Sự kiện hot
10 năm trước

Hóa chất, phụ gia nhập lậu Trung Quốc: Đe dọa tính mạng người tiêu dùng Việt

Mặc dù theo quy định mới, hoá chất nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hoá chất bao gồm tên hoá chất; mã nhận dạng; định lượng; thành phần; ngày sản xuất; hạn sử dụng (nếu có); thông tin nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối; xuất xứ hàng hoá… Tuy nhiên, trên thực tế có vô số các hóa chất hoặc phụ gia không rõ bao bì, xuất xứ vẫn được "tuồn" vào Việt Nam và bày bán công khai.

Choáng váng chất phụ gia biến thịt nạc thành thịt bò Úc

Chiều 9/7, Đội 4 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 12 đã tiến hành kiểm tra kho hàng của công ty TNHH đầu tư và thương mại DONGYANGNONGSAN bị nghi là có cung cấp phụ gia thực phẩm do nước ngoài sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - số 107 đường Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

 

Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hơn 150kg phụ gia thực phẩm làm mềm thịt bò không có tem nhãn, ngày sản xuất, hạn sử dụng và thông tin liên quan.

 

Trình bày với lực lượng chức năng, đại diện kho hàng cho biết, số phụ gia thực phẩm do Trung Quốc sản xuất, được công ty mua về để bán cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống.

 

Công ty này cũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Cơ quan chức năng đã thu giữ tang vật liên quan để tiếp tục điều tra xác minh.

 

Một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, nếu được bôi phụ gia thực phẩm, miếng thịt luôn tươi mềm dù bị đun sôi liên tục. Đặc biệt, một vài loại thịt nạc màu đỏ nếu ngâm trong dung dịch có chứa phụ gia sẽ có màu sắc, mùi vị giống như thịt bò Úc.

 

Hơn nữa, cơ quan chức năng còn phát hiện công ty TNHH đầu tư và thương mại DONGYANGNONGSAN kinh doanh thực phẩm nhưng không có Giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

 

Địa điểm "cung cấp" các hóa chất, phụ gia

Từ lâu, các loại gia vị cho món lẩu, hương vị nướng, phẩm tạo màu, hay chất phụ gia biến thịt lợn thành thịt bò…vẫn luôn ngang nhiên được bày bán tại các chợ vùng biên tỉnh Lạng Sơn, và không rõ nguồn gốc. Các gia vị này chủ yếu được nhập lậu vào Việt Nam qua các đường tiểu ngạch, từ biên giới Trung Quốc sang. Chợ Giếng Vuông, TP. Lạng Sơn được coi là "thủ phủ" của các loại "gia vị Tàu". Chợ này bày bán đủ các loại mặt hàng gia vị Trung Quốc, từ hành củ, hành tây, tỏi, cà rốt cho đến các loại gia vị bột để kho tàu, bò kho, lẩu Thái, canh chua, phở, bún bò Huế, hủ tiếu hay các loại dầu giấm và nước mắm pha sẵn. Các loại gia vị có đủ dạng viên, bột và nước. Giá các mặt hàng này thấp hơn rất nhiều so với những loại gia vị có nguồn gốc rõ ràng trong nước. Đơn cử như hành củ khô, hành tây, cà rốt, gừng... giá nhập khẩu chỉ khoảng 2.500 đồng/kg, tỏi 3.400 đồng/kg. Thương lái nhập vào bán ở nội địa thì những mặt hàng này đội giá lên gấp 2 - 3 lần.

 

Khảo sát tại các chợ có thể thấy nhiều loại phẩm màu "độc đáo". Có những bột tạo màu được đựng trong những túi nilon, không ghi bất cứ nguồn gốc, xuất xứ. Các loại "phụ gia lợn bò" có giá trung bình 140.000 đồng. Các chất phụ gia này được chế biến thành dạng kem đựng trong các túi nhỏ. một người bán hàng cho hay: Sau khi tẩm ướp miếng thịt lợn qua chất phụ gia, đợi khoảng 30 phút để gia vị ngấm đều thì thịt lợn đã đổi màu nâu sậm. Màu sắc giống thịt bò hoàn toàn, khi ăn, nó cũng có hương vị bò, giống với vị bò bít tết. Ngoài vị bò còn có cả vị gà, vịt, cừu... Ngoài hương liệu cho nồi nấu bún phở ở đây còn cung cấp đủ hương vị pha chế đồ uống. Đó là các gia vị pha chế nước uống như nước chanh, sữa đậu, trà sữa, nước chanh dây, cam, ổi, dâu, bí đao, hương cúc, mía lau, trà xanh, rong biển cũng được làm giả, giá mỗi kg từ 60.000 đến 80.000 đồng. Được biết, tất cả các loại mặt hàng này được các tiểu thương vận chuyển đến khắp các tỉnh thành trong cả nước tiêu thụ. Tại TP HCM, nơi tập trung phân phối sỉ các mặt hàng phụ gia hóa chất hàng đầu cho TP và các tỉnh là chợ Kim Biên, chợ Lớn ở quận 5. Còn Chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm, chợ Hôm là nơi chuyên cung cấp phụ gia thực phẩm cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Ở đây có đủ loại phụ gia “3 không”: Không nhãn mác, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, không ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng.

 

Nhiều bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: với những gia vị nhập lậu từ Trung Quốc, phần lớn được điều chế bằng phương pháp tổng hợp hóa chất. Nó đánh lừa vị giác, khứu giác, thị giác của người ăn chứ hoàn toàn không có giá trị về dinh dưỡng, chưa kể một số hóa chất có trong gia vị có thể gây ra nhiều chứng bệnh như ung thư, tiểu đường, viêm dạ dày, ruột, gan, thận... nếu ăn uống lâu dài.

 

Trong tháng 6 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai tổng kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm tại các tỉnh thành 2 miền Nam Bắc. Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện có khoảng 400 loại phụ gia, chất hỗ trợ thực phẩm được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc có nhiều sản phẩm ngoài danh mục, không nhãn mác hoặc nhập lậu như: chất làm nhừ thực phẩm siêu tốc, chất làm giòn, xốp, dai hoặc bảo quản thực phẩm lâu mốc hỏng, vẫn được bày bán công khai, đặc biệt tại các chợ chuyên kinh doanh phụ gia vẫn luôn khiến người tiêu dùng lo ngại.

 

Mặc dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực trong việc ngăn chặn thực phẩm, gia vị "bẩn". Tuy nhiên, do lợi nhuận quá lớn nên nhiều thương lái vẫn bất chấp luật pháp và sức khỏe của người tiêu dùng tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.

 

Thu Cúc

Từ khóa: