Sự kiện hot
10 năm trước

Hộp đen sẽ lập lại trật tự trong vận tải?

Từ tháng 6 tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý phương tiện giao thông vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã công bố các con số trích xuất từ hộp đen cho thấy tình trạng vi phạm “quá khủng” của các doanh nghiệp vận tải. Nếu không khắc phục, hàng loạt doanh nghiệp vận tải chỉ còn nước… khai tử.


Lái phụ xe hốt hoảng khi bị TTGT kiểm tra “hộp đen”.Ảnh: A.M

Gần 20.000 phương tiện vi phạm/tháng


Theo đó, chỉ riêng trong tháng 4/2014, số liệu theo dõi từ Trung tâm dữ liệu giám sát hành trình (GSHT) ghi nhận, vi phạm tốc độ từ 10km/h trở lên chiếm tới trên 1/3 tổng số xe có gắn hộp đen. Cụ thể hơn, Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, trong tháng 4/2014 có tới 19.810 xe ô tô vi phạm. Tổng số lượt vi phạm tốc độ của số phương tiện này là trên 1.130.000 lần. Trong đó, có trên 67.000 lượt chạy quá tốc độ từ 20km/h trở lên và 305.000 lượt chạy quá tốc độ từ 10 - 20km/h. Trung bình cứ 1.000 km, lái xe vi phạm quá tốc độ 9,3 lần.


Với mức cự ly mà Tổng cục ĐBVN công bố có thể ước lượng trên thực tế, nếu chạy “khứ hồi” xuyên Việt từ Bắc vào Nam thì lái xe “dính” trung bình 40 lỗi tốc độ. 10 địa phương có số lượt phương tiện vi phạm tốc độ nhiều nhất là TP HCM với 523.000 phương tiện, Hà Nội gần 62.000 phương tiện, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh long, Quảng Ninh, Quảng Bình … với số phương tiện vi phạm dao động từ 16.000 - 44.000 xe.


Ngoài lỗi vi phạm về tốc độ, các tài xế còn vi phạm quy định về số giờ điều khiển phương tiện liên tục. Theo đó, có gần 8.000 lần lái xe vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ và gần 2.000 lượt lái xe vi phạm quy định làm việc quá 10h/ngày. Các con số nêu trên ngoài việc vạch rõ được các vi phạm của doanh nghiệp, lái xe còn cho thấy sự chính xác đến từng số phương tiện mắc lỗi. Đây là điều mà ngành giao thông vận tải chưa từng làm được nếu không có sự “giúp sức” của khoa học công nghệ. Nếu như trước đây, khi xử lý lái xe, phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng thường xuyên gặp khó về “bằng cứ” thì nay chỉ cần vài “click” chuột thì các đối tượng vi phạm buộc phải tâm phục, khẩu phục.


Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng, Bộ GTVT sẽ cương quyết xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt vi phạm tốc độ, thời gian làm việc của lái xe. Hiện đơn vị này đang có kế hoạch triển khai xử lý vi phạm qua hộp đen trên địa bàn cả nước. Đánh giá về hiệu quả đối với việc giám sát phương tiện của hộp đen, ông Hùng cho rằng thiết bị này đã đem lại hiệu quả rất lớn, là công cụ hữu hiệu được sử dụng để chính doanh nghiệp thực hiện việc giám sát hoạt động của lái xe trên đường và cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải của doanh nghiệp.

“Xử” nặng doanh nghiệp vi phạm


Theo Vụ Vận tải, nhiều hành vi vi phạm sẽ bị tước phù hiệu chạy xe, tước giấy phép kinh doanh vận tải. Còn thông tin từ Tổng cục ĐBVN cho thấy nhiều địa phương đã kiên quyết trong xử lý vi phạm qua theo dõi của Trung tâm dữ liệu GSHT. Doanh nghiệp có xe chưa tích hợp hộp đen vào Trung tâm dữ liệu đều không được cấp phù hiệu chạy xe, không được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Nhiều Sở GTVT thường xuyên cập nhật thống kê vi phạm theo tuần sau đó có văn bản nhắc nhở, cảnh cáo doanh nghiệp có xe vi phạm. Thực tế cho thấy, không chờ đến thời điểm hiện tại hoặc tới tháng 6 mà từ cuối năm 2013 tới nay, hàng trăm doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách đã phải “nếm quả đắng” do chính họ gây ra và bị “hộp đen” ghi lại.


Tại tỉnh Hà Tĩnh, từ cuối năm 2013 tới nay, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách đã bị lâm vào tình cảnh sống dở, chết dở do vi phạm. Sau đợt kiểm tra cuối năm 2013 của Sở GTVT, hơn 20 doanh nghiệp đã nằm trong diện bị “trảm”. Sau khi Sở GTVT báo cáo, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải yêu cầu khắc phục đồng thời trong thời gian này Sở GTVT không được làm các thủ tục cho doanh nghiệp bổ sung phương tiện mới, xin, đổi phù hiệu, luồng tuyến… Hàng loạt các doanh nghiệp sắm xe mới buộc phải “đắp chiếu”.


Theo thông tư 55/2014/TT-BGTVT, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi bị phát hiện lần đầu thì nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục. Trường hợp không khắc phục theo đúng yêu cầu hoặc tái phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Từ kết quả theo dõi của Trung tâm GSHT, Tổng cục ĐBVN sẽ thanh tra kiểm tra thường xuyên và đột xuất những địa phương, những doanh nghiệp có nhiều vi phạm. Doanh nghiệp có xe vi phạm về tốc độ chạy xe, thời gian làm việc của lái xe, hành trình chạy xe... sẽ bị  đình chỉ khai thác tuyến từ 1-3 tháng, bị thu hồi biển hiệu và phù hiệu trong 1 tháng.

Nghệ An: Sa thải 10 lái xe “dính” ma túy

Theo Sở GTVT tỉnh Nghệ An, tới nay đã có khoảng 2.000 lái xe thuộc 43 doanh nghiệp vận tải trong địa bàn tỉnh Nghệ An được kiểm tra sức khỏe. 10 lái xe dương tính với ma túy, 1 lái xe đạt kết quả loại 4- loại yếu, 40 lái xe bỏ khám giữa chừng không qua khâu kiểm tra nước tiểu. Về 10 trường hợp dương tính với ma túy, Sở GTVT Nghệ An sẽ bắt buộc các doanh nghiệp chủ quản chấm dứt hợp đồng lao động với họ.

Minh Anh
theo GĐ&XH

Từ khóa: