Sự kiện hot
10 năm trước

Hàng khách vẫn bất an với loại phương tiện an toàn nhất

Liên tiếp các vụ tai nạn hàng không thảm khốc trên thế giới trong thời gian gần đây đã tác động không nhỏ đến tâm lý hàng khách. Trong khi đó, việc không ít các sự cố gần đây của hàng không Việt Nam đã làm nhiều hành khách “thót” tim. Song, theo thống kê của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế, máy bay vẫn là phương tiện di chuyển an toàn nhất.


Nhiều sự cố của các hãng hàng không Việt Nam gần đây khiến hành khách có tâm lý bất an. Ảnh minh họa: Internet

Sự cố máy bay của Vietjet Air đưa khách nhầm sân bay còn chưa lắng xuống thì dư luận tiếp tục giật mình vì vụ việc 2 máy bay của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific (JPA) suýt va nhau ở đường lăn Sân bay Quốc tế Đà Nẵng vào ngày 27/6.

Sự cố này xuất phát từ việc kiểm soát viên không lưu (KSVKL) Trương Nguyễn Quỳnh Anh đã cấp nhầm huấn lệnh cho máy bay của JPA vào đường lăn chuẩn bị cất cánh, trong khi máy bay của Vietnam Airlines vừa hạ cánh, chưa thoát khỏi đường lăn.

Khi sự việc được phi công Vietnam Airlines phát hiện và phản ứng thì lúc này, KSVKL Trương Nguyễn Quỳnh Anh mới “giật mình” và hủy bỏ huấn lệnh đã cấp cho JPA.

Ngay sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã điều tra và kết luận, xử phạt một loạt các cá nhân liên quan.

Đáng nói, KSVKL cấp huấn lệnh nhầm là nhân viên thực tập, chưa có giấy phép điều hành bay, chưa có năng lực chuyên môn trực tiếp điều hành bay.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, lỗi này gây ra sự cố rất nghiêm trọng, do việc bố trí thiếu nhân viên, trong khi nhân viên thực hiện nhiệm vụ chính lại là nhân viên thực tập, chưa có giấy phép.

Trước đây, đã xảy ra sự cố tương tự xảy ra tại Sân bay Nội Bài, từ đó, Cục đã nghiêm cấm xếp nhân viên thực tập vào vị trí làm chính thức.

Những sự cố uy hiếp an toàn hàng không vẫn chưa dừng lại. Tối 23/7, một máy bay của JPA khi chuẩn bị hạ cánh xuống Sân bay Vinh đã bị mất tín hiệu không lưu khoảng 3 - 4 phút, khiến máy bay không thể hạ cánh ngay mà phải bay vòng, hạ cánh lần 2, chậm 13 phút so với lịch trình.

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã có báo cáo sự cố về Cục Hàng không, xác định nguyên nhân sự cố là do sự lúng túng trong việc sử dụng thiết bị nghe nói của KSVKL. Cả 2 KSVKL trực điều hành ngày 23/7 đã bị đình chỉ không thời hạn để làm kiểm điểm. Riêng Đài trưởng, Đài phó bị đình chỉ nhiệm vụ 15 ngày để kiểm điểm trách nhiệm.

Ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, sự cố này được xếp vào loại D, có gây uy hiếp an toàn bay nhưng không phải ở mức độ nghiêm trọng...


Nếu không đảm bảo tốt các điều kiện an toàn bay, hành khách sẽ quay lưng lại với phương tiện hàng không. Ảnh: T.A

Theo thống kê của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế, từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ tai nạn trên chuyến bay của hàng không thế giới là 3 - 4 tai nạn trên 1 triệu chuyến bay. Hệ thống đảm bảo an toàn của hàng không rất chặt chẽ, đầy đủ tài liệu hướng dẫn...

Nhìn chung, máy bay vẫn được đánh giá là phương tiện vận tải an toàn nhất. Thế nhưng, cùng với các thông tin xấu dồn dập về hàng không quốc tế và liên tiếp các sự cố liên quan đến máy bay ở trong nước gần đây khiến dư luận, đặc biệt là hành khách thường xuyên di chuyển bằng phương tiện an toàn nhất vẫn bất an.

Anh Vũ Anh Quân, công tác trong lĩnh vực truyền thông lo lắng: Mặc dù đã đặt vé cho cả gia đình đi du lịch từ Hà Nội vào Nha Trang (Khánh Hòa) vào tháng 9, nhưng ngày càng nhiều thông tin sự cố và tai nạn máy bay khiến gia đình tôi bất an. Không ít hành khách Việt Nam đã hủy bỏ các chuyến bay tới nước ngoài, hoãn công việc buộc phải công tác ở nước ngoài hoặc chọn phương tiện khác để di chuyển.

Trước thực tế trên, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị về đảm bảo các điều kiện an toàn khi vận hành tàu bay và triển khai nhiều biện pháp giám sát, thậm chí là giám sát đặc biệt với các hãng hàng không đã xảy ra sự cố. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Cục còn chưa thực sự quyết liệt trong việc đôn đốc thực hiện các yêu cầu, thanh tra, giám sát, phát hiện thiếu sót. Nếu năng lực giám sát của Cục Hàng không Việt Nam không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của các hãng. Từng có quốc gia bị liệt vào “danh sách đen”, bị cấm bay vào không phận một số quốc gia vì khả năng gây mất an toàn, giám sát kém.

Ông Lại Xuân Thanh Cục trưởng Hàng không Việt Nam chia sẻ, nhìn lại các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra gần đây cho thấy, đa phần đều do yếu tố khách quan tác động vì vậy hành khách cũng sẽ thông cảm. Nếu tai nạn do kỹ thuật, sai sót trong điều hành bay, thì chắc chắn hành khách sẽ quay lưng lại với ngành hàng không. Theo Thanh tra Cục Hàng không, công tác đảm bảo an toàn đối với lĩnh vực hàng không dân dụng là yếu tố quyết định, sống còn với mỗi hãng hàng không. Vì vậy, nếu còn để xảy ra nhiều sự cố gây nguy cơ mất an toàn thì hậu quả là điều không khó đoán trước. 

Ông Lại Xuân Thanh nhìn nhận, hàng không Việt Nam thời gian qua có nhiều sự cố gây bức xúc trong dư luận. Trong 6 tháng đầu năm 2014 đã xảy ra 173 sự cố, tăng so với cùng kỳ 2013 là 20,5%. Bên cạnh đó, tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay trong 6 tháng đầu năm cũng cao vọt so với cùng kỳ năm trước. Thực trạng này do lỗi hệ thống, mà với hàng không, lỗi hệ thống rất nguy hiểm, vì nếu chưa xảy ra lỗi này sẽ phát sinh lỗi khác.

Tràng An
theo Thanh tra

Từ khóa: