Sự kiện hot
7 năm trước

'Grab, Uber tăng giảm giá bất thường': Yêu cầu kê khai giá

Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Sở GTVT yêu cầu Grab, Uber kê khai giá để "đảm bảo cạnh tranh lành mạnh".

Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Sở GTVT yêu cầu Grab, Uber kê khai giá để "đảm bảo cạnh tranh lành mạnh". Ảnh minh họa

Grab, Uber tăng giảm giá thất thường

Liên quan đến "cuộc chiến taxi công nghệ Grab, Uber" và taxi truyền thống, mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã tiếp tục có phản ánh lên Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị doanh nghiệp (Văn phòng chính phủ) về "taxi công nghệ" Grab, Uber.

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, loại hình GrabCar và Uber có tình trạng "tăng giảm giá bất thường". Hiệp hội cũng đề nghị Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Grab, Uber phải kê khai giá để "đảm bảo cạnh tranh lành mạnh".

"Đơn cử đối với giá cước của Grabtaxi khi xây dựng trong đề án là 6.000 đ/km, tuy nhiên sau khi được Bộ GTVT chấp thuận thì Grab đã điều chỉnh tăng giá cước ngay lập tức, chưa kể nhân giá giờ cao điểm, mưa, lễ tết lên từ 2,5 đến 5,7 lần.

Trong khi đó, các doanh nghiệp taxi phải tuân thủ nghiêm ngặt về sự quản lý giá của ba cơ quan là Sở Tài chính Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội và Cục Thuế Hà Nội", Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho biết.

Về kiến nghị của Hiệp hội Taxi, Sở GTVT Hà Nội cho biết việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải bàng xe ô tô đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC- BGTVT ngày 15/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Tuy nhiên, Công ty TNHH Uber Việt Nam và Công ty TNHH Grabtaxi là những đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng, không phải là đơn vị kinh doanh vận tải nên không thuộc đôi tượng điều chỉnh cùa Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT.

"Tuy nhiên, Sở GTVT tiếp thu và nghiên cứu kiến nghị này", Sở GTVT Hà Nội cho biết.

Ngoài ra, Sở này cũng cho biết sẽ "phối hợp với Sở Tài chính xem xét trong trường hợp thực tế cần thiết phải bổ sung đối tượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ thực hiện kê khai giá tại Hà Nội thì sẽ đề xuất, trình UBND TP bổ sung theo quy định".

Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết số lượng "taxi công nghệ" tăng rất nhanh sau 18 tháng thí điểm. Ảnh minh họa: Tri thức trẻ

Số lượng "taxi công nghệ" gấp rưỡi taxi truyền thống

Đầu năm 2016, đề án "Thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" (Công văn số 1850/TTg-KTN của Thủ tướng và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT) chính thức được triển khai.

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, sau hơn 18 tháng tham gia thí điểm, hiện các xe hợp đồng sử dụng phần mềm kết nối của Grab, Uber đang "phát triển với tốc độ chóng mặt" (gần 50.000 xe), gấp 1,5 lần số lượng taxi truyền thống trong 30 năm qua.

Nhằm "giải cứu" taxi truyền thống, Hiệp hội này kiến nghị UBND TP Hà Nội "nghiên cứu ra quyết định dừng mở rộng công tác thí điểm, không bổ sung thêm các đơn vị và phương tiện tham gia thực hiện thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT".

Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc quyết định dừng mở rộng công tác thí điểm, không bổ sung thêm các đơn vị và phương tiện tham gia thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

"Liên quan đến nội dung này, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 1964/UBNDĐT ngày 26/4/2017 kiến nghị Bộ GTVT", Sở GTVT thông tin thêm.

Cũng theo Sở này, qua rà soát đến thời điểm 31/7/2017, Sở đã cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” cho 16.061 xe dưới 9 chỗ ngồi, trong đó có 409 xe dưới 9 chỗ ngồi có biển kiểm soát ngoại tỉnh.

Đáng chú ý là trong thời gian vừa qua, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị kiến nghị bổ sung quy định về hoạt động của xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng đặt/gọi xe.

Theo Sở GTVT, sau khi Chính phủ, Bộ GTVT bổ sung các quy định về quản lý loại hình này thì sẽ tham mưu cho UBND TP ban hành quy định, trình tự, thủ tục và điều kiện.

D.L
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: