Sự kiện hot
12 năm trước

Hạnh phúc bên cột mốc biên giới

Biên giới tỉnh Quảng Nam được xếp vào địa bàn có địa hình hiểm trở và xa xôi của tuyến biên giới Việt - Lào. Ai ở trong nghề mới hiểu được gian khổ của những người cắm mốc biên giới quốc gia.

Biên giới tỉnh Quảng Nam được xếp vào địa bàn có địa hình hiểm trở và xa xôi của tuyến biên giới Việt - Lào. Ai ở trong nghề mới hiểu được gian khổ của những người cắm mốc biên giới quốc gia.

Rời những bản làng Cơ Tu nồng ấm tình người, chúng tôi hướng về cửa khẩu, đến thăm Đồn Biên phòng 657. Ở đó có các chiến sĩ biên phòng với bao nhiêu nỗi bất vả nhọc nhằn cả trong cuộc sống đời thường cũng như trong thực hiện nhiệm vụ.

Chuyện những người cắm mốc

Đường lên biên giới xa xôi, nhiều đoạn gập ghềnh khó đi nên mất nửa ngày chúng tôi mới tới nơi. Chưa kịp dựng xe, các anh bộ đội biên phòng đã chạy ùa ra, tay bắt mặt mừng đón tiếp. Cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa đại ngàn Trường Sơn cộng với tình nghĩa sâu nặng của người lính biên cương đã giúp chúng tôi xua tan bao mệt nhọc đường xa, để chỉ còn đọng lại bao điều thú vị...


Gia đình nhỏ của thượng uý Phạm Quốc Dương.

Ngay từ khi bước chân vào đồn chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy những giàn su su, những luống rau bí ngô xanh ngút ngát. Nhưng ấn tượng hơn cả là bữa cơm tối với anh em cán bộ chiến sĩ của đồn, ấm cúng và thân tình. Trung tá Nguyễn Hữu Quyết - Chính trị viên Đồn Biên phòng 657 cho biết, bữa cơm ở đây toàn cây nhà lá vườn, chỉ có gạo là chở từ dưới xuôi lên.

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số cán bộ làm công tác phân giới cắm mốc, những người thường xuyên phải ăn ngủ trong rừng để cắm từng cột mốc biên giới quốc gia. Đường lên tới đỉnh ngọn núi cao 1.311m, được mệnh danh là "cổng trời", lúc nào sương mù cũng dày đặc, phủ trắng quanh núi, cơm nấu không biết bao giờ chín, áo quần phơi không khô. Biên giới tỉnh Quảng Nam được xếp vào địa bàn có địa hình hiểm trở và xa xôi của tuyến biên giới Việt - Lào.

Ai ở trong nghề mới hiểu được gian khổ của những người cắm mốc biên giới quốc gia. Mốc nào gần thì đi bộ từ đường ô tô vào cũng hết một ngày, mốc xa thì đi bộ cả tuần mới tới. Có những dốc núi phải đi bộ rồi bò hết một ngày mới lên đỉnh. Mùa khô thiếu nước uống, khát điên cả người. Mùa mưa thì phập phồng nỗi lo lũ ống cuốn trôi...

Trong phút trải lòng, đội phó đội cắm mốc tên Nhân tâm sự: "Bao nhiêu năm với công việc, nhiều lúc đứng dưới chân con dốc dựng đứng mà thấy nản. Đường cắm mốc biên giới còn xa và hiểm trở lắm, phải đến năm 2015 mới hoàn thành nhiệm vụ tôn tạo, tăng dày cột mốc biên giới Việt Nam – Lào trên địa phận tỉnh Quảng Nam”.

Cuối giờ chiều, tự tay trung tá Quyết đi nhổ rau, chuẩn bị bữa cơm đãi khách. Giữa bếp lửa mù mịt khói, Chính trị viên trông không khác gì một anh nông dân cuối giờ chiều về giúp gia đình làm cơm, ngoại trừ chiếc quần xanh, áo ba lỗ đặc trưng cấp phát là phân biệt được. Các anh em chiến sĩ cũng mỗi người một tay chăm sóc vườn rau tăng gia, rồi làm cơm đãi khách, thi thoảng lại thấy ai đó cao hứng vút lên một khúc hát trong “Bài ca 5 tấn”.

Những chuyện tình cổ tích

Trong câu chuyện về cuộc sống của các chiến sĩ nơi biên ải, vô tình chúng tôi biết được những câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của hai chiến sĩ nơi đây. Theo tiếng gọi tình yêu, những người phụ nữ đã theo chồng lên tận nơi thâm sơn cùng cốc này để sống.

Chị Nguyễn Thị Thanh - vợ thiếu úy Cường vốn là một giáo viên quê tận Đô Lương, Nghệ An. Theo chồng lên đây đã được hơn 10 năm, chị mở một quán nhỏ bên núi buôn bán các loại nhu yếu phẩm cho các chiến sĩ, cho đồng bào và cho cả các buôn làng người Lào phía bên kia biên giới.

Phần nhiều các chiến sĩ Đồn 657 là người ngoài tỉnh, có người từ Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, lại có người từ Bình Định... Họ đã vượt qua những thiếu thốn để luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi gặp anh Cường, chị Thanh trong quán nhỏ ấy, khi bên ngoài trời sương núi phơ phất, và cái lạnh dưới 10 độ theo những cơn gió núi thổi thông thốc vào. Rót một chén nước chè nóng, chị cười rất tươi chia sẻ bằng chất giọng xứ Nghệ: “Biết khó khăn vất vả đấy chứ! Nhưng lấy chồng thì phải theo chồng! Ông xã mình đi mấy năm mới về một lần, mình cứ thui thủi suốt ngày cũng buồn. Thế là mình quyết định theo lên đây, vợ chồng sướng khổ có nhau”.

Hai con gái của anh chị đành gửi lại ông bà nội chăm sóc... Ngồi sát lại bên chồng, chị Thanh như muốn sẻ bớt những khó khăn cho anh và cũng như ủ ấm cho hai trái tim đầy nhiệt huyết trong cái lạnh miền sơn cước...

Cách đó không xa, là căn nhà gỗ ấm cúng của vợ chồng thượng úy Phạm Quốc Dương và Phạm Thị Thoa. Đã hơn 6 năm nay, họ rời quê nhà Trực Ninh, Nam Định lên đây công tác và định cư. Tổ ấm của anh chị là một căn nhà gỗ nhỏ, được anh em trong đồn cùng bà con chung tay làm giúp. Đứa con gái mới gần 2 tuổi được anh chị cưng như cục vàng. Chị Thoa chia sẻ: “Nơi biên cương này có nhiều khó khăn mà không thể kể hết được, em chỉ biết cố gắng động viên chồng để hoàn thành tốt công tác. Dẫu khốn khó nhưng có chồng có vợ vẫn hơn các anh ạ!”.

Bùi Hữu Cường
theo Dân Việt

Từ khóa: