Sự kiện hot
11 năm trước

Giảm tải bệnh viện: Phải cải cách đồng bộ

Tại Hội nghị triển khai đề án giảm tải ngày 22.3, nhiều ý kiến vẫn quan ngại việc siết chặt chuyển tuyến sẽ khó thực hiện khi người dân và cả bác sĩ chưa tin vào chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới.

Tại Hội nghị triển khai đề án giảm tải ngày 22.3, nhiều ý kiến vẫn quan ngại việc siết chặt chuyển tuyến sẽ khó thực hiện khi người dân và cả bác sĩ chưa tin vào chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới.

Cải cách từ phòng khám

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khoa khám bệnh là “bộ mặt” của bệnh viện, tuy nhiên hiện nay nhiều bệnh viện vẫn không chú trọng đầu tư, để tồn tại tình trạng nhếch nhác, chỗ ngồi thì chen chúc; chỉ dẫn thì loằng ngoằng, tùm lum, bàn ghế xộc xệch, đồng thời quy trình khám chữa bệnh quá rườm rà, “hành” bệnh nhân. Có nơi bệnh nhân phải chờ đợi một cách vô lý, chờ lấy số khám, lấy được rồi lại chờ khám, khám rồi đi lấy máu, lấy máu lại chờ kết quả, sau mới đi siêu âm, xét nghiệm, rồi lại chờ kết quả xét nghiệm, quay lại phòng khám chờ kết luận của bác sĩ, rồi chờ mua thuốc…


Bệnh nhân được điều trị ổn định sẽ phải chuyển về tuyến dưới (ảnh minh họa).

Theo ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), có bệnh nhân liệt kê có đến 14 bước, nhưng nếu đếm chi li thì phải hơn 20 bước, tương ứng với 20 lần chờ, điều này khiến cho bệnh nhân chán nản, mệt mỏi. Bà Nguyễn Thị Hảo (63 tuổi, quê ở xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) phẫu thuật u vú cách đây 5 tháng ở Bệnh viện K T.Ư cho biết, bà đi từ 5 giờ sáng đến viện lúc 7 giờ, mà đợi đến 11 giờ 30 mới được cấp hai hộp thuốc theo định kỳ, nhưng do hết giờ khám, nên bà phải đợi đến chiều mới làm được thủ tục.

Hiện tại với nhiều bệnh viện đầu ngành, thời gian chờ đợi để lấy được kết quả khám bệnh vẫn từ 8-10 giờ.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đang xây dựng Hướng dẫn cải tiến quy trình khám bệnh tại bệnh viện. Theo đó, quy trình khám bệnh còn 4 bước cơ bản: Tiếp đón người bệnh; khám lâm sàng và chẩn đoán; thanh toán viện phí và phát thuốc. Riêng bước khám lâm sàng và chẩn đoán có thêm 5 bước nhỏ nữa. Mục tiêu của Bộ là đến năm 2015, trung bình mỗi buồng khám phấn đấu tối đa chỉ khám 50 bệnh nhân/ngày, thời gian khám lâm sàng đơn thuần trung bình dưới 2 giờ, nếu thêm xét nghiệm thì tối đa cũng chỉ 3-4 giờ.

Vẫn băn khoăn chuyển tuyến

Nói về ý định siết chặt bệnh nhân vượt tuyến, cấm bệnh viện tuyến trên chữa bệnh nhẹ, hoặc yêu cầu chuyển bệnh nhân đã được điều trị ổn định về tuyến dưới, nhiều đại biểu vẫn cảm thấy bất an. Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV K Tân Triều), Bệnh viện K quá tải trầm trọng như hiện nay một phần là do năng lực khám chữa bệnh và điều trị tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều bệnh nhân chỉ bị một cái hạch, một u thịt lành tính cũng muốn lên K để khám cho yên tâm. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có u ở các bộ phận khó chẩn đoán, dưới cơ sở chẩn đoán sai hoặc tìm không ra bệnh mà cứ cố giữ bệnh nhân thì có khi lại gây hại. Việc chuyển tuyến chỉ thành công khi các tuyến làm tốt được đúng kỹ thuật mà mình được phân công.

“Hiện BHYT đang chi trả 30% cho bệnh nhân vượt thẳng lên T.Ư, 50% lên tỉnh và 70% lên huyện. So với đúng tuyến đồng chi trả 80% thì chênh lệch không cao. Việc nâng cao tỷ lệ chi trả của bệnh nhân vượt tuyến là để chính sách trở về mục tiêu: Tạo điều kiện cho người dân thu nhập cao được khám bệnh theo mong muốn”.

Ông Lương Sơn

Cùng quan điểm, ông Trần Bình Giang – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, khi trình độ bác sĩ vẫn không đồng đều thì việc chuyển tuyến sẽ có nhiều bất lợi. “Đối với các ca cấp cứu, sau khi điều trị ổn định sẽ chuyển về cho tuyến dưới, tuy nhiên, nếu không đủ trình độ thì tai biến là không tránh khỏi. Lúc đó, bệnh nhân sẽ quay sang trách, kiện bác sĩ mổ.

Vì thế, chúng tôi chỉ chuyển tuyến được với bệnh viện nào chúng tôi thực sự tin tưởng, đã được chuyển giao kỹ thuật tốt, chứ không phải “theo phân tuyến kỹ thuật” – ông Giang cho biết. Theo ông Giang, cũng không thể ngăn cấm người bệnh có nhu cầu chữa trị ở bệnh viện tốt, bác sĩ tốt. Khi vượt tuyến, họ cũng đã cân nhắc giữa khả năng chi trả và chất lượng dịch vụ. “Khi thực hiện có nhiều rủi ro thì việc xử phạt cũng sẽ rất khó, bệnh viện chỉ phục vụ mong muốn của bệnh nhân mà thôi” – ông Giang nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, bệnh nhân vượt tuyến là bất đắc dĩ vì không ai muốn tốn tiền, đi xa. Nhưng nguyên nhân cũng do khả năng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở còn chưa đáp ứng được nhu cầu người bệnh, thủ tục còn lằng nhằng, chưa “giữ chân” được bệnh nhân. Nên biện pháp giảm tải không thể “ép” bệnh nhân chữa bệnh đúng tuyến, mà phải là tạo điều kiện để người dân hài lòng với tuyến cơ sở để họ yên tâm khám bệnh.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sẽ tiếp tục nhắc nhở các cán bộ y tế nói không với phong bì. Nhiều tỉnh đã thực hiện nghiêm khắc về việc cán bộ y tế không nhận phong bì. Giám đốc sở ký cam kết với các giám đốc bệnh viện, giám đốc bệnh viện ký cam kết với các trưởng khoa, các trưởng khoa lại làm cam kết với các bác sĩ. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Diệu Linh
theo Dân Việt

Từ khóa: