Sự kiện hot
11 năm trước

Giúp đồng bào “bám đất giữ vườn”

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp để giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bình Phước “bám đất giữ vườn”, nhưng nghịch lý vẫn diễn ra.

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp để giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bình Phước “bám đất giữ vườn”, nhưng nghịch lý vẫn diễn ra.

Theo phân tích của HĐND tỉnh Bình Phước, đồng bào DTTS ở vùng sâu vùng xa có đời sống kinh tế khó khăn, nên thường đi vay nặng lãi, bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất sản xuất. Cụ thể tính đến tháng 6.2012, toàn tỉnh có 340 hộ DTTS vay nặng lãi, 818 hộ bán điều non, 243 hộ cầm cố đất và 271 hộ sang nhượng đất sản xuất.


Cầm cố rồi bán luôn đất sản xuất, gia đình Điểu Bôn (xã Thống Nhất, H.Bù Đăng)
rơi vào cảnh nheo nhóc

Kể từ tháng 9.2010, UBND tỉnh Bình Phước đã ra Chỉ thị số 14 về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng này và yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp dụ dỗ đồng bào bán điều non, cầm cố đất. Tuy nhiên, ở một số xã vùng sâu, vùng có đồng bào DTTS lại không thực hiện nghiêm chỉ thị trên.

Cấn đất vì “nợ chồng nợ”

Ông Lê Văn Thạch, Trưởng thôn Thuận Tân (xã Thuận Lợi, H.Đồng Phú), cho biết tại ấp 7 của thôn có 40/44 hộ đồng bào S’Tiêng cầm cố hoặc bán đất sản xuất, chỉ còn lại đất ở. Nguyên nhân là sau khi được nhà nước hỗ trợ cấp đất theo Chương trình 134, các hộ dân đã đem “sổ đỏ” thế chấp ngân hàng để có tiền chữa bệnh, tiêu xài…Sau khi hết tiền, họ tiếp tục vay nặng lãi. Đến kỳ hạn trả, không có tiền, đồng bào đành cấn đất trừ nợ. Bà Thị Ốt (ấp 7, thôn Thuận Tân) cho biết: “Cách đây gần 10 năm, gia đình tôi cũng như nhiều hộ ở đây được nhà nước cấp 8 sào (8.000m2) đất để sản xuất. Sau đó gia đình cắm “sổ đỏ” cho ngân hàng được 6 triệu đồng để có tiền chi tiêu. Năm 2008 chồng tôi bị bệnh, gia đình tiếp tục vay nặng lãi điều trị bệnh. Đến nay tổng số tiền nợ đã lên đến 30 triệu đồng, buộc phải bán đất, chỉ giữ lại 200m2 đất ở”.


Sau khi liên kết đất trồng cao su, đời sống đồng bào từng bước được ổn định

Còn tại xã Thống Nhất (H.Bù Đăng), theo thống kê có 56 hộ đồng bào DTTS được cấp đất Chương trình 134 với tổng diện tích gần 60ha. Đến nay đã có 8 hộ cầm cố đất, mua bán thường thấp hơn 3-5 lần so với giá thực tế. Không còn đất, buộc bà con DTTS phải đi làm mướn để kiếm sống.

Xử lý mạnh tay!

Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất Vũ Đức Hoàng cho biết: “Sau khi phát hiện các hộ dân đã cầm cố, bán đất Chương trình 134, UBND xã đã chỉ đạo tư pháp xã mời cả 2 bên (cầm/mua và cầm/bán) lên làm việc. Sau đó chúng tôi đã rà soát, xử lý dứt điểm 8 trường hợp,  giao lại đất cho đồng bào; đồng thời vận động đồng bào chăm lo sản xuất, không nghe kẻ xấu dụ dỗ dẫn đến mất đất”.

Theo ông Điểu Giá, Phó Chủ tịch UBND H.Bù Đăng, ngoài tình trạng cầm cố hoặc bán đất, tại Đăng còn xảy ra tình trạng các hộ dân lấn chiếm, tranh chấp đất của các hộ đồng bào. Về việc này, UBND H. Bù Đăng đã lập kế hoạch thu hồi, cấp lại và thành lập tổ bảo vệ để hỗ trợ đồng bào sản xuất. Cụ thể, tại xã Đắk Nhau (H.Bù Đăng) có 17ha đất Chương trình 134 bị người dân lấn chiếm, chặt phá cây cao su trồng trên đất liên doanh giữa Công ty cao su Phú Riềng với các hộ đồng bào. Trong số 17 ha này có 7ha bị bà L.T.N tái lấn chiếm. UBND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định phạt bà Nguyệt 60 triệu đồng và buộc phải trả lại đất cho đồng bào.

Liên kết đất đồng bào để trồng cao su

Trên tinh thần hỗ trợ các hộ đồng bào được giao đất theo Chương trình 134 tổ chức sản xuất và chống tình trạng lấn chiếm đất, từ năm 2007 nhiều công ty cao su trong tỉnh (Phú Thịnh, Phú Riềng…) đã liên kết đất của các hộ đồng bào để trồng cao su. Các công ty đầu tư 100% vốn trồng, khoa học kỹ thuật, còn bà con góp đất. Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm, sau khi thực hiện đầy đủ mọi chế độ đối với người lao động và nghĩa vụ đối với nhà nước, lợi nhuận sẽ được phân chia theo tỷ lệ 50-50. Các hộ còn được công ty xem xét bố trí cho làm công nhân.

Nhật Văn
theo TNO

Từ khóa: