nền đường tránh TP Huế tại khu vực cầu Mới (lý trình km 865 + 130). Ảnh: D.Th.Tùng

Hứa hẹn trở lại “35 km kinh hoàng”

Bắt đầu từ cột cây số km 1 đường tránh Huế, chúng tôi gặp nhiều vị trí nền đường xuống cấp. Từ km 2 trở đi, mặt đường xuất hiện những vệt lún có bề ngang bằng bánh xe tải, chạy song song. Từ km 11 trở đi, các vệt lún song song nhiều thêm và kéo dài cho đến km 26. Tại khu vực cách cầu Tuần khoảng 2 km, là một đỉnh dốc cao. Đỉnh dốc này cũng bắt đầu lồi lõm, đe dọa sự an toàn của các phương tiện tham gia giao thông. Ở vị trí 2 đầu cầu Tuần, mặt đường cũng rệu rã, hứa hẹn xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi như khi chưa được nâng cấp.

Từ km 26 cho đến km 34, mặt đường có vẻ ổn định hơn nhưng nhiều chỗ cũng đã lờ mờ xuất hiện những vệt lõm, lún. Gần đến lối rẽ xuống thị trấn Phú Bài (Hương Thủy), từ km 34 trở đi, những dấu hiệu xuống cấp của mặt đường lại xuất hiện với mật độ dày hơn. Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ thường xuyên trên hơn 35 km đường tránh - khi được hỏi đều tỏ ra lo ngại về những dấu hiệu xuống cấp nhanh chóng của mặt đường chỉ sau gần 8 tháng hoàn thành nâng cấp. Mặt đường lún nhiều vào mùa hè và theo dự báo của chúng tôi, chỉ qua mùa mưa bão năm nay, con đường này sẽ dày đặc ổ gà, trở về đúng tên gọi ám ảnh các lái xe đường dài là “35 cây số kinh hoàng”.

Khó cứu được danh dự

35 km đường tránh TP Huế được khởi công xây dựng năm 2001 với tổng đầu tư hơn 385 tỉ đồng. Năm 2003, tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm sau (năm 2004), mặt đường đã dày đặc ổ gà và những vệt lún. Đơn vị cầu đường đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục nhưng không thể cứu vãn nổi tình trạng thảm hại của toàn tuyến đường. Đường tránh TP Huế sau hơn 1 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng không khác gì con đường vào mỏ vàng hay bãi gỗ. Tai nạn xảy ra thường xuyên cùng với sự di chuyển khó nhọc, buộc các lái xe phải chọn giải pháp “chấp nhận nộp phạt” đưa phương tiện qua TP Huế “tránh con đường tránh” kinh hoàng.

Để cứu vãn tuyến đường, tháng 7/2012, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý Dự án 6 và các nhà thầu đã tổ chức khởi công gói thầu đầu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp đường tránh TP Huế. Điểm đầu của đường tránh bắt đầu tại thị trấn Tứ Hạ (xã Hương Trà), kết thúc tại thị trấn Phú Bài (xã Hương Thủy) theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với chiều rộng nền đường 12m, mặt đường 11m. Tổng mức đầu tư là 482 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Sau 1 năm thi công, tháng 9/2013, hơn 35 km tuyến đường hoàn thành. Rất nhiều người có mặt tại lễ khánh thành, thông tuyến trở lại đường tránh TP Huế ngày 22/9/2013, cho đến nay vẫn chưa quên phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tôi chưa thấy tuyến đường nào hư hỏng tồi tệ như tuyến đường này. Làm hỏng thì tất nhiên phải sửa. Còn hỏng vì nguyên nhân nào, do quá tải trọng, do thi công kém, giám sát kém hay do thiết kế... thì phải rút ra để sau này chúng ta quản lý tốt hơn”. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đây là con đường mà những người có trách nhiệm quản lý cầu đường và cá nhân, tổ chức thi công phải có trách nhiệm “trả nợ cho danh dự của mình”.

Những dấu hiệu xuống cấp chỉ sau gần 8 tháng thi công của hơn 35 km đường tránh TP Huế lần này không khác gì dấu hiệu xuống cấp từ năm 2004 (sau gần 1 năm hoàn thành). Danh dự của cấp quản và đơn vị thi công cầu đường đang đứng trước một thực tế rất phũ phàng, khó lòng cứu vãn.

Dương Thanh Tùng
theo Thanh tra

Từ khóa: