Sự kiện hot
10 năm trước

Game lậu đầu độc văn hóa giới trẻ

Hiện nay, gần như các loại game của các nhà phát hành trong nước như: Võ lâm truyền kỳ, Thuận Thiên Kiếm, Chinh đồ của Vina game; Thần Võ, Tây Du Ký của FPT… đều đã bị làm lậu và “được” tung hành rộng rãi trên thị trường.

Hiện nay, gần như các loại game của các nhà phát hành trong nước như: Võ lâm truyền kỳ, Thuận Thiên Kiếm, Chinh đồ của Vina game; Thần Võ, Tây Du Ký của FPT… đều đã bị làm lậu và “được” tung hành rộng rãi trên thị trường.

Dùng “da thịt’’ câu khách

Đây là những chiêu trò mà các nhà phát hành game lậu hiện nay thường dùng để quảng bá hình ảnh của trò chơi.

Nhiều nhà phát hành game lậu chọn hình thức truyền thông sản phẩm bằng cách tạo scandal như: sử dụng tên miền gây nhiều tranh cãi, hay dùng hình ảnh các hotgirl ăn mặc kiệm vải hết mức có thể với các hành động hay lời lẽ khêu gợi... khiến cho một nhóm lớn game thủ không còn tha thiết với các sản phẩm chính hãng. Một sự thực phải thừa nhận rằng, nội dung các game lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ đã dẫn đến có nhiều game chứa nội dung sex, bạo lực, đi trái với thuần phong mỹ tục… Mô hình thuê các hogirl, người mẫu ăn mặc hở hang, dính nhiều scandal đã giúp nhà phát hành game lậu thu hút được lượng lớn khách hàng cho mình. Tuy nhiên, đây chính là nguy cơ đầu độc văn hóa không lành mạnh cho thế hệ trẻ hiện nay và dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội.

Thị trường ngập game lậu

Theo ước tính của ngành quản lý Thông tin và Truyền thông, trên thị trường Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều trò chơi lậu, trong đó có cả trò chơi trực tuyến và không trực tuyến với gần 200 đầu game. Tình trạng ăn cắp mã nguồn game của doanh nghiệp trong nước để phát hành lậu, game offline lậu được cài đặt sẵn trên các phòng game, in lậu trên băng đĩa diễn ra khá phổ biến... Lợi dụng sự lỏng lẻo trong việc quản lý của Nhà nước, các công ty nước ngoài cùng các nhà phát hành đã tuồn nhiều loại game vào Việt Nam để trốn nghĩa vụ đóng thuế. Đây là hoạt động hết sức nguy hiểm, đáng báo động đối với dịch vụ cung cấp trò chơi trực tuyến tại Việt Nam.

Một thực tế là game online lậu không hoạt động theo luật pháp nên không hề có ràng buộc pháp lý nào đối với người chơi, lại vừa giúp các nhà phát hành thu được một nguồn lợi không nhỏ với chi phí vận hành thấp, khâu chăm sóc khách hàng hoàn toàn bị bỏ qua. Các nhà phát hành game lậu này luôn tìm cách lợi dụng các source code bị lộ của một số game phần lớn là webgame của Trung Quốc để tạo nên một server game vi phạm bản quyền. Điểm khéo léo ở đây là việc chuyên nghiệp hóa khâu phát hành game đã thu hút được đông đảo các game thủ tham gia.


Việc dùng hình ảnh các hotgirl, người mẫu ăn mặc hở hang đã giúp nhà phát hành game lậu được lượng lớn khách hàng cho mình.

Theo nhiều ý kiến, những năm gần đây, các nhà phát hành game có quy mô nhỏ mọc lên “như nấm sau mưa”, hầu hết những game do họ cung cấp thường không có giấy phép.

Nguyên nhân được cho là một phần do chính sách hạn chế cấp phép game của Nhà nước. Bởi có những thời điểm gần 2 năm, Bộ Thông tin và Truyền thông dừng hoàn toàn việc thẩm định game và sau đó, chỉ xem xét thẩm định rất hạn chế cho một số game. Trong khi đó, game lậu từ nước ngoài không bị hạn chế bởi các quy định pháp lý vẫn liên tục phát triển mạnh mẽ trên thị trường, lấn át game đã được cấp phép cả về số lượng và chủng loại. Hệ quả là dòng tiền chảy ra nước ngoài rất lớn, Nhà nước thì thất thu về thuế.

Nhiều nhà phát hành game online cũng thừa nhận, các chính sách quản lý dành cho game online hiện nay đang thực sự “trói chân” các doanh nghiệp game chân chính, đồng thời tạo ra khe hở cho các doanh nghiệp bất hợp pháp hoạt động. Đơn cử là tình trạng game không phép hiện nay nhiều gấp mấy lần game được cấp phép.

Để hạn chế tình trạng này, mới đây, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã quy định cụ thể về quản lý trò chơi điện tử trên mạng thông qua các biện pháp cấp phép phê duyệt nội dung và phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ theo độ tuổi, nhằm giúp người chơi lựa chọn trò chơi điện tử phù hợp, trong khi phụ huynh có thể lựa chọn, giám sát con em mình, giúp bảo vệ các em khỏi những tác động tiêu cực của trò chơi…

Về lâu dài, nhằm hướng tới một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh game online, đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này để game online thực sự là trò chơi giải trí phù hợp với văn hóa, lối sống người Việt.

Hà - Mai
theo BVPL

Từ khóa: