Sự kiện hot
10 năm trước

Hòa Bình: Tỉnh lộ 433 nguy cơ “gẫy” đoạn

Tỉnh lộ 433 (TP Hòa Bình - Đà Bắc) có chiều dài gần 100 km. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội của 10 xã vùng cao huyện Đà Bắc.


Ngầm bản Bon đã bị vỡ 1/2 mặt ngầm. Ảnh: Hồng Bài

Trong những năm qua, UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình đã đầu tư kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp trên toàn tuyến. Đặc biệt, ngành Giao thông Vận tải Hòa Bình đã đầu tư hàng tỷ đồng xử lý những đoạn, điểm thường xuyên bị sạt lở, ngập lũ gây ách tắc giao thông, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. 

Do đặc thù về địa hình của huyện miền núi, vào mùa mưa bão, tuyến đường 433 luôn bị tàn phá, nhất là các ngầm tràn. Đoạn đường có độ dốc cao, ta luy âm dựng đứng, sâu. 

Trong 5 ngày (từ 15 - 20/7), trên địa bàn các xã vùng cao Đà Bắc (Tân Minh, Tân Pheo, Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Chiềng...) liên tục có mưa lớn, gây lũ cục bộ. Nhiều ngầm tràn, đoạn đường 433 bị hư hỏng nặng. Trong đó, ngầm bản Than và ngầm bản Bon (Tân Pheo) đã bị lũ phá toàn bộ chân kè, "móc" sâu khoảng 1/2 ngầm, dài gần 10m, tạo thành khoang nước lớn, sâu ngay dưới chân ngầm. Chỉ một trận lũ nữa, 2 ngầm trên sẽ bị phá vỡ.


Đoạn đường qua xóm Ênh bị sạt lở gần 1/2 mặt đường. Ảnh: Hồng Bài

Đoạn đường qua xóm Ênh, hai điểm có chiều dài hơn 10m/điểm, đã bị sạt lở phần taluy âm, cắt 1/3 nền đường. Đây là khúc đường nguy hiểm, hẹp, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu. Đất nền đường yếu, nên khi mưa lũ sẽ bị sạt lở cả taluy âm và dương.

Trước mắt, 4 điểm thiệt hại trên là nguy cơ lớn sẽ làm "gãy" tuyến tỉnh lộ 433. Hiện tại, các phương tiện vận tải chuyên chở hàng hóa trên tuyến đường 433 đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. 

Tại các điểm trên, Đoạn Quản lý đường bộ Hòa Bình đã cho rào chắn, cắm biển thông báo. Nhưng, tiềm ẩn của tai nạn giao thông là khó lường. Nếu 1 trong 2 ngầm tràn bị lũ "móc" sâu tiếp vào 2/3, hoặc 1/2 đoạn đường bị sạt lở tiếp phần nền, mặt đường thì giao thông trên tuyến tỉnh lộ 433 sẽ bị ách tắc nghiêm trọng trên toàn tuyến.

Theo ông Trần Hải Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình: Sau khi kiểm tra thực địa các điểm xung yếu trên tuyến tỉnh lộ 433, lãnh đạo sở đã lập phương án xử lý, khắc phục, không để sự cố lớn xảy ra. Tuy nhiên, để bảo đảm giao thông, phải cần nguồn kinh phí trên dưới 1 tỷ đồng, để gia cố lại các điểm sạt lở. Về lâu dài, các ngầm tràn đã xuống cấp phải được xây mới. Những đoạn đường nền yếu, có nguy cơ bị sạt lở phải kè lại. Kinh phí cho công việc trên phải là con số hàng chục tỷ đồng. Quyết tâm của ngành Giao thông Hòa Bình là bảo đảm an toàn, thông suốt trong mọi tình huống trên tuyến tỉnh lộ 433.

Hồng Bài
theo Thanh tra

Từ khóa: