Sự kiện hot
12 năm trước

Hàng ngàn hộ dân 'khát' nước sạch ngay trung tâm thành phố

Dù sống cạnh khu đô thị hiện đại bậc nhất TP.HCM nhưng nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt.

Dù sống cạnh khu đô thị hiện đại bậc nhất TP.HCM nhưng nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt.

Nằm bên cạnh khu đô thị mới Him Lam hiện đại bậc nhất TP nhưng từ 16 năm qua, người dân thuộc khu phố 5, phường Tân Hưng, quận 7 vẫn phải than trời vì thực trạng “khát nước sạch”.

100 ngàn đồng/m3 nước sạch

Chị Mã Thị Ty, địa chỉ 1041/62/27 đường Trần Xuân Soạn, tổ trưởng tổ 33, KP5, bức xúc, năm 1996 trên địa bàn từ tổ 1 đến 20 đều được công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè lắp đặt đường ống nước sạch và gắn đồng hồ dùng theo giá quy định của nhà nước.

Trái lại, từ tổ 21 đến 33 với gần 900 hộ gia đình thì không được lắp đặt cho tới nay. Dân phải mua nước sạch với giá “trên trời”, 100.000 đồng/m3 (nếu chở trực tiếp đến nhà), còn đi mua tận nơi (cách 1 km) là 34.000 đồng/m3. Ước tính mỗi tháng mỗi gia đình phải mất đến vài trăm ngàn tiền mua nước sạch. Nghĩa là cao gần 13 lần so với quy định hiện hành (8.000 đồng/m3).

Hiện tại hàng ngàn hộ dân tại phường Tân Hưng, quận 7, vẫn phải mua nước sạch với giá rất cao so với quy định của Nhà nước.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sương, ngụ 23/1, cho hay: "Ngoài ra, nếu muốn dùng nước tắm, giặt hàng ngày, chúng tôi phải mua nước giếng khoan với giá 7.000 đồng/khối. Hàng chục hộ dân trong tổ 33 đều phải chịu 2 mức phí nước, bởi dù đầu tư hàng chục triệu đồng đào giếng khoan với độ sâu gần 100 m, nước cũng không thể xài được do nhiễm phèn. Có hộ đào sâu 200 m, kinh phí 40 triệu đồng nhưng chỉ xài được 1 tuần cũng bỏ luôn".

Một cán bộ thuộc Ban điều hành KP 5 cũng rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”: "Thiếu điện còn chịu đựng được chứ thiếu nước một ngày là “bó tay” luôn. Ban điều hành đã đưa vấn đề này ra họp nhiều lần, thậm chí chủ tịch phường xuống và hứa tới hứa lui nhưng mãi vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Các hộ dân chấp nhận bỏ tiền từ 3 đến 6 triệu đồng/hộ để triển khai lắp đặt đường ống cung cấp nước sạch nhưng đến giờ vẫn bị treo".

May mắn hơn là gia đình ông Phan Thanh Châu, cán bộ hưu trí tổ 24, đã được gắn đồng hồ nước. Thấu hiếu được cuộc sống cơ cực của người dân, hơn 3 năm qua ông đã tạo điều kiện để mọi người đến lấy nước. Hàng ngày cả trăm lượt người đến, giờ cao điểm phải xếp hàng chờ hứng nước. Giá nước 1.000 đồng/can 20 lít, được xem là giá ưu đãi nhất.

Nhùng nhằng chuyện quy hoạch

Theo tìm hiểu, cuối năm 2002, UBND TP có quyết định cho Công ty TNHH Một thành viên Cảng sông TP thuê lại hơn 14,2ha đất để xây dựng bến sông Rạch Ông Lớn tại KP 5. Dự án kéo dài trong nhiều năm liền vẫn chưa triển khai. Năm 2007, UBND TP  hủy bỏ quyết định trên.

Năm 2009, TP chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Tháp nghiên cứu đầu tư dự án khu dân cư, thương mại, trường học, bệnh viện… Tuy vậy, do chủ đầu tư và người dân chưa thống nhất trong việc đền bù giá đất nên dự án đang bị ngưng trệ. UBND quận 7 đang kiến nghị UBND TP rà soát năng lực của chủ đầu tư để xem xét thu hồi dự án trên.

Ông Nguyễn Anh Kiệt, ngụ 1041/62/128 Trần Xuân Soạn, thông tin, khi nghe quy hoạch dự án trên đã được xóa, ông đã liên lạc vài lần với công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè xin gắn đồng hồ nước nhưng phía công ty từ chối do địa bàn nằm trong khu vực quy hoạch.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, cho biết, UBND quận đã có quyết định đất không còn quy hoạch và đề nghị công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè triển khai lắp đặt trong năm nay. Tuy nhiên, việc công ty nước Nhà Bè có lắp hay không thì chưa rõ…(?!).

Ông Nguyễn Anh Kiệt, ngụ 1041/62/128 Trần Xuân Soạn, đầu tư khoảng 40 triệu đồng đào giếng khoan, chỉ xài được một tuần phải bỏ luôn do nhiễm phèn.

Công ty Hoàng Tháp vẫn đang nghiên cứu đầu tư dự án tại đây và chưa có quyết định chính thức của UBND TP về việc thu hồi nên vùng đất trên vẫn trong diện quy hoạch. Nếu đầu tư vài tỉ đồng làm đường ống nước mà sau đó có dự án thì quá lãng phí. Ước tính chi phí lắp đặt đường ống, đồng hồ nước gần 2 tỉ đồng, đại diện công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè khẳng định.

Còn theo ông Trương Văn Thủ, Phó Chủ tịch UBND quận 7, công ty cấp nước Nhà Bè hoàn toàn có thể đầu tư đường ống nước tại đây. Thực tế, UBND quận đã có văn bản yêu cầu công ty cấp nước triển khai lắp đặt. Ngoài tiền dân đóng góp, quận sẽ hỗ trợ kinh phí để triển khai trong năm.

Do hai cơ quan quản lý chưa tìm được tiếng nói chung nên hàng ngàn hộ dân thuộc phường Tân Hưng, quận 7, vẫn chưa rõ bao giờ họ sẽ được dùng nước sạch đúng giá quy định, chỉ biết quyền lợi chính đáng của các hộ dân trên tiếp tục bị thiệt.

Theo số liệu thống kê từ Tổng Công ty Cấp nước TP (Sawaco), đơn vị cung cấp khoảng 90% lượng nước sạch tiêu thụ trên địa bàn TP: Năm 2011, số đồng hồ nước được lắp đặt là 856.663 cái; tỷ lệ hộ dân đô thị được cung cấp nước sạch đạt 86,04%, tương đương 1.249.060 hộ, với mức nước tiêu thụ trung bình 856.458m3/ngày. Kế hoạch đến năm 2015, dự kiến nâng công suất cung cấp nước 2,4 triệu m3/ngày và đến năm 2025 là 3,2 triệu m3/ngày.

Hiện trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại một số quận, huyện thiếu nước sạch như: quận 7, Thủ Đức, Tân Phú, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh…

Giang Uyên
Theo Infonet

Từ khóa: