Sự kiện hot
6 năm trước

Giật mình với con số chung cư mua bảo hiểm cháy nổ

Sau sự cố cháy nổ với những hậu quả khủng khiếp xảy ra tại chung cư Carina, nhiều người sống tại chung cư mới bắt đầu quan tâm hơn tới bảo hiểm cháy nổ. Nhiều người bắt đầu chú ý tới việc chung cư mà mình đang sống đã được chủ đầu tư mua bảo hiểm cháy nổ hay chưa.

Vụ cháy chung cư Carina tại TPHCM cuối tháng 3 vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Cuối tháng 3 vừa qua xảy ra vụ cháy tại chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP.HCM) gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Cụ thể, theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TPHCM, vụ cháy đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, ngoài ra còn thiêu rụi 13 ô tô và 150 xe máy.

Giật mình con số mua bảo hiểm chung cư

Mặc dù có thiệt hại lớn về người và của nhưng đến thời điểm này người dân sinh sống tại chung cư Carina vẫn có phương án đền bù cụ thể từ phía chủ đầu tư cũng như đơn vị bảo hiểm.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Thắng – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI - đơn vị xác nhận là nhà cung cấp Bảo hiểm cháy nổ cho Carina Plaza - cho biết, chủ đầu tư chung cư Carina là Công ty Hùng Thanh đã mua bảo hiểm cháy nổ với số tiền bảo hiểm 357 tỷ đồng và Bảo hiểm trách nhiệm công cộng cho thiệt hại của bên thứ ba với trách nhiệm là 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, số tiền bảo hiểm 357 tỷ đồng là giá trị tham gia bảo hiểm cho cả 3 tòa chung cư A, B,C, tức là mức tối đa theo hợp đồng. Số tiền chi trả bồi thường thực tế sẽ căn cứ vào nguyên nhân tổn thất và mức độ thiệt hại.

Còn về Bảo hiểm Trách nhiệm công cộng, một loại hình bảo hiểm cho bên thứ ba (ở đây có thể là con người và tài sản của cư dân) thì rất đáng tiếc khi mức độ bảo hiểm mà Hùng Thanh mua để chi trả cho trách nhiệm này lại rất thấp.

"Mức bồi thường tối đa chỉ 500 triệu đồng, trong đó mỗi nạn nhân liên quan tối đa cũng chỉ được bồi thường 20 triệu đồng và tổng mức chi trả thiệt hại về người không quá 200 triệu đồng”, ông Thắng cho biết.

Sau sự cố cháy nổ với những hậu quả khủng khiếp xảy ra tại chung cư Carina, nhiều người sống tại chung cư mới bắt đầu quan tâm hơn tới bảo hiểm cháy nổ. Nhiều người bắt đầu chú ý tới việc chung cư mà mình đang sống đã được chủ đầu tư mua bảo hiểm cháy nổ hay chưa.

Trên thực tế, hiện tại có rất nhiều chung cư dù đã đưa người dân vào sinh sống đã lâu nhưng vẫn chưa hề mua bảo hiểm cháy nổ. Theo thông tin từ Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, tính đến ngày 4/4, mới có 179 trong tổng số 718 chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố mua bảo hiểm cháy, nổ. Trong số 179 chung cư cao tầng đã thực hiện việc mua bảo hiểm cháy nổ, có khoảng hơn 50% là các chung cư thương mại và chung cư cao cấp.

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính dẫn số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, hiện nay trên toàn quốc có 43.693 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ đã tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (chiếm 56% tổng số cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ.

Sẽ bắt buộc từ 15/4/2018

Theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 15/4/2018, các công trình có nguy hiểm về cháy, nổ như: nhà chung cư, khách sạn; nhà trẻ, trường mầm non; cửa hàng xăng dầu có từ một cột bơm trở lên; bệnh viện, nhà điều dưỡng, trung tâm y tế, cơ sở y tế khám chữa bệnh khác... đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.

Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ bao gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm...).

Theo tìm hiểu, mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với chung cư hiện nay được quy định tại Thông tư 220/2010/TT- BTC của Bộ Tài chính với tỷ lệ 0,14% (chưa bao gồm VAT) giá trị tài sản phải đóng bảo hiểm bắt buộc. Mức phí bảo hiểm bắt buộc tại Nghị định mới này được áp dụng là 0,05%/năm đối với nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động và 0,1%/năm đối với nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động.

Nói về tác động của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cho rằng, việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc sẽ góp phần khắc phục thiệt hại về tài chính, nhanh chóng khôi phục điều kiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Huyền cũng cho biết, thời gian qua, nhiều vụ cháy, nổ của các tổ chức tham gia bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng, kịp thời, điển hình như: vụ cháy ở Công ty Meiko Eletrics Việt Nam tại Hà Nội năm 2012 đã bồi thường khoảng 520 tỷ đồng; các tổn thất xảy ra ngày 13-14/5/2014 do một số đối tượng gây rối tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh gây ra được bồi thường 1.080,5 tỷ đồng; vụ cháy ở Công ty Thaco Trường Hải tại Quảng Nam năm 2016 đã bồi thường khoảng 340 tỷ đồng; vụ cháy ở Công ty Kwong Lung Meko đầu năm 2017 tại Cần Thơ ước bồi thường khoảng 396 tỷ đồng...).

"Thông qua bồi thường bảo hiểm đã giúp các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cháy, nổ chủ động khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất, kinh doanh; qua đó góp phần đảm bảo môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Phương Dung
Theo Dân trí

Từ khóa: