Sự kiện hot
7 năm trước

FPT sử dụng hợp đồng điện tử 'gài bẫy' khách hàng?

Cho rằng đã hết 6 tháng thời hạn đã ký kết, khách hàng liền đề nghị chấm dứt hợp đồng với FPT thì mới “té ngửa” khi xuất hiện thêm một bản phụ lục ràng buộc đi kèm “trên trời rơi xuống”.

Sao chép trái phép chữ ký điện tử của khách hàng?

Theo phản ánh của anh H.Q.H., ngày 08/3/2017, nhân viên kinh doanh tên Thành của chi nhánh FPT số 48, phố Vạn Bảo đã đến nhà riêng của anh tại phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội để làm thủ tục ký kết hợp đồng điện tử cung cấp dịch vụ internet và truyền hình FPT theo nhu cầu của gia đình.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2017, anh H. yêu cầu hủy dịch truyền hình FPT vì không xem được các kênh thể thao thì mới ”té ngửa” khi nhân viên chăm sóc khách hàng (CSKH) của FPT tại chi nhánh số 48, Vạn Bảo đưa ra một bản phụ lục đi kèm với hàng loạt các điều khoản ràng buộc. Điều đáng nói đó là trên bản phụ lục này có chữ ký điện tử của anh H. trong khi anh khẳng định mình chưa từng được thấy và được ký vào đây.

Hợp đồng anh H. ký kết với FPT


Bức xúc trước sự việc trên, ngày 18/9, anh H. đã gọi lên tổng đài của FPT và được tư vấn viên cung cấp mật khẩu truy cập hợp đồng điện tử số hiệu HNH 327401 (là hợp đồng anh H. ký kết với công ty này) trên Website của công ty và tại đây, bản phụ lục kia cũng xuất hiện.

Phản ánh với Pv. Anh H. khẳng định: “FPT đã tự ý sao chép chữ ký điện tử của tôi trong bản hợp đồng để dán vào phần phụ lục mà tôi không hề được nhân viên kinh doanh thông báo. Tôi  chỉ ký đúng 1 lần vào hợp đồng nhưng nay lại xuất hiện 2 chữ ký ở đó thế nên tôi cho rằng FPT đang bẫy khách hàng”.

Bản phụ lục đi kèm có thời hạn sử dụng lên tới 24 tháng


Điều đáng nói, trong hợp đồng mà anh H. cung cấp cho Pv thì tất cả 7 điều khoản đều không hề đề cập đến bản phụ lục đi kèm. Thế nhưng, ở phụ lục lại xuất hiện thời gian cam kết sử dụng dịch vụ của FPT lên tới 24 tháng thay vì 6 tháng như thời gian anh H. ký kết, bên cạnh đó còn rất nhiều điều khoản xử phạt nếu khách hàng hủy hợp đồng trước thời hạn này với số tiền có thể lên tới 7.600.000đ.

FPT khẳng định đúng quy trình?

 Để làm rõ hơn sự việc này, PV đã có buổi làm việc với quản lý bộ phận kinh doanh của FPT (chi nhánh 48, Vạn Bảo), anh Đinh Thành Long.

Anh Long cho biết: “Quy trình ký hợp đồng điện tử với khách hàng là một chuỗi các bước xác nhận thông tin liên tục, khi khách hàng đọc hết trang trước và đồng ý thì mới đọc đến trang sau. Khách hàng cần phải tích vào mục đồng ý các điều khoản và phụ lục trên website của FPT thì hợp đồng mới được hoàn tất trên hệ thống nên tôi khẳng định FPT không tự ý sao chép chữ ký điện tử của khách hàng để phục vụ vào bất kỳ một mục đích bất chính nào”.

Chữ ký của anh H. cho rằng đã bị FPT sao chép và dán vào bản phụ lục


“Theo quy trình đó, nhân viên thực hiện hợp đồng sau khi điền đầy đủ thông tin của khách hàng và được hệ thống gửi tên, mật khẩu đến số điện thoại khách đã đăng ký thì phải hướng dẫn khách hàng truy cập vào hợp đồng của mình, đọc rõ các điều khoản đi kèm tại phụ lục thì và tích vào mục xác nhận thì mới được chuyển sang các bước tiếp theo”- anh Long tiếp tục cho biết.

Vậy tại sao anh H. vẫn một mực khẳng định rằng anh không hề được truy cập vào hợp đồng của mình vào thời điểm ký kết và không hề biết về khoản phụ lục này? Phải chăng, nhân viên kinh doanh của FPT đã tự ý làm sai quy trình vì lo ngại thời hạn cam kết lên tới 24 tháng thì khách hàng sẽ không ký kết? Và nếu là như vậy thì liệu đội ngũ lãnh đạo của chi nhánh FPT 48 Vạn Bảo có biết rồi “bật đèn xanh” cho nhân viên của mình hay không?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu về vụ việc!

Doanh Chính - Chí Tín
Theo Gia đình và Pháp luật 

Từ khóa: