Sự kiện hot
10 năm trước

Hà Nội: Vì sao xe lên mà không xuống được?

Những "con lươn" trên đường, dù không thấp cũng chẳng cao, nhưng nếu phương tiện nào qua đây mà vô tình leo lên "con lươn", thì chỉ cách gọi cứu hộ.


2 dải phân cách ở 2 chiều trên cây cầu, do không có biển cảnh báo nên khiến nhiều xe ô tô cứ thế phi lên. Ảnh: ND

Tại cây cầu ở nút giao thông Cầu Giấy, 2 bên mép cầu có 2 "con lươn" (dải phân cách) để phân chia làn xe cho các phương tiện giao thông khi đi qua cầu. Chuyện chẳng có gì phải bàn nếu không có dự án thi công tuyến đường nằm trong dự án đường Nhật Tân - Nội Bài. Để phục vụ cho việc thi công cây cầu vượt, nên tuyến đường tại nút giao này liên tục bị nắn để bảo đảm công việc thi công, bảo đảm các phương tiện giao thông qua đây được an toàn, vì đây là tuyến cửa ngõ phía Tây của thành phố Hà Nội, có lưu lượng xe hàng ngày rất đông đúc.

Có những phương án điều chỉnh như lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều tiết các phương tiện ngay tại đầu cầu; cắt bớt một phần con lươn phân làn trên cầu và cắm thêm hệ thống biển báo hướng dẫn chỉ đường cho các phương tiện… Tuy nhiên, do các phương tiện tham gia đông, đặc biệt vào giờ cao điểm, ở nút giao thông này thường xuyên diễn ra tình trạng ùn tắc cục bộ, dù có lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đứng làm nhiệm vụ điều khiển giao thông.


Đã trót leo lên con lươn thì khỏi xuống luôn, nếu không nhờ đến sự trợ giúp của lực lượng cứu hộ. Ảnh: ND

Do phục vụ việc thi công cây cầu vượt, nên làn đường tại đây đã được nắn, uốn cong hẳn so với hiện trạng trước đó. Mỗi khi vào giờ cao điểm, nhất là những lúc có đèn đỏ, các phương tiện dồn ứ lại quá nhiều. Khi có tín hiệu đèn xanh được lưu thông, các phương tiên bắt đầu nối đuôi nhau di chuyển theo hướng hình vòng cung, nên hay bị khuất tầm nhìn khi đi chiều từ Kim Mã về Cầu Giấy.

Vào những lúc trời mưa hoặc mờ tối, tầm nhìn bị hạn chế, các phương tiện không có khoảng cách nên bám sát nhau, di chuyển rất khó khăn. Thêm vào đó, con lươn phân cách làn đường có chiều cao khoảng hơn 30cm, thường bị các xe đi trước che khuất, nên nhiều phương tiện đi sau cứ thế phi thẳng lên. Đối với xe máy thì bị ngã, gây tai nạn rất nguy hiểm vì những xe chạy phía sau sẽ cán phải. Còn xe ô tô thì lao thẳng lên con lươn rồi không thể tự xuống được, phải gọi xe kéo, xe cẩu. Dù ô tô ít có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế thì không hề ít, vì phải thuê xe cẩu, kéo, rồi phải sửa chữa lại chính xe của mình...

Rất nhiều lái xe bức xúc khi gặp phải những trường hợp tai nạn thế này. Theo họ, việc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đặt con lươn ở đây, những tưởng để phân làn, bảo đảm an toàn giao thông cho phương tiện đi lại, nhưng hậu quả lại hoàn toàn ngược lại.

Đề nghị Sở Giao thông - Vân tải Hà Nội nghiên cứu và tìm phương án bảo đảm an toàn giao thông tại nút giao Cầu Giấy, để các phương tiện tham gia giao thông qua đây được an toàn về tính mạng và phương tiện, vì cây cầu vượt kia còn thi công trong thời gian khá dài, nên không ai dám chắc tai nạn ở nút giao Cầu Giấy có thể giảm.

Nam Dũng
theo Thanh tra

Từ khóa: